Chính sách cho người có công: Có thể làm được hơn nữa

Những năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách cho người có công với cách mạng cũng như thân nhân, người chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, những đóng góp của người chăm sóc trực tiếp người có công, trong đó có thương binh tại gia đình, vẫn chưa được nhìn nhận một cách xứng đáng.

 Thương binh Lê Doãn Hữu và con gái Lê Thị Nhàn

Thương binh Lê Doãn Hữu và con gái Lê Thị Nhàn

Vợ không thể chăm sóc chồng sau khi phát hiện ung thư

Suốt tuần lễ vừa qua, ông Lê Doãn Hữu (71 tuổi, quê ở Nghệ An), thương binh hạng 3/4, phải ra Hà Nội, đến bệnh viện để thăm khám sức khỏe. "Tôi bị bệnh dạ dày đã nhiều năm và phải thường xuyên dùng thuốc. Mấy tháng nay bệnh có triệu chứng nặng hơn. Tôi mất ngủ và sút cân nhiều, lo sợ có thể bị ung thư nên phải đi từ Nghệ An ra Hà Nội thăm khám", ông Hữu chia sẻ.

Thời trai trẻ, ông Hữu tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Trong một trận chiến đấu ác liệt, ông Hữu đã bị thương nặng, khiến bàn tay trái của ông bị mất một nửa, còn tay phải bị mảnh đạn găm sâu, dẫn đến suy giảm khả năng lao động 41%. Đôi tay không còn lành lặn, sau khi lập gia đình, ông Hữu vừa tham gia công tác ở địa phương vừa làm ruộng để nuôi 6 người con khôn lớn. Các con của ông Hữu sau khi trưởng thành mỗi người một phương, chỉ còn lại vợ chồng ông sống ở quê nhà, xã Vân Tụ (Nghệ An). "Mỗi khi trái gió trở trời, tay tôi cũng đau nhức, lại thêm căn bệnh dạ dày mạn tính nên rất khổ sở. Trước đây, tôi được vợ chăm sóc tận tình nhưng mấy năm gần đây, vợ tôi bị đau ốm liên miên. Vợ tôi được phát hiện ung thư trực tràng và đang phải điều trị", ông Hữu buồn bã nói.

Thương binh Lê Doãn Hữu đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Thương binh Lê Doãn Hữu đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Dù cố gắng tự chăm sóc nhau nhưng khi cả 2 vợ chồng đều đã tuổi cao, lại thêm nhiều bệnh nên con trai ông Hữu phải bán nhà ở Đồng Nai, chuyển về Nghệ An để có điều kiện chăm sóc bố mẹ. Cả tháng qua, hai vợ chồng ông Hữu liên tục phải đi bệnh viện, buộc ông phải gọi thêm cô con gái đang sống và làm việc ở TPHCM ra Hà Nội để thay phiên nhau chăm sóc bố mẹ. Thương các con phải bỏ dở công việc nhưng ông Hữu không còn cách nào khác. "Mất sức 41%, tôi được trợ cấp hàng tháng khoảng 3,6 triệu đồng. Từ năm 2008, tôi được hưởng thêm chế độ dành cho người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam do chiến trường tôi từng tham gia bị địch rải chất độc hóa học. Ngoài ra, tôi còn có lương hưu. Tổng cộng được 10 triệu đồng/tháng, nếu khỏe mạnh thì số tiền này cũng đủ chi tiêu cho 2 vợ chồng nhưng ốm đau liên miên như này thì không thể đủ", ông Hữu chia sẻ.

Thương binh, nghĩa là mất đi một phần sức khỏe nên khi về già, sức khỏe xuống rất nhanh và dễ mắc nhiều bệnh hơn do sức đề kháng yếu. Ông Hữu xác định, thời gian tới, vợ chồng ông chắc chắn không thể thiếu sự chăm sóc của các con.

Đề xuất mở rộng chính sách cho người chăm sóc

Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên (Ninh Bình) đang ngày đêm đón nhận, chăm sóc những người đã hiến dâng tuổi xuân và một phần cơ thể vì nền độc lập của dân tộc. Đằng sau sự tận tâm ấy là những vất vả khó ai thấu hiểu của những người trực tiếp chăm sóc. Ông Đoàn Văn Kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, cho biết: Trung tâm được biên chế 33 người nhưng hiện còn 27 cán bộ, nhân viên. Áp lực công việc lớn đã khiến 6 người xin thôi việc. Đây là một thách thức với Trung tâm khi số người chăm sóc hiện chỉ bằng gần 1/2 số người cần chăm sóc. Trong tổng số 52 thương binh được chăm sóc thì có đến 70% có vết thương cột sống phải dùng xe lăn, 30% còn lại có các vết thương tổng hợp như hỏng mắt hoàn toàn, hoặc vết thương sọ não gây động kinh. "Các thương binh tại Trung tâm đều có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên. Đa số các bác đã cao tuổi, trung bình là gần 80, người cao tuổi nhất là 93 tuổi, trong đó có 6-7 thương binh nằm bất động trên giường suốt 5-6 năm qua. Trung tâm là tuyến ban đầu, không điều trị chuyên sâu được. Các bác thương binh thường xuyên phải nhập viện tại các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai... Mỗi lần như vậy, cần có một nhân viên đi theo phục vụ 24/24. Nhiều khi có 4-5 thương binh phải nhập viện cùng lúc", ông Kiện chia sẻ.

Tranh: Phạm Mạnh

Tranh: Phạm Mạnh

Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ. Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định, từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Nghị định số 77/2024/NĐ-CP cũng quy định, kể từ ngày 1/1/2025, chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng có mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/người/lần. Cũng tại Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định "Người phục vụ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên ở gia đình" cũng được hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng là 2.789.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc những thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể thấp hơn (ví dụ 62% hay 41%), dù gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và cần sự chăm sóc, nhưng người thân chăm sóc trực tiếp của họ không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào.

Theo ông Đoàn Văn Kiện, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm được hưởng 40% phụ cấp nghề, tương đương các bệnh viện tuyến huyện, trong khi những người chăm sóc bệnh nhân tâm thần lại được 70%. Ông Đoàn Văn Kiện cho rằng, cần có chế độ đặc thù, ít nhất là 60% phụ cấp nghề cho những người chăm sóc thương binh nặng. Ngoài ra, ông Kiện cũng kiến nghị cần mở rộng chính sách hưởng chế độ ưu đãi đối với người phục vụ thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể thấp hơn mức quy định hiện hành, ví dụ 60%.

Chung quan điểm, bà Mã Thị Bích Nhạn, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, cho rằng số lượng thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên ngày một ít đi, có thể bổ sung những đối tượng có tỷ lệ thương tật thấp hơn. Thực tế, những thương binh với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%, 62%, thậm chí 41% cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sinh hoạt, đặc biệt khi trái nắng trở trời, họ cũng rất mệt mỏi và cần sự chăm sóc. Mức trợ cấp hằng tháng của những đối tượng này, theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP (5.545.000 đồng với thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể 62% và 3.667.000 đồng với thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể 41%), cũng rất chật vật để đảm bảo cuộc sống hiện nay. Vì vậy, cần mở rộng chính sách ưu đãi với người chăm sóc thương binh.

Người chăm sóc người có công cần được ghi nhận như lao động xã hội

Theo bà Nguyễn Thị Phương Nga, Phó Ban công tác Phụ nữ, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, việc chăm sóc người có công, đặc biệt là thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thương và sự hy sinh to lớn. "Những người vợ, người mẹ, người chị đang ngày đêm chăm sóc người có công. Họ đang thầm lặng cống hiến cho xã hội thông qua công việc cao cả này. Chúng ta cần ghi nhận đúng tầm quan trọng và cần có chế độ xứng đáng với những đóng góp của những người trực tiếp chăm sóc thương binh, mà phần lớn trong số đó là phụ nữ", bà Phương Nga nói.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Phương Nga, việc định danh "lao động chăm sóc người có công" như một loại hình lao động xã hội sẽ nâng cao vị thế của họ, không còn là "công việc trong nhà" mà được nhìn nhận là đóng góp cho cộng đồng. Khoản hỗ trợ này không chỉ giúp họ trang trải cuộc sống mà còn bù đắp phần nào cơ hội việc làm, thu nhập mà họ đã bỏ lỡ. Đề xuất chế độ ưu đãi dành cho người phục vụ thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể thấp hơn mức quy định hiện hành, theo bà Phương Nga, có thể xem xét chính sách liên thông với các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để họ được hưởng quyền lợi khi về già hoặc khi ốm đau.

Nguyễn Cảnh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chinh-sach-cho-nguoi-co-cong-co-the-lam-duoc-hon-nua-20250725153513273.htm
Zalo