Chính quyền địa phương 2 cấp ở Đà Nẵng và Huế vận hành thông suốt, thuận lợi
Ngày đầu vận hành chính quyền địa phương theo mô hình mới ở TP Đà Nẵng và TP Huế diễn ra thông suốt, người dân bày tỏ sự hài lòng.
Sáng 1-7, cùng với hơn 3.300 xã - phường của cả nước, 94 xã, phường, đặc khu của TP Đà Nẵng đã chính thức đi vào vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hòa Khánh, TP Đà Nẵng cho thấy công dân đến làm thủ tục khá đông. Dù vậy, công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ đã diễn ra thông suốt, nhanh gọn.


Rất đông người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hòa Khánh, TP Đà Nẵng
Chính quyền phường đã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên cùng nhiều cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn người dân, nhất là người lớn tuổi, người khuyết tật hoặc không sử dụng điện thoại thông minh, trong việc lấy số thứ tự và hoàn thiện hồ sơ.
Bà Trương Thị Thanh Vân (trú phường Hòa Khánh) đến trung tâm từ 8 giờ để làm thủ tục sang tên chuyển nhượng đất. Vì không biết sử dụng thiết bị điện tử, bà đã được cán bộ tận tình hỗ trợ từ khâu lấy số đến nhập thông tin.


Phường Hòa Khánh huy động lực lượng đoàn viên thanh niên cùng nhiều cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn người dân
"Tôi rất kém công nghệ nên cứ loay hoay mãi, may mắn là các cán bộ ở đây hỗ trợ rất chu đáo" - bà Vân cảm kích.
Ông Trần Văn Thể, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hòa Khánh, cho biết đơn vị đã bố trí 7 quầy tiếp nhận hồ sơ, gồm 2 quầy của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và 5 quầy cho các thủ tục hành chính khác, mỗi quầy có 2 cán bộ thường trực.
Toàn bộ thủ tục hành chính từ cấp quận trước đây đã chuyển về phường nên số lượng người dân đến giải quyết thủ tục rất đông. Trung tâm đã tổ chức lực lượng khoa học, bài bản để đảm bảo quy trình vận hành trơn tru.
"Một số thủ tục thiết yếu như khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân, chứng thực... được giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày để đảm bảo không gián đoạn phục vụ người dân" - ông Thể cho biết.
Clip: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Hòa Khánh, TP Đà Nẵng
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tam Kỳ (TP Đà Nẵng), sáng 1-7 cũng có rất đông người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Ngày đầu vận hành theo mô hình mới, các cán bộ của trung tâm đến làm việc từ rất sớm để chuẩn bị các điều kiện nhằm phục vụ tốt cho người dân.

Ông Đỗ Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Tam Kỳ, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Ông Đỗ Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Tam Kỳ, cho biết trong ngày đầu vận hành phường theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, có thể khẳng định mọi công việc đều diễn ra một cách thuận lợi, thông suốt. Theo ông Minh, Tam Kỳ là một trong 6 phường trước đó được TP Đà Nẵng lựa chọn thí điểm vận hành theo mô hình mới. Các nội dung công việc đã được cán bộ nắm bắt rất kỹ nên dễ dàng phục vụ người dân.
Ông Bùi Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tam Kỳ, cho biết trụ sở trung tâm phục vụ hành chính công của phường trước đây là bộ phận một cửa của TP Tam Kỳ. Theo thói quen, trong sáng 1-7, có rất đông người dân ở các phường khác đến phường Tam Kỳ giải quyết các hồ sơ thủ tục.

Khá đông người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại phường Tam Kỳ
Theo quy định mới, hiện có nhiều hồ sơ thủ tục không giới hạn địa giới hành chính. Người dân có thể nộp hồ sơ tại bất kỳ xã phường nào của TP Đà Nẵng, các cơ quan của đơn vị tiếp nhận sẽ phối hợp giải quyết và trả tại nơi nhận nên rất thuận lợi cho người dân.
Trong sáng 1-7, hầu hết các hồ sơ của người dân đến phường đều đã được tiếp nhận và giải quyết theo quy định, người dân tỏ ra rất hài lòng.
Bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1952) cho biết sáng 1-7, bà đến phường Tam Kỳ làm giấy nhận trợ cấp xã hội và đã được các cán bộ tiếp đón, hướng dẫn rất chú đáo, ân cần. Theo bà, việc giải quyết các thủ tục rất nhanh chóng, chỉ 15 phút là đã hoàn thành, bà thấy so với trước đây thì nhanh hơn gần một nửa thời gian.
Ông Dương Đức Lin - Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình, TP Đà Nẵng - cho biết việc vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn diễn ra trơn tru, các thủ tục của người dân được giải quyết kịp thời. "Trong quá trình hoạt động ban đầu, cơ sở vật chất của xã ở khối nhà nước vẫn còn một số khó khăn, điều kiện chưa đảm bảo nhưng sẽ khắc phục từ từ. Tinh thần của anh em đều rất quyết tâm để phục vụ người dân tốt nhất " – ông Lin bày tỏ.
Tại TP Huế, sáng 1-7, trong ngày làm việc đầu tiên của chính quyền địa phương 2 cấp, hàng trăm người dân đã đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phú Xuân thực hiện các thủ tục hành chính.
Phường Phú Xuân đã bố trí vị trí làm việc khá thoáng mát, ngay sát cạnh cổng ra vào trụ sở nên thuận lợi cho người dân đến giao dịch. Sau khi bấm lấy số thứ tự tự động, người dân đợi gọi tên và được cán bộ hướng dẫn rất tận tình, chu đáo.
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phú Xuân có vị trí thuận lợi, không gian rộng rãi, cơ sở vật chất khang trang.
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phú Xuân có khoảng 15 ô tiếp nhận các thủ tục về các lĩnh vực. Các cán bộ luôn bận rộn, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ người dân.
Người dân ngồi chờ ngoài hành lang.
Nhiều người đến nộp hồ sơ tỏ ra hài lòng vì được giải quyết nhanh, chính xác với thái độ niềm nở của cán bộ, công chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phú Xuân.
Người dân đến thực tiện các thủ tục hành chính.
Bà Đỗ Bích Liên (SN 1973; ngụ phường Phú Xuân) đến nộp hồ sơ đề nghị cấp sơ yếu lý lịch cho con gái đi xin việc và được cán bộ hướng dẫn, tiếp nhận khá nhiệt tình. Chỉ mất 15 phút, bà đã nhận được kết quả nên khá hài lòng.
Còn ông Phạm Thành (SN 1963) cũng chỉ mất tầm 30 phút để nộp xong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Thành cho biết dù hồ sơ rất phức tạp nhưng ông được nhân viên hướng dẫn rất nhiệt tình, niềm nở và khá nhanh chóng.
Ông Phạm Thành nói rằng nhân viên ở phường Phú Xuân hướng dẫn rất nhiệt tình, chu đáo.
Phường Phú Xuân được thành lập sau khi sáp nhập 6 phường Đông Ba, Thuận Lộc, Tây Lộc, Gia Hội, Phú Hậu nên có diện tích trên 10,37 km2, quy mô dân số 130.247 người. Theo đề án chung, phường Phú Xuân có tổng số cán bộ là 160 người, trong đó có 138 người ở khối chính quyền, được bố trí các vị trí công tác phù hợp.
Người dân ngồi viết hồ sơ.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Chủ tịch UBND phường Phú Xuân, cho biết đây là phường đông dân nhất nhì của TP Huế nên thủ tục giao dịch hành chính sẽ rất nhiều.
Vì vậy, phường Phú Xuân đã tập trung đầu tư Trung tâm Phục vụ hành chính công, nhằm đảm bảo phục vụ người dân. Hệ thống phần mềm đã kết nối liên thông, bố trí cán bộ, phương tiện máy móc đầy đủ để nhanh chóng đi vào vận hành ngay ngày làm việc đầu tiên.
Cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo cho người dân.
Phường Phú Xuân đã cử một cán bộ có kinh nghiệm tiếp nhận hồ sơ túc trực để hướng dẫn, thông tin cho người dân. Về đội ngũ, theo ông Bằng thì cũng có một số cán bộ từ cấp phường cũ mới lên nên còn hạn chế,. Vì vậy, phường Phú Xuân bố trí ngồi song song giữa người cũ với người mới để đảm bảo tiếp nhận hồ sơ cho người dân được nhanh chóng, chính xác.
Phú Xuân là một trong 2 phường lớn nhất, trung tâm nhất của TP Huế nên dân số đông, hồ sơ nhiều. Ngay sáng đầu tiên làm việc của chính quyền 2 cấp, đã có hàng trăm người đến giao dịch.
Theo ông Bằng, trước ngày 1-7, UBND phường Phú Xuân đã họp và quán triệt tất cả văn bản quy định pháp luật liên quan, chạy thử phần mềm ở Trung tâm Phục vụ hành chính công...
Hình ảnh ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thuận Hóa, TP Huế:
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế đến kiểm tra ngày đầu làm việc
Người dân chọn số thứ tự để thực hiện các thủ tục hành chính.