Cho con luyện IELTS từ nhỏ, cha mẹ đang làm hại trẻ?

Theo các chuyên gia giáo dục, cha mẹ ép con luyện thi IELTS từ nhỏ khiến trẻ bị ảnh hưởng khả năng phát triển về thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Những ngày qua trên các diễn đàn mạng xã hội đang xôn xao vụ việc một người mẹ ép con gái sinh năm 2011 nhồi nhét đủ thứ từ IELTS, SAT cho đến các kiến thức rất phức tạp về khoa học và kinh tế.

Theo đó, từ năm lớp 3, vị phụ huynh này cho con học chương trình phổ thông Acellus dành cho người bản ngữ của Mỹ để phát triển kỹ năng nghe và phát âm tiếng Anh. Chương trình này được cho là có nhiều thuận lợi để lấy các chứng chỉ IELTS và nếu học đến hết lớp 12 có thể thi các chứng chỉ SAT để nộp hồ sơ vào các trường đại học Mỹ.

Cũng trong thời gian này, em nhỏ phải học các bộ sách nổi tiếng như Diary of a Wimpy Kid, Dear Dumb Diary và tăng dần lên các sách nặng hơn như Oxford Bookworm, Oxford Read and Discover - những bộ sách chứa rất nhiều thành ngữ và cụm từ dùng được cho bài thi IELTS Speaking để cải thiện vốn từ, diễn đạt.

Lên lớp 4, bạn nhỏ phải đọc sách tiếng Anh về nền kinh tế thị trường, nguyên lý cung, cầu, kinh tế xã hội,.. nhằm tăng khả năng đọc hiểu và trau dồi vốn tri thức xã hội, văn hóa. Hiện tại, em nhỏ đã tham gia kỳ thi SAT, bài kiểm tra đánh giá năng lực được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ.

Dù mới chỉ lớp 7 mà em đã đạt 8.0 IELTS - một band điểm được đánh giá là khá khó trong tiếng Anh, ngay cả những bạn đã có nền tảng vững cũng cần phải bỏ ra quá trình ôn luyện đủ lâu để đạt được số điểm này.

Dù mới chỉ lớp 7 mà em đã đạt 8.0 IELTS - một band điểm được đánh giá là khá khó trong tiếng Anh, ngay cả những bạn đã có nền tảng vững cũng cần phải bỏ ra quá trình ôn luyện đủ lâu để đạt được số điểm này.

Nhiều phụ huynh đam mê thành tích, không hiểu bản chất

Nhiều phụ huynh vô cùng xót xa khi đọc những lời chia sẻ của người mẹ, họ cho rằng, ngôn ngữ là công cụ để người học có thể giao tiếp, tiếp thu thêm kiến thức mới từ các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, em nhỏ còn chưa đạt đủ tuổi để hiểu được mục đích đó và rõ ràng em đang phải đánh đổi tuổi thơ cho sự tự hào của mẹ. Điều này chỉ rõ thực tế, IELTS đang bị thần thánh hóa ở Việt Nam phần lớn do cha mẹ sĩ diện hão, đam mê thành tích, thích thể hiện con giỏi dựa vào chứng chỉ IELTS dù không hiểu bản chất, thấy người khác đổ xô cho con đi học thì cũng phải chạy theo.

Anh Lê Minh Tuấn (quận Đống Đa, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Tại sao lại bắt con leo lên ngọn làm gì trong khi gốc chưa vững?”. Theo anh Tuấn, trẻ em đang độ tuổi phát triển về trí tuệ và thể chất, chỉ khi dành thời gian phát triển 2 yếu tố quan trọng này thì học tập mới hiệu quả, vậy mà nhiều em chưa kịp ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ đã phải vùi đầu vào sách vở mỗi ngày.

“Thà rằng con chủ động muốn tìm hiểu, và dành thời gian tìm hiểu ở mức độ vừa phải thì không nói. Đây bắt trẻ học những thứ cao siêu từ khi còn quá nhỏ, những thứ mà không chỉ nhồi nhét là học được mà còn cần sự va chạm theo quá trình con lớn lên. Học như thế có mang lại điều gì ngoài sĩ diện hão huyền cho phụ huynh không?”, anh Tuấn nói.

Bản thân cũng là một người từng học và có chứng chỉ IELTS, anh Tuấn cho rằng, tấm bằng này là hình thức hóa của câu: “Tôi biết sử dụng tiếng Anh”, chỉ khi người học cần nộp đơn vào một tổ chức mà họ yêu cầu cần chứng minh khả năng nói tiếng Anh thì tấm bằng IELTS sẽ là một cách nhanh chóng và uy tín để chứng minh với họ là người học nói được tiếng Anh ở mức độ nào. Người nào cần thì mới đi thi để lấy nó, chứ không phải bỏ thời gian, công sức để lấy bằng được tấm bằng xong mới ngồi nghĩ sử dụng để làm gì.

Nhiều người học và thi IELTS vì coi đây là tấm vé vào đại học, giúp nộp hồ sơ dễ dàng, đầy đủ các công dụng thần thánh.

Nhiều người học và thi IELTS vì coi đây là tấm vé vào đại học, giúp nộp hồ sơ dễ dàng, đầy đủ các công dụng thần thánh.

Chị Lê Ngọc Phương (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, nhiều người hiểu sai bản chất của IELTS, thành tích hóa và chạy đua đi thi IELTS bởi IELTS cũng chỉ là một tấm bằng ngôn ngữ, có công dụng hay không còn tùy vào lĩnh vực mỗi người theo đuổi.

“Nhiều người học và thi IELTS vì coi đây là tấm vé vào đại học, giúp nộp hồ sơ dễ dàng, đầy đủ các công dụng thần thánh. Tuy nhiên, một đứa trẻ con mới 13 tuổi cần một tấm bằng chỉ có hạn sử dụng 2 năm cho mục đích gì? Nhìn em phải viết bài luận văn học thuật, sử dụng những từ ngữ cao siêu cho một câu chuyện thường nhật tôi thấy vừa tức vừa thương. Nên nhớ, giỏi ngôn ngữ là giao tiếp đơn giản mà người ta vẫn hiểu những vấn đề phức tạp, chứ không phải nói tràng giang đại hải mà người ta không hiểu gì”, chị Phương nêu quan điểm.

Theo chị Phương, nhiều phụ huynh chèn ép con cái học tập, chì chiết rồi ép buộc với mục đích thành tài vì bản thân họ đã "thất bại" trong cuộc sống, họ mong muốn đứa con gánh vác trọng trách ước mơ của họ. Tuy nhiên, đời người chỉ có một, phụ huynh nên để con biết đến cái vui của tuổi thơ, sau này đến tuổi cần thiết học cũng chưa muộn.

Thông tin với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Chuyên gia nghiên cứu giáo dục Ngô Huy Tâm, Chủ nhiệm Chương trình Quốc tế của Phenikaa School cho biết, dùng thang IELTS để đo kiến thức của trẻ em là sai về phương pháp.

“Trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ về các thước đo đánh giá trong giáo dục, mỗi 1 thang đo chỉ đánh giá được một số đối tượng và một số mặt mang tính phiến diện. Với IELTS, đây là thang đo ngôn ngữ phổ quát dành cho đối tượng di cư, nhập cư, du học, làm việc chuyên nghiệp, nội dung ngữ liệu vượt ngoài phát triển tư duy nhận thức trẻ nhỏ. Như vậy về mặt đối tượng, dùng thang IELTS để đánh giá trẻ em là sai về phương pháp lựa chọn thang đo năng lực”, Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm lý giải.

Theo chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, luyện IELTS là một dạng luyện hẹp và nhiều hạn chế nên đừng thần thánh hóa thang đo này. Ảnh: NVCC

Theo chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, luyện IELTS là một dạng luyện hẹp và nhiều hạn chế nên đừng thần thánh hóa thang đo này. Ảnh: NVCC

Theo chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm, luyện IELTS từ sớm là làm hại trẻ con do tuổi nhỏ các em cần phát triển năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Đấy là lý do khi trẻ học tiếng Anh, các em luôn được học viết sáng tạo, viết tự do trước khi học về viết hàn lâm.

“Cái hại làm tổn thương nhóm trẻ bị ép đọc viết hàn lâm quá sớm là việc suy giảm động lực và hứng thú với việc đọc viết. Khi nhu cầu ham học hỏi, hứng thú với việc đọc viết không còn, chỉ còn thành tích, điểm số, khen thưởng, sự ngưỡng mộ hào nhoáng bên ngoài. Trẻ dễ gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu hơn”, Chuyên gia giáo dục Ngô Huy Tâm nói.

Ngoài ra, các chủ đề trong kỳ thi chuẩn hóa như IELTS chỉ ép trẻ học đối phó với format cụ thể, trong khi các khảo sát đều chỉ ra là trẻ không có hoặc ít cảm nhận được đề tài hàn lâm mà mình đang viết. Lâu dần, năng lực nắm bắt về tình hình đời sống, xã hội, khả năng giao tiếp trong đời thật bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị phụ thuộc với các dạng đề.

Đừng thần thánh hóa chứng chỉ IELTS

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trào lưu học IELTS có thể xuất phát từ nhận thức tích cực của một số phụ huynh muốn hướng con mình đến năng lực công dân toàn cầu, mà một trong những tiêu chí đó chính là ngoại ngữ. Không thể phủ nhận vai trò của ngoại ngữ, xong đáng tiếc là chính các trường khi tuyển sinh đã đưa chứng chỉ IELTS trở thành một tiêu chí - có lợi thế, khiến cho nhiều phụ huynh đẩy con theo hướng chạy đua, thậm chí là học mẹo để nhằm mục đích thi được chứng chỉ.

“Xu hướng bệnh thành tích cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các gia đình. Ngày trước, có thể phụ huynh khoe con đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, nhưng bây giờ, có quá nhiều học sinh giỏi, nên nhiều phụ huynh lại muốn khoe con có điểm IELTS 6.0-8.0,... trong khi đó chỉ là điểm đi luyện chứ chưa hoàn toàn là năng lực thực sự”, PGS.TS. Trần Thành Nam cho hay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Với những đứa trẻ thiên tài (IQ cao hơn 130) thường có khả năng tiếp thu và xử lý thông tin nhanh nhạy, tư duy logic và sáng tạo vượt trội, từ độ tuổi 4-5 các em được khuyến khích phát triển tư duy logic và khả năng sáng tạo thông qua các hoạt động đa dạng như học ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa, thể thao... để giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng của bản thân, chuẩn bị nền tảng cho tương lai.

Tuy nhiên, đối với những trẻ có trí tuệ phát triển bình thường, việc học tập nên phù hợp với độ tuổi và khả năng tiếp thu của trẻ. Việc ép buộc trẻ em học những thứ vượt quá khả năng hoặc không phù hợp với sở thích của chúng chỉ để thỏa mãn mong muốn của cha mẹ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thơ và sự phát triển tự nhiên của trẻ.

“Phụ huynh cần nhìn nhận rõ ràng và phải nhìn xa hơn, trong tương lai, ngoại ngữ có phải là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công hay không và điều gì sẽ quyết định thành công của các con? Cốt lõi chính là trẻ phải có sự sáng tạo, khát vọng thay đổi, đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước thì mới có cơ hội để phát triển, thành công”, PGS.TS. Trần Thành Nam nói.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/cho-con-luyen-ielts-tu-nho-cha-me-dang-lam-hai-tre-d4767.html
Zalo