Chiến sự Nga-Ukraine chiều 13/12: Nga giành thế áp đảo tại Donetsk, ông Donald Trump ra tuyên bố 'nóng' về Ukraine
Nga giành thế áp đảo tại Donetsk, ông Donald Trump ra tuyên bố 'nóng' về Ukraine... là những tin nóng về chiến sự Nga-Ukraine chiều ngày 13/12.
Nga thần tốc tiến công tại Donetsk, Pokrovsk chuẩn bị thất thủ?
Tờ New York Times đưa tin, Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrsky cho biết hôm 12/12 rằng, quân đội của ông đang phải đối mặt với cuộc giao tranh "cực kỳ ác liệt" khi lực lượng Nga tiến gần đến thành phố chiến lược phía đông Pokrovsk, và "những quyết định phi truyền thống" sẽ phải được đưa ra để củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine.
Mặc dù ông Syrsky không nêu rõ loại biện pháp nào có thể được thực hiện, nhưng tuyên bố đáng báo động của ông đã nhấn mạnh tình hình đang xấu đi xung quanh Pokrovsk, một trung tâm đường sắt và đường bộ quan trọng của quân đội Ukraine.
Tờ New York Times bình luận: Trong nỗ lực đánh vào sườn Pokrovsk, quân đội Nga đã tiến về phía nam thành phố trong những ngày gần đây và hiện chỉ còn cách vùng ngoại ô chưa đầy 5km, theo bản đồ chiến trường dựa trên hình ảnh vệ tinh và cảnh quay công khai về cuộc giao tranh. Họ cũng đang tiến đều đặn qua các ngôi làng và khu định cư cách đó vài chục km về phía nam, đe dọa chiếm giữ hai thành trì cuối cùng của Ukraine ở phía nam khu vực Donetsk.
Moscow đang tiến vào Donetsk với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022, chiếm được hàng trăm dặm vuông mỗi tháng khi tận dụng lợi thế nhân lực áp đảo của mình bằng cách đột phá vào các vị trí của Ukraine bị suy yếu do thiếu quân.
Các nhà phân tích cho biết, Điện Kremlin đang chạy đua để giành được càng nhiều lãnh thổ càng tốt, trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào năm sau và bắt đầu thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, với các điều khoản có khả năng được định hình bởi vị thế của mỗi bên trên chiến trường.
Emil Kastehelmi, một nhà phân tích quân sự của Công ty Black Bird Group (Phần Lan), cho biết, từ tháng 9 đến tháng 11, Nga đã chiếm hơn 1.500 km2 lãnh thổ Ukraine, gấp khoảng hai lần diện tích của thành phố New York, hầu hết nằm ở khu vực Donetsk.
"Tốc độ tiến quân của Nga tăng tốc mỗi tháng, mặc dù người Nga phải chịu tổn thất nặng nề", ông viết trên mạng xã hội vào tháng 12. Ông nói thêm rằng, Nga có thể chiếm thêm từ 500 - 800 km2 lãnh thổ Ukraine vào cuối năm.
Vẫn chưa rõ "quyết định phi truyền thống" của Tướng Syrsky sẽ là gì. Nhưng ông Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm An ninh và hợp tác Ukraine, một nhóm nghiên cứu phi chính phủ, cho biết vị chỉ huy người Ukraine có thành tích phát động các cuộc tấn công bất ngờ, chẳng hạn như ở khu vực Kharkiv vào năm 2022 và ở khu vực Kursk vào mùa hè năm nay, với nhiều mức độ thành công khác nhau.
Pokrovsk, nơi có dân số trước cuộc xung đột khoảng 60.000 người, nằm trên một con đường chính nối liền một số thành phố tạo thành một vòng cung phòng thủ bảo vệ phần Donetsk mà Ukraine vẫn nắm giữ. Đây cũng là thành phố lớn cuối cùng ở trung tâm khu vực Donetsk do Ukraine kiểm soát.
Kết hợp với khả năng sụp đổ của Kurakhove và Velyka Novosilka, hai thành trì của Ukraine đang bị tấn công ở xa hơn về phía nam, việc chiếm được Pokrovsk có thể mở đường cho việc Nga tiếp quản hoàn toàn nửa phía nam của khu vực Donetsk. Các nhà phân tích cho biết, điều này cũng có thể mở đường cho các cuộc tấn công mới vào khu vực Dnipropetrovsk lân cận.
Thủ tướng Slovakia: Phương Tây sẽ "bỏ rơi" Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Folha de S.Paulo của Brazil, Thủ tướng Slovakia Robert Fico khẳng định, giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine chỉ nằm ở việc đạt được lệnh ngừng bắn và xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thởi phản đối việc leo thang xung đột vũ trang.
“Phương Tây quyết định sẽ sử dụng cuộc xung đột này để làm suy yếu Nga; các lệnh trừng phạt đã được đưa ra; hàng tỷ euro và USD đã được chuyển đến Ukraine, rất nhiều viện trợ nhân đạo, rất nhiều vũ khí. Kết quả là gì? Người Nga đang giành được ngày càng nhiều lãnh thổ, các lệnh trừng phạt không có tác dụng và Ukraine không còn đủ mạnh để có thể đàm phán”, ông Fico khẳng định.
Nhà lãnh đạo Slovakia nói thêm: “Nếu điều này gây tổn hại đến bất kỳ ai, thì đó sẽ là Ukraine, vì họ đã tự cho phép mình bị kéo vào cuộc chiến này mà không thể có kết cục tốt đẹp cho đất nước. Họ sẽ mất lãnh thổ và sẽ không được mời vào NATO”.
Khi được hỏi về lập trường cho quyết định để Ukraine gia nhập NATO và EU, ông Fico nói: “Chúng tôi muốn có một nước láng giềng ổn định gia nhập EU, để chúng ta có thể hợp tác. Chúng tôi không tức giận với Ukraine, chúng tôi chỉ nói rằng, họ đã để phương Tây lôi kéo vào một cuộc chiến. Và sẽ đến lúc phương Tây nói, "Được rồi, cuộc chiến này không hiệu quả, vậy hãy bỏ rơi Ukraine".
Cũng trong buổi phỏng vấn, ông Fico đã chia sẻ về cách tiếp cận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về vấn đề Ukraine: “Tôi nghĩ Tổng thống mới của Mỹ sẽ muốn đưa ra một điều gì đó. Ông ấy đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ. Tất nhiên đó chỉ là lời nói trong chiến dịch, nhưng ông ấy sẽ phải đưa ra một quyết định. Nếu bạn biết về Nga, bạn biết rằng bạn không thể quấy rầy Nga, mọi chuyện không diễn ra như vậy. Vì vậy, tôi hoan nghênh cách tiếp cận mang tính xây dựng của Tổng thống đắc cử”.
Ông Donald Trump chỉ trích quyết định ‘cởi trói’ cho Ukraine của Mỹ
Theo tờ Times, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố "kịch liệt phản đối" Ukraine dùng tên lửa do Mỹ cung cấp để tập kích mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
"Tôi kịch liệt phản đối phóng tên lửa với tầm bắn hàng trăm km vào Nga. Tại sao chúng ta lại làm như vậy? Tôi nghĩ đó là quyết định ngu ngốc", ông Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn được tờ Times của Anh công bố ngày 12/12.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện cuối tháng 11, trước khi ông Trump gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Paris của Pháp.
"Chúng ta chỉ đang leo thang cuộc chiến và khiến nó tồi tệ hơn", ông nói, nhưng khẳng định sẽ dùng sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine làm đòn bẩy nhằm chấm dứt cuộc chiến. "Tôi muốn đạt thỏa thuận và cách duy nhất để đạt điều đó là không bỏ rơi họ".
Sau buổi phỏng vấn, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói "sẽ không tranh cãi qua lại" với chính quyền sắp tới về những bình luận của ông Trump. "Tất cả những gì tôi có thể làm là tái khẳng định chính sách và chỉ đạo của Tổng thống Biden. Đó là làm mọi thứ chúng tôi có thể để Tổng thống Zelensky ở vị thế tốt nhất khi bắt đầu đàm phán", ông cho hay.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden tháng trước cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ viện trợ, có tầm bắn tối đa 300 km để tập kích mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng tới, đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn và đàm phán để chấm dứt giao tranh nhanh chóng, khiến cam kết ủng hộ lâu dài của Washington dành cho Kiev bị hoài nghi.