Chiến tranh làm tăng nguy cơ biến chứng sản khoa
Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học Bar-Ilan (Israel) cho biết phụ nữ mang thai phải chịu căng thẳng tâm lý kéo dài do chiến tranh có nguy cơ cao hơn gặp biến chứng thai kỳ và khi sinh con.

Phụ nữ và trẻ em sơ tán tránh xung đột tại cửa khẩu biên giới Masnaa, Liban. Ảnh: THX/TTXVN
Dựa trên dữ liệu từ gần 30.900 ca sinh tại Israel, nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc tiếp xúc với căng thẳng do chiến tranh và sự gia tăng các biến chứng liên quan đến sinh nở, bao gồm: vỡ ối sớm, tiểu đường thai kỳ và băng huyết sau sinh.
Nghiên cứu được các chuyên gia từ Đại học Bar-Ilan, Bệnh viện Phụ sản Lis thuộc Trung tâm Y tế Sourasky (Ichilov) cùng nhiều cơ sở y tế hàng đầu khác thực hiện dựa trên dữ liệu từ 9 bệnh viện trên khắp Israel trong giai đoạn từ tháng 10/2022 - 4/2024.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh các ca sinh diễn ra trong 6 tháng sau ngày 7/10/2023 (thời điểm bắt đầu bùng phát xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza) với các ca sinh cùng kỳ năm trước đó. Nghiên cứu - do Giáo sư Racheli Magnezi (Đại học Bar-Ilan) dẫn đầu - cho thấy căng thẳng đã gây tác động sinh lý rõ rệt đến cơ thể phụ nữ mang thai và kích hoạt hệ phản ứng khẩn cấp của cơ thể (được gọi là trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA) và làm tăng nồng độ hormone cortisol (loại hormone gây căng thẳng). Nồng độ hormone cortisol cao có thể làm rối loạn các hệ thống sinh lý, thay đổi huyết áp, kích hoạt chuyển dạ sớm và ảnh hưởng đến khả năng điều hòa đường huyết, dẫn đến tiểu đường thai kỳ.
Cụ thể, tỷ lệ vỡ ối non tăng từ 11,5% trước xung đột lên 15,4% trong thời gian giao tranh. Tỷ lệ vỡ ối sớm tăng từ 3% lên 3,4%. Tỷ lệ mắc tiểu đường thai kỳ tăng từ 10% lên 10,8%. Tình trạng băng huyết sau sinh tăng từ 3,6% lên 4,4%. Tất cả các con số trên đều có ý nghĩa thống kê, cho thấy sự gia tăng không mang tính ngẫu nhiên.
Theo các nhà nghiên cứu, căng thẳng là nguyên nhân chính dẫn đến các thay đổi này. Căng thẳng cao độ, đặc biệt trong giai đoạn đầu thai kỳ, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình mang thai. Ngoài ra, căng thẳng còn khiến thai phụ ăn uống kém, ít vận động và bỏ lỡ các lần khám thai, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc biến chứng như tiểu đường thai kỳ.
Một yếu tố khác được ghi nhận là sự gián đoạn cung cấp dịch vụ y tế trong thời gian chiến tranh. Nhiều phụ nữ buộc phải đến bệnh viện dưới làn mưa tên lửa hoặc trong bối cảnh thiếu nhân viên y tế do huy động quân sự. Điều này làm giảm chất lượng chăm sóc y tế và gây thêm áp lực tâm lý cho thai phụ.
Tuy nhiên, nghiên cứu không ghi nhận sự thay đổi về tỷ lệ sinh non hoặc cân nặng sơ sinh. Nhóm tác giả cho rằng khoảng thời gian quan sát 6 tháng có thể chưa đủ dài để đánh giá toàn diện ảnh hưởng của căng thẳng đến giai đoạn đầu của thai kỳ – vốn rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, một số phụ nữ ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến sự có thể không trải qua mức độ căng thẳng đủ lớn để gây sinh non.
Giáo sư Racheli Magnezi nhấn mạnh: “Sức khỏe của phụ nữ mang thai không chỉ bị chi phối bởi yếu tố y tế, mà còn bởi hoàn cảnh sống và trải nghiệm tâm lý. Trong các tình huống khẩn cấp và thời chiến, hệ thống y tế cần cung cấp không chỉ dịch vụ y tế tiêu chuẩn mà còn hỗ trợ tâm lý, theo dõi thai kỳ kịp thời và tăng cường nhận thức về nhu cầu đặc thù của phụ nữ mang thai”.