Chờ 'cú hích' bao bì nội địa giúp nông sản thực phẩm Việt vươn xa

Các vấn đề về bao bì để làm sao vừa bắt mắt, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn, bắt kịp xu hướng mới để tăng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng quốc tế… vẫn luôn là nhu cầu, là mối trăn trở lâu nay của các doanh nghiệp trong ngành hàng nông sản thực phẩm. Liệu các doanh nghiệp nội địa ở ngành bao bì có đáp ứng được mối bận tâm này?

Nói về một trong những thách thức cho việc xuất khẩu (XK) ở ngành hàng nông sản thực phẩm, bà Trương Thị Minh Hương, Trưởng Phòng kinh doanh của CTCP Goods Link (chuyên về XK trái cây chế biến), nhấn mạnh vấn đề nằm ở các tiêu chuẩn về đóng gói, cũng như phải tìm ra những cách thức nào cho hợp lý nhất để bảo quản sản phẩm, cũng như mẫu mã, bao bì sao cho vừa đẹp vừa thu hút nhất.

Mối trăn trở lâu nay

“Chúng tôi đang dò tìm con đường đi để có được những điều phù hợp và đẹp mắt nhất cho sản phẩm trái cây của mình. Bản thân các doanh nghiệp (DN) phải tự làm và mong có sự hỗ trợ nhiều hơn trong chuyện này”, bà Hương chia sẻ.

Khi kết nối giao thương, các nhà thu mua quốc tế thường lưu ý các DN Việt trong ngành hàng nông sản thực phẩm về vấn đề mẫu mã và bao bì.

Khi kết nối giao thương, các nhà thu mua quốc tế thường lưu ý các DN Việt trong ngành hàng nông sản thực phẩm về vấn đề mẫu mã và bao bì.

Còn qua trao đổi với VnBusiness, bà Trần Thị Hồng Phấn, Giám đốc CTCP xuất nhập khẩu Mộc Thanh Anh (nhà phân phối các đặc sản của Tây Nguyên), cho rằng bao bì sản phẩm của công ty đã tồn tại được 5 năm nay và rất cần phải cải tiến. Và để cải tiến bao bì, công ty đang xem lại thị trường của các đối tác như thế nào, thị hiếu người tiêu dùng ở đó ra sao.

“Khuynh hướng của chúng tôi trong bao bì sản phẩm là không thích màu sắc nhiều, sẽ đơn giản nhất, nhưng cũng phải thể hiện lên được sản phẩm “chất” như thế nào”, bà Phấn nói.

Thực ra, các vấn đề về bao bì luôn là mối trăn trở lâu nay của các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm Việt. Đặc biệt là với những DN mong muốn vươn ra thế giới, và họ coi yếu tố bao bì là không thể tách rời, để làm sao vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn mới, vừa bắt mắt, bắt kịp xu hướng mới, liên tục đổi mới để tăng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng quốc tế.

Nhất là khi thị hiếu khách hàng quốc tế ngày càng có nhiều thay đổi, trong khi nông sản thực phẩm lại là một lĩnh vực màu mỡ gắn liền với các nhu cầu cốt lõi nhất của con người mà thị trường luôn có sự cạnh tranh gay gắt so với các ngành khác trên thị trường quốc tế. Cho nên các DN Việt cũng cần chú trọng ứng dụng công nghệ trong đóng gói, thiết kế và sản xuất bao bì với mẫu mã dành riêng cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, với những DN vừa và nhỏ ở ngành hàng này, áp lực về mặt chi phí khiến cho họ chậm cải tiến bao bì dẫn đến không đạt chuẩn khi xuất khẩu và bao bì với mẫu mã cũ kỹ, kém bắt mắt dẫn đến hạn chế về đầu ra.

Ngoài ra, như lưu ý của ông Thái Quốc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Hương (chuyên sản xuất các mặt hàng đường từ trái thốt nốt ở dạng thực phẩm), các DN cũng đang rất quan tâm đến các loại bao bì thân thiện môi trường bởi vì đây là xu hướng xanh mang tính toàn cầu.

Theo ông Huy, trong hành trình phát triển bền vững của DN thì việc có thêm định hướng mới, kịp thời và phù hợp về bao bì theo xu hướng xanh và thân thiện môi trường là rất quan trọng.

Giới chuyên gia cho rằng để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng quốc tế và tăng độ nhận diện sản phẩm, tránh sự nhàm chán, đòi hỏi các DN xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt cần phải lưu ý nhiều hơn nữa về vấn đề cải thiện bao bì.

Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu nông sản thực phẩm cần chú trọng quy trình đóng gói, in nhãn mác nhằm đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là sử dụng các loại nguyên vật liệu xanh, bền vững với khả năng tái chế cao trong sản xuất bao bì và quản lý chất lượng bao bì cho thực phẩm.

Thích ứng thay đổi theo nhu cầu

Đứng ở góc độ của một DN nội địa chuyên về sản xuất bao bì, ông Nguyễn Hoàng Xuân Độ, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX –TM & DV Bao bì Tăng Phú – Tafuco (Bà Rịa Vũng Tàu), nói rằng các sản phẩm nông sản thực phẩm Việt thường gặp rào cản về bảo quản trong quá trình vận chuyển. Vì thế bản thân công ty luôn trăn trở điều này để làm sao có được những loại bao bì giúp cho DN bảo quản tốt sản phẩm, đặc biệt là với những nông sản chế biến sâu rất cần có được loại bao bì bảo quản phù hợp.

Ông Độ cũng dẫn chứng các tiêu chuẩn bao bì mà công ty đang sản xuất phù hợp cho thị trường các nước ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho ngành nông sản thực phẩm.

“Điều này sẽ giúp các sản phẩm nông sản thực phẩm của các DN địa phương đi xa và được bảo quản phù hợp. Các tiêu chuẩn bao bì mà chúng tôi hướng tới hoặc đang làm trong thời gian qua là những bao bì xanh, sạch, bền vững. Quy trình sản xuất bao bì của nhà máy cũng dựa trên các yếu tố chủ chốt này”, ông Độ nói.

Nên nhắc thêm, trong nhu cầu cải thiện về mặt bao bì của các DN nông sản thực phẩm thì liệu các DN nội địa trong ngành bao bì có đáp ứng được nhu cầu này hay không cũng là cả vấn đề. Bởi lẽ, thực tế số DN nội địa có đủ khả năng đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất bao bì cao cấp hay theo xu hướng xanh hóa vẫn còn rất khiêm tốn do chi phí đầu tư cao.

Đơn cử như lĩnh vực bao bì nhựa. Do nguồn nguyên liệu được nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài nên giá thành sản xuất trong nước vẫn còn rất cao. Đây là lý do khiến cho nhiều DN nông sản thực phẩm dù muốn cải tiến bao bì nhưng vẫn ngần ngại về mặt chi phí.

Không chỉ vậy, liệu các DN nội địa có đáp ứng được xu hướng của thị trường bao bì thực phẩm quốc tế hay không cũng là một dấu hỏi về năng lực sản xuất và công nghệ. Bởi vì một trong những trụ cột chính để nông sản thực phẩm Việt cạnh tranh trên thị trường quốc tế là thời hạn sử dụng. Do đó các DN Việt đang cần các loại bao bì giúp cho sản phẩm của họ có thời hạn sử dụng lâu hơn và bán ra thị trường có thể kiếm được nhiều tiền hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Tựu trung lại, để giúp ngành hàng nông sản thực phẩm Việt vươn xa trên thị trường quốc tế thì rất cần bản thân các DN trong lĩnh vực này phải không ngừng cố gắng đổi mới, sáng tạo, cách tân về mặt bao bì để vừa đáp ứng tiêu chuẩn và bắt kịp xu hướng mới và tạo ra lợi thế trước các đối thủ khác. Và các DN nội địa trong ngành bao bì cũng phải thích ứng thay đổi theo nhu cầu của các DN nông sản thực phẩm, có “cú hích” phát triển tốt hơn nếu không muốn thị phần “béo bở” này rơi vào tay của khối ngoại.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cho-cu-hich-bao-bi-noi-dia-giup-nong-san-thuc-pham-viet-vuon-xa-1099998.html
Zalo