Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với việc bảo vệ, phát triển rừng ở Lâm Đồng

Qua 14 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã từng bước mang lại nguồn sinh kế ổn định và bền vững cho hơn chục ngàn hộ gia đình tại tỉnh Lâm Đồng, chủ yếu là các hộ dân tộc thiểu số. Hưởng lợi thiết thực từ rừng nên ý thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng nơi đây ngày càng được nâng cao.

Bất kể trời nắng hay mưa, ông Cil Jũ Ha Giảng, người K’ho, ở thôn Liêng Bông, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cũng luôn đảm bảo công việc tuần tra, kiểm soát phần rừng được Nhà nước giao quản lý bảo vệ. Ông cho biết những năm gần đây, số tiền nhận được từ chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng được tăng lên, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình thì công tác quản lý bảo vệ rừng được xem là công việc chính của bà con trong thôn.

Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng

Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng

“Bà con rất hiểu về rừng, có ý thức mình là người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nên đi tuần tra rừng hàng ngày, chấp hành đúng. Về kinh tế thì hàng ngày, hàng tháng là mình sống được, tiền nhận khoán đảm bảo chi tiêu trong gia đình, không có gì thiếu, đủ ăn, cuộc sống đảm bảo. Có nguồn thu nhập thì bà con rất phấn khởi nên việc chăm sóc và bảo vệ rừng rất tốt”, ông Cil Jũ Ha Giảng nói.

Hiện ở tỉnh Lâm Đồng, mỗi ha rừng nhận khoán quản lý bảo vệ được Nhà nước chi trả số tiền ở mức thấp nhất là 445.000 đồng/năm, cao nhất là 2.723.000 đồng/năm tùy theo khu vực.

Các hộ nhân khoán quản lý bảo vệ rừng triển khai việc tuần tra, kiểm soát rừng

Các hộ nhân khoán quản lý bảo vệ rừng triển khai việc tuần tra, kiểm soát rừng

Ông Bon Dảng Ha Ya Bình, ở thôn Đa Cháy, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, bình quân mỗi hộ dân được nhận khoán quản lý bảo vệ 25ha rừng, với mức chi trả này, nhiều hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống: “Vườn tược không có, tôi sống nhờ vào rừng. Trước kia tiền rất ít chỉ khoảng 60.000 đồng, giờ thì thu nhập được từ 40 đến 50 triệu đồng là phấn khởi lắm, rất mừng. Vì vậy, bản thân tôi rất cố gắng làm sao gắn liền với rừng, với anh em trong Ban lâm nghiệp để giữ rừng cho tốt hơn, có thu nhập ổn định hơn, để làm tốt công việc của mình đã được Nhà nước giao”.

Ngoài các doanh nghiệp có dự án đầu tư được giao và thuê rừng, tỉnh Lâm Đồng hiện có 28 đơn vị chủ rừng nhà nước, 3 cộng đồng, 4 tổ chức, gần 1.500 hộ được giao đất, giao rừng. Cùng với đó, có khoảng 13.000 hộ được nhận khoán bảo vệ rừng và hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đa số là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Đinh Hữu Đạo, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, việc áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra các nguồn tài chính bền vững và tăng cường trách nhiệm của bà con người dân tộc thiểu số tại địa phương với công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Trong những năm qua, rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã không để xảy ra vụ cháy rừng nào nghiêm trọng. Số vụ phá và diện tích rừng bị lấn chiếm cũng giảm đáng kể.

“Trên cơ sở chính sách giao khoán theo chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng những năm gần đây đã tạo nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho người dân. Thu nhập được nâng lên thì người dân có tinh thần tự giác trong việc phối hợp các tổ, nhóm để tham gia tuần tra, kiểm tra rừng kể cả ban đêm. Khi phát hiện có phá rừng, lấn chiếm đất rừng thì đều báo cho các trạm cơ sở để vào xử lý kịp thời. Trong mùa khô 2023-2024 trên lâm phần chúng tôi không xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, đó là nhờ lực lượng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng đã phát hiện đám cháy và tự giác huy động lực lượng dập tắt kịp thời”, ông Đạo nói.

Lâm Đồng có diện tích rừng tự nhiên khoảng 538.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 54%. Trong số này, đã có gần 400.000 ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, chiếm 75% diện tích có rừng trong toàn tỉnh. Việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ tạo nên nguồn sinh kế ổn định cho người dân sống gần rừng, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng theo hướng bền vững cho địa phương.

Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-voi-viec-bao-ve-phat-trien-rung-o-lam-dong-post1138858.vov
Zalo