Chiêu trò 'bắt cóc online' khiến hàng loạt bạn trẻ sập bẫy, gia đình hoảng loạn
Trước những vụ việc các bạn trẻ bị thao túng tâm lý, lừa quay clip nhạy cảm để tống tiền, 'bắt cóc online' đang trở thành thủ đoạn lừa đảo nguy hiểm, chiêu trò tinh vi khiến nạn nhân hoảng loạn, gia đình rơi vào bẫy tâm lý, trong khi thủ phạm gần như không cần xuất hiện trực tiếp.
Hàng loạt trường hợp bắt cóc online khiến dư luận hoang mang
Tại Hà Nội, một vụ việc nghiêm trọng xảy ra vào ngày 23/7 vừa qua khiến cộng đồng mạng hoang mang. Một nữ sinh trú tại phường Việt Hưng bất ngờ mất liên lạc với gia đình vào buổi tối. Sau đó, người thân liên tục nhận được tin nhắn và hình ảnh con gái trong trạng thái hoảng loạn, bật khóc, kèm theo yêu cầu chuyển tiền.
Gia đình lập tức trình báo công an. Qua xác minh, lực lượng chức năng phát hiện nữ sinh bị ép vào khách sạn, đối tượng lạ mặt liên tục gọi điện, chỉ đạo thực hiện những hành vi nhạy cảm và quay clip, sau đó sử dụng những clip này để tống tiền người thân trong gia đình.
Gần 2 giờ đồng hồ sau, nạn nhân được giải cứu trong tình trạng kiệt sức, tâm lý bất ổn. Các clip mà kẻ xấu dùng để uy hiếp đều được quay từ xa qua video call, không có ai trực tiếp xuất hiện.

Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn đe dọa tới gia đình nạn nhân.
Trước đó, tại TP.HCM, một nữ sinh khác cũng bị một nhóm lừa đảo gọi điện tự xưng là công an điều tra về hành vi rửa tiền. Các đối tượng dẫn dụ nạn nhân bằng kịch bản bị “vướng vào đường dây tội phạm quốc tế”, yêu cầu cô “hợp tác điều tra” bằng cách tự quay clip trong tư thế nhạy cảm. Sau khi có được clip, chúng lập tức chuyển sang tống tiền gia đình. Vì bị đe dọa nếu tiết lộ sẽ làm ảnh hưởng đến “quá trình điều tra”, cô gái không dám liên lạc với người thân, càng khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng.
Một trường hợp khác ở xã Thanh Lâm, tỉnh Ninh Bình liên quan đến một nữ sinh lớp 8 tên P. cũng khiến dư luận xôn xao. Nữ sinh này nhận được cuộc gọi thông báo có “bưu phẩm từ công an”. Đối tượng yêu cầu nữ sinh giữ bí mật, ra ngoài một mình rồi biến mất khỏi nhà suốt nhiều giờ.
Gia đình chỉ phát hiện sự việc khi nhận được hình ảnh con gái khóc nức nở kèm lời nhắn đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, qua điều tra, công an xác định nữ sinh bị thao túng, đi một mình và bị ép quay video với mục đích uy hiếp tinh thần gia đình, chứ không có ai thực sự bắt cóc.
Tại Hải Phòng, một học sinh bị dụ dỗ qua ứng dụng mạng xã hội nước ngoài, ban đầu chỉ là các cuộc trò chuyện bình thường, sau chuyển thành video riêng tư. Các đối tượng âm thầm quay màn hình, cắt ghép lại để tạo thành clip có nội dung phản cảm. Sau đó, chúng gửi cho gia đình nạn nhân và đòi một khoản tiền lớn để “không đăng nội dung nhạy cảm”.
Các vụ việc trên tuy xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau nhưng đều có điểm chung: nạn nhân là người trẻ, dễ bị tác động tâm lý; kẻ xấu lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm để dàn dựng các tình huống giả mạo, khiến gia đình tưởng con em mình bị bắt cóc thật, từ đó dẫn đến hoang mang, chuyển tiền theo yêu cầu.
Bản chất của chiêu trò bắt cóc online: Tấn công tâm lý qua mạng, thao túng từ xa
Chiêu trò “bắt cóc online” thực chất là một dạng lừa đảo công nghệ cao, không cần tiếp cận trực tiếp nhưng có thể khiến nạn nhân và gia đình lâm vào khủng hoảng. Các đối tượng thường giả danh cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, nhân viên bưu cục… để tạo cảm giác chính danh.
Sau đó, chúng đưa ra các thông tin khiến nạn nhân hoang mang như: “Bạn có liên quan đến đường dây rửa tiền”, “Bạn bị kiện ra tòa”, “Bạn nhận hàng cấm”... Tất cả đều nhằm gây áp lực tâm lý khiến nạn nhân tin rằng mình phải nghe theo để “không vướng vào vòng lao lý”.

Khi nạn nhân bắt đầu tin tưởng, kẻ gian sẽ thao túng bằng các yêu cầu như: Cắt đứt liên lạc với gia đình, không được tiết lộ nội dung cuộc trò chuyện, không được tắt máy. Chúng tiếp tục chỉ đạo nạn nhân vào khách sạn (không gian riêng tư để dễ dàng thao túng, khó truy dấu vết), thực hiện hành vi nhạy cảm hoặc tự quay video với mục đích “phục vụ điều tra”. Khi đã có hình ảnh riêng tư, nhóm này lập tức lật bài: Gửi clip cho gia đình và đe dọa sẽ công bố nếu không chuyển tiền.
Do nạn nhân đang trong trạng thái căng thẳng, sợ hãi, lại bị cô lập thông tin, nên dễ dàng làm theo. Gia đình khi nhận được hình ảnh con đang khóc lóc, kèm theo clip nhạy cảm, tưởng rằng đó là hậu quả của một vụ bắt cóc thật, dẫn đến hoảng loạn và sẵn sàng chuyển tiền.
Nhận diện chiêu trò và cách phòng tránh “bắt cóc online”
Các dấu hiệu nhận biết điển hình bao gồm: Cuộc gọi từ người lạ xưng là công an, viện kiểm sát nhưng không có văn bản rõ ràng; nội dung thông báo liên quan đến tội phạm nghiêm trọng; yêu cầu giữ bí mật, không được gọi người thân; chỉ dẫn thực hiện hành vi kỳ lạ như quay video riêng tư hoặc ở khách sạn nhiều giờ.

Nạn nhân trong vụ "bắt cóc online" tại cơ quan điều tra.
Khi gặp tình huống tương tự, người dân cần hết sức tỉnh táo. Hãy xác minh thông tin bằng cách gọi đến đường dây nóng của công an địa phương hoặc số 113. Tuyệt đối không chuyển tiền hoặc quay video theo chỉ đạo từ người lạ. Các trường học và gia đình cũng cần tăng cường giáo dục kỹ năng an toàn mạng, kỹ năng phản biện thông tin cho học sinh, đặc biệt là học sinh THCS, THPT - những đối tượng đang trở thành mục tiêu phổ biến của chiêu trò này.
