Chính sách thuế nhập khẩu của ông Donald Trump có thể tác động đến ngành công nghiệp ô tô như thế nào

Giá xe ô tô tại Mỹ có thể tăng mạnh nếu ông Trump thực hiện kế hoạch áp thuế cao lên các bộ phận được sử dụng để lắp ráp các xe 'Mỹ' được bày bán tại nước này.

Toyota một hãng xe có mặt tại thị trường Mỹ

Toyota một hãng xe có mặt tại thị trường Mỹ

Ông Trump đã hứa rằng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ là một phần quan trọng trong kế hoạch kinh tế của ông trong nhiệm kỳ thứ hai. Vào thứ Hai (25/11), ông công bố kế hoạch áp mức thuế 25% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico hoặc Canada ngay ngày đầu tiên nhậm chức.

Chính phủ Mỹ theo dõi tỷ lệ phần trăm các bộ phận xe ô tô sản xuất “trong nước.” Tuy nhiên, theo luật thương mại hiện hành, cả các bộ phận sản xuất tại Canada và Mỹ đều được tính là “nội địa”, ngay cả với định nghĩa rộng hơn về “sản xuất tại Mỹ,” không chiếc xe nào đạt tỷ lệ hơn 75%.

Đó là lý do giá xe có thể tăng mạnh nếu ông Trump thực hiện kế hoạch áp thuế cao lên các bộ phận được sử dụng để lắp ráp các xe “Mỹ” được bày bán tại nước này. Chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào các bộ phận và nguyên vật liệu từ khắp nơi trên thế giới – từ các con ốc vít rẻ tiền có thể mua rẻ hơn từ nhà sản xuất nước ngoài, đến các con chip máy tính và linh kiện điện tử đắt đỏ khác mà các nhà máy tại Mỹ không sản xuất đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu.

Mặc dù ông Trump tuyên bố rằng thuế nhập khẩu sẽ do các nước xuất khẩu chi trả, trên thực tế, chi phí đó sẽ do người mua hàng nhập khẩu chịu, và các doanh nghiệp Mỹ gần như luôn chuyển phần lớn – hoặc toàn bộ – chi phí này sang người tiêu dùng.

Nhờ vào các hiệp định thương mại tự do Mỹ đã ký kết, các bộ phận và xe hơi nguyên chiếc được lưu chuyển tự do qua biên giới, đôi khi nhiều lần, trước khi đến các đại lý xe hơi tại Mỹ.

Nhưng, ông Trump hứa sẽ thay đổi điều đó. Do mối đe dọa áp thuế nhập khẩu đối với cả hàng hóa xuất khẩu của Canada và Mexico sang Mỹ, giá cổ phiếu của hầu hết các nhà sản xuất ô tô đã giảm vào thứ Ba (26/11), với GM giảm 9%, Ford giảm 3%, Stellantis (nhà sản xuất các dòng xe Jeep, Ram, Dodge và Chrysler) giảm 6%. Ngoài ra, cổ phiếu của Toyota giảm 2% trong phiên giao dịch tại Mỹ, còn Honda giảm 3%.

Kế hoạch của ông Trump sẽ làm xáo trộn Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thỏa thuận thương mại ba quốc gia mà ông đã đàm phán và ký kết. Mexico và Canada hiện là hai trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và hiện đang được miễn thuế nhập khẩu theo USMCA, nhưng điều này có thể thay đổi.

Không chỉ thuế đối với hàng hóa từ Mexico và Canada gây ra lo ngại, lời hứa của Trump về việc tăng thêm 10% thuế với Trung Quốc ngoài các biện pháp hiện tại cũng có khả năng khiến giá nhiều loại xe tăng cao hơn.

Trong khi Trung Quốc xuất khẩu tương đối ít xe sang Mỹ, quốc gia này là nguồn cung lớn các linh kiện xe giá rẻ.

Ông Trump lập luận rằng, động thái này sẽ mang lại việc làm cho Mỹ bằng cách buộc các nhà sản xuất đóng cửa nhà máy ở các quốc gia khác và mở rộng hoặc xây dựng các nhà máy tại Mỹ. Tuy nhiên, số lượng các linh kiện cần thiết để lắp ráp xe tại đây sẽ rất khó thay thế bằng các nhà cung cấp Mỹ, điều này sẽ khiến việc lắp ráp xe tại các nhà máy ô tô Mỹ trở nên đắt đỏ hơn.

Chỉ có hai mẫu xe được chính phủ Mỹ đánh giá là 75% sản xuất tại Mỹ – Tesla Model 3 và Honda Ridgeline, một mẫu bán tải được lắp ráp tại nhà máy của Honda ở Lincoln, Alabama. Một lần nữa, con số 75% này bao gồm cả những linh kiện hiện đang nhập khẩu từ Canada, có thể bị áp thuế mới.

Chuỗi cung ứng đối mặt thách thức lớn

Việc tìm nguồn cung trong nước cho nhiều linh kiện xe nhập khẩu sẽ rất khó khăn. Ngay cả khi một số được sản xuất tại đây, không đủ công suất để thay thế sản xuất các linh kiện hiện đang được nhập khẩu. Đối với một số hàng hóa ít giá trị hơn, việc sản xuất chúng tại các nhà máy Mỹ, nơi phải trả lương cao, không mang lại hiệu quả kinh tế. Việc trả thuế nhập khẩu và chuyển chi phí này sang người mua xe sẽ tiết kiệm hơn.

Ngay cả khi có thể tìm được nguồn cung từ Mỹ, chi phí sẽ cao hơn trong hầu hết các trường hợp. Chính vì giá thấp của hàng nhập khẩu mà các nhà sản xuất ô tô đã chọn chúng ngay từ đầu.

Việc xây dựng các nhà máy mới, ngay cả khi các nhà cung cấp sẵn sàng và có khả năng làm vậy, cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Lấy ví dụ về các con chip máy tính cần thiết trong xe hiện đại – chúng điều khiển mọi thứ từ tiết kiệm nhiên liệu đến cần gạt nước.

Đạo luật CHIPS năm 2022 đã phê duyệt khoản hỗ trợ 30 tỷ USD để xây dựng 16 nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ. Nhưng ngay cả với số tiền đó, việc xây dựng các nhà máy mới có thể mất từ 3 đến 5 năm.

Ngay cả việc hiện đại hóa và mở rộng các nhà máy sản xuất chip hiện có tại Mỹ – điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước nếu chip nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn do thuế – cũng có thể mất một năm hoặc hơn. Một nhà máy ở New York đang được mở rộng dự kiến cần 10 năm để đạt được mức sản xuất tăng thêm.

Thuế nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí lắp ráp xe tại các nhà máy Mỹ. Và các chi phí tăng thêm này chắc chắn sẽ đổ lên người mua xe, những người hiện đã phải chi gần 50.000 USD cho mỗi chiếc xe mới.

“Những chi phí này… sẽ không được các nhà sản xuất ô tô hoặc nhà cung cấp hấp thụ”, Jeff Schuster, Phó chủ tịch toàn cầu phụ trách nghiên cứu ô tô tại công ty tư vấn GlobalData, nói với CNN.

Các nhà sản xuất ô tô đã từ chối bình luận khi được hỏi về kế hoạch của họ và tác động của thuế nhập khẩu đối với giá cả.

Thuế nhập khẩu xe có thể khiến tất cả tăng giá

Ngay cả khi Trump rút lại kế hoạch thuế quan và chỉ áp thuế đối với các xe lắp ráp hoàn chỉnh nhập khẩu vào Mỹ, điều đó vẫn sẽ khiến giá xe lắp ráp tại đây tăng lên, chưa nói đến các xe nhập khẩu.

Nếu thuế thực sự làm giá xe lắp ráp tại Mexico tăng cao, như Chevrolet Blazer hay Honda HR-V, và khiến chúng không còn khả năng cạnh tranh, các nhà sản xuất có thể quyết định ngừng bán chúng thay vì chuyển việc lắp ráp về các nhà máy Mỹ. Các xe sản xuất tại Mexico thường là các mẫu giá thấp, lợi nhuận thấp, chỉ có thể duy trì khả năng sinh lợi nhờ sử dụng lao động giá rẻ tại Mexico.

Thuế cũng có thể tác động đến nhiều mẫu xe mà người mua không biết là hàng nhập khẩu, chẳng hạn như các phiên bản xe bán tải hạng nặng của Ram, được sản xuất tại nhà máy Stellantis ở Saltillo, Mexico. Một số phiên bản Chevrolet Silverado cũng được lắp ráp tại Mexico.

Thuế áp lên các xe nhập khẩu cũng có thể dẫn đến giá xe lắp ráp tại Mỹ tăng, bởi nguồn cung xe trên thị trường sẽ bị hạn chế trong khi nhu cầu vẫn mạnh, giá cả thường tăng nhanh chóng, như đã xảy ra vào năm 2021 và đầu năm 2022 khi tình trạng thiếu chip và linh kiện nghiêm trọng khiến sản lượng ngành ô tô giảm mạnh. Gần như tất cả người mua xe đều phải trả giá cao hơn giá niêm yết lần đầu tiên, và giá trung bình đã tăng vọt.

Giá nhập khẩu tăng cũng đồng nghĩa với việc ít sự cạnh tranh hơn cho các nhà sản xuất xe tại Mỹ, cho phép họ tăng giá để tăng lợi nhuận – không nhất thiết phải thuê thêm lao động. Các hãng xe Mỹ đã dùng lợi nhuận mạnh trong những năm gần đây để mua lại hàng tỷ USD cổ phiếu nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu, ngay cả khi họ sa thải nhân viên hoặc giảm sản xuất trong một số trường hợp.

“Điều này sẽ gây ra hiệu ứng lan tỏa trên toàn thị trường, ảnh hưởng đến tất cả các loại xe,” ông Drury nói. “Nó cũng sẽ làm gián đoạn thị trường xe cũ.”

Tác động cụ thể sẽ khó xác định cho đến khi chi tiết cuối cùng của kế hoạch thuế quan của Trump được công bố. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã có nhiều lời đe dọa áp thuế nhưng không thành hiện thực.

Minh Anh / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chinh-sach-thue-nhap-khau-cua-ong-donald-trump-co-the-tac-dong-den-nganh-cong-nghiep-o-to-nhu-the-nao-post359014.html
Zalo