Chiếu phim lưu động: Mang văn hóa đến với bản làng vùng cao

Do địa hình miền núi, tại nhiều khu vực của tỉnh Bắc Kạn, người dân còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ văn hóa, đặc biệt là điện ảnh. Chính vì thế, chiếu phim lưu động đã trở thành cầu nối quan trọng, giúp người dân tiếp cận với thế giới giải trí và thông tin hữu ích.

 Chiếu phim lưu động tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm.

Chiếu phim lưu động tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm.

Các buổi chiếu phim được tổ chức ở các khu dân cư, nhà văn hóa thôn, hoặc các điểm trường học với sự chuẩn bị chu đáo của cán bộ Phòng Nghiệp vụ chiếu phim (Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh) cùng cấp ủy, chính quyền địa phương. Mỗi buổi chiếu phim là một sự kiện đặc biệt, thu hút đông đảo bà con đến tham gia. Mọi người, từ già đến trẻ đều háo hức chờ đợi giờ phút chiếu phim, được xem những bộ phim mới, có nội dung hấp dẫn và bổ ích.

Trong năm 2024, ngành Văn hóa đã tổ chức chiếu phim phục vụ Nhân dân bằng máy chiếu kỹ thuật số màn ảnh nhỏ 300 inch được hơn 850 buổi tại các thôn, bản vùng cao của 07 huyện; chiếu phim phục vụ Nhân dân bằng máy chiếu kỹ thuật số màn ảnh rộng 500 inch được 150 buổi tại các xã của 07 huyện, còn tại thành phố Bắc Kạn chiếu phục vụ tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, Trường Dân tộc nội trú, cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp.

Các bộ phim được chiếu trong chương trình lưu động không chỉ phục vụ nhu cầu giải trí mà còn có tính giáo dục cao. Đó là những bộ phim tài liệu về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh, hay các bộ phim ca ngợi tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc luôn được bà con đón nhận nồng nhiệt.

Ngoài ra, nhiều bộ phim tài liệu kỷ niệm các ngày lễ lớn, các nhân vật lịch sử của dân tộc; phim thiếu nhi; phổ biến chính sách pháp luật; giới thiệu người tốt việc tốt; giới thiệu đất nước – con người Việt Nam... cũng được truyền tải đến bà con.

Những bộ phim về văn hóa dân gian, đời sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số đã giúp bà con thêm hiểu và trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc mình. Câu chuyện trong phim là lời nhắc nhớ về những phong tục tập quán tốt đẹp, giúp gắn kết các thế hệ trong cộng đồng và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Mỗi buổi chiếu phim lưu động không chỉ là dịp để bà con xem những bộ phim thú vị mà còn là cơ hội để họ gặp gỡ, trò chuyện, và chia sẻ với nhau. Những người lớn tuổi, khi tham gia các buổi chiếu phim, không chỉ được giải trí mà còn có cơ hội trò chuyện, giao lưu với thế hệ trẻ về những câu chuyện trong phim. Các em nhỏ thì được học hỏi thêm về các giá trị cuộc sống thông qua những câu chuyện sinh động.

Chương trình chiếu phim lưu động được tổ chức với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Kạn, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đã luôn đồng hành, giúp đỡ tổ chức và chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật, giúp mang đến những buổi chiếu phim chất lượng cho bà con.

Ông Đỗ Khắc Hiểu, Trưởng phòng Nghiệp vụ chiếu phim, Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: "Chúng tôi luôn nỗ lực để thực hiện tốt công tác chiếu phim lưu động phục vụ bà con, tuy nhiên hiện nay đơn vị cũng gặp không ít khó khăn khi nguồn phim được cấp còn nghèo nàn, chưa thực sự đáp ứng được hết nhu cầu thụ hưởng của Nhân dân. Viên chức đa phần phải sử dụng phương tiện cá nhân để vận chuyển thiết bị lên các bản làng vùng cao để phục vụ bà con"...

 Những chiếc xe máy cá nhân được tận dụng để vận chuyển thiết bị lên các bản làng vùng cao phục vụ bà con nhân dân.

Những chiếc xe máy cá nhân được tận dụng để vận chuyển thiết bị lên các bản làng vùng cao phục vụ bà con nhân dân.

Vượt lên những khó khăn đó, đội ngũ những người chiếu phim lưu động vẫn miệt mài đến các bản làng vùng cao, đem lại niềm vui giải trí và giúp bà con mở rộng tầm nhìn, nâng cao nhận thức và duy trì các giá trị văn hóa, tạo sự gắn kết trong cộng đồng... giúp người dân vùng cao hòa nhập hơn với những xu hướng phát triển chung của xã hội, đồng thời giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của các dân tộc./.

Mộc Lan

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/chieu-phim-luu-dong-mang-van-hoa-den-voi-ban-lang-vung-cao-post67587.html
Zalo