Chiến thuật đăng ký xét tuyển khi không cần lựa chọn phương thức

Năm 2025, thí sinh không cần cân nhắc để lựa chọn phương thức xét tuyển sinh phù hợp mà có thể tham gia đăng ký cùng lúc nhiều phương thức.

Thí sinh Đà Nẵng tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Phạm Phú Thứ.

Thí sinh Đà Nẵng tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Phạm Phú Thứ.

Không lấy điểm chuẩn của các năm trước làm căn cứ

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, một số trường đại học năm nay sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển, trong đó có tổ hợp rất mới. "Trong trường hợp này, những tổ hợp có môn chung là Toán, thí sinh cần cân nhắc, phân tích kỹ phổ điểm của các môn còn lại như Kinh tế Pháp luật, Công nghệ - công nghiệp, vì điểm trung bình của các môn thi này khá cao. Trong khi tổ hợp môn Toán - Vật lí - Anh văn hoặc Toán - Vật lí - Hóa học thì mặt bằng điểm thấp hơn", ông Hải lưu ý..

Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD&ĐT, thí sinh không cần quan tâm cần ưu tiên cho phương thức xét tuyển nào mà có thể sử dụng tối đa các phương thức xét tuyển mình có. Tất cả phương thức được hệ thống xét tuyển thực hiện một lần. Các cơ sở giáo dục đại học sẽ quy đổi về một thang điểm chung.

Do vậy, ông Hải khuyên thí sinh chỉ cần lựa chọn ngành nào, trường nào. Tức là thí sinh không cần quan tâm chọn 1 phương thức xét tuyển cụ thể của trường như những năm trước nữa mà chỉ cần rà soát xem mình sử dụng được bao nhiêu phương thức đáp ứng yêu cầu.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng lấy ví dụ: Chẳng hạn ngành B của trường A có 3 phương thức xét tuyển trong khi thí sinh có 4 phương thức đáp ứng như điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có quyền đăng ký cả 4 phương thức này để xét tuyển. Điểm quy đổi của phương thức nào cao hơn sẽ được chọn để lấy điểm xét tuyển. Việc này là khâu kỹ thuật của từng trường.

Như vậy, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, thí sinh chỉ cần xem xét sắp xếp thứ tự các nguyện vọng ưu tiên, chọn ngành, chọn trường.

 Thí sinh Đà Nẵng dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Thí sinh Đà Nẵng dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trong khi đó, PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho rằng, phụ huynh và thí sinh không nên tham khảo mức điểm chuẩn của những năm trước.

Năm nay, theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trường đại học không tổ chức xét tuyển sớm. Các phương thức tuyển sinh đều xét tuyển cùng một đợt và áp dụng thang điểm quy đổi chứ không còn chia chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh như trước đây. Vì vậy, khó có thể so sánh với điểm chuẩn trúng tuyển của từng phương thức như trước.

Ưu tiên nguyện vọng 1 cho ngành học yêu thích nhất

PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh khuyên thí sinh chỉ cần xem xét trường nào mình đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Nguyện vọng 1 là ngành học mình yêu thích nhất và cứ thế sắp xếp thứ tự cho những nguyện vọng tiếp theo.

Thí sinh và phụ huynh thường có tâm lý phán đoán kết quả thi của mình phù hợp với ngành nào rồi mới lựa chọn đăng ký để đảm bảo độ an toàn. Nhưng điều này có thể dẫn đến sai lầm trong lựa chọn. Bởi biết đâu ngành học mà thí sinh ưa thích lại không được xếp thứ tự ưu tiên đầu tiên. Trong trường hợp này, nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không phải là ngành học yêu thích thì không còn cơ hội để xét tuyển cho các nguyện vọng xếp sau đó.

Do đó, thí sinh cần nhớ nguyên tắc đơn giản là nguyện vọng yêu thích nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế, năng lực của bản thân được xếp đầu tiên.

ThS Đàm Minh Anh, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng lưu ý thí sinh về những điểm mới của Quy chế xét tuyển đại học năm nay. Theo đó, Quy chế quy định phải quy đổi điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển.

Vì vậy thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, trong đó 2 thông tin chính: Một là chọn trường đại học, hai là chọn ngành học mà không cần lựa chọn phương thức xét tuyển hay tổ hợp. Phần mềm sẽ căn cứ thứ tự nguyện vọng và kết quả cao nhất của thí sinh trong các tổ hợp và các phương thức để xét trúng tuyển.

Theo Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, phụ huynh và thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn của các năm trước để sắp xếp và bổ sung thêm nguyện vọng, đảm bảo trúng tuyển phù hợp với kết quả mình có. Tuy nhiên, các thông tin chỉ là tham khảo, năm trước điểm cao chưa chắc năm nay đã cao hoặc ngược lại.

Điểm chuẩn tăng hay giảm phụ thuộc vào một số yếu tố: Điểm thi trung bình của năm 2025, độ ‘hot” của ngành và trường theo học và quan trọng nhất là số lượng chỉ tiêu xét tuyển của năm nay so với các năm trước.

"Nguyên tắc cơ bản nhất của xét tuyển đại học không thay đổi trong các năm qua là ưu tiên thứ tự nguyện vọng, có nghĩa là: Thí sinh nên đặt ngành mình yêu thích và mong muốn ở nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1) và giảm dần mức độ ưu tiên. Nên đăng ký từ 5-7, nguyện vọng để đảm bảo có thể trúng tuyển. Về góc độ nghề nghiệp, thí sinh nên đăng ký ngành yêu thích ở nhiều trường đại học khác nhau để đảm bảo được học đúng ngành phù hợp", ThS Đàm Minh Anh, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng lưu ý.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chien-thuat-dang-ky-xet-tuyen-khi-khong-can-lua-chon-phuong-thuc-post740087.html
Zalo