Chiến lược đa dạng hóa thị trường: Lối đi chiến lược cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu liên tục biến động và chính sách thương mại thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đang đối mặt với hàng loạt thách thức phức tạp và đa chiều.
Mặc dù số liệu tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, theo góc nhìn thực tế từ doanh nghiệp, vẫn tồn tại không ít lo ngại.
Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Xanh TP.HCM (HGBA), Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM nhận định: một số doanh nghiệp đã bắt đầu mất đơn hàng do những thay đổi trong chính sách thuế quan và quy định của Mỹ.
Ông Kỳ cũng cảnh báo về một xu thế đang định hình rõ nét trên toàn cầu: “decoupling” - tức sự tách rời chuỗi cung ứng giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ và các nước Châu Á, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam. Đây là hệ quả của chiến lược giảm thiểu rủi ro địa chính trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để chủ động ứng phó, ông Kỳ nhấn mạnh doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng triển khai các hệ thống truy xuất nguồn gốc và xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch.
Điều này không chỉ giúp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, lao động và tài chính, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chứng minh xuất xứ sản phẩm, yếu tố then chốt trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ yêu cầu xác định rõ ràng giữa hàng hóa trung chuyển và hàng hóa sản xuất thực sự tại Việt Nam.
Đặc biệt, ông Kỳ cho rằng mức thuế dự kiến 40% đối với hàng trung chuyển có thể trở thành “cơ hội chiến lược” để thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dịch chuyển theo hướng thực chất hơn.
Cụ thể, các doanh nghiệp FDI sẽ buộc phải đầu tư nghiêm túc hơn, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ thay vì chỉ sử dụng Việt Nam như một điểm trung chuyển và bảo hộ công nghệ như trước.
Trước xu thế này, ông Đinh Hồng Kỳ khuyến nghị các doanh nghiệp không nên chờ đợi các chính sách mới được công bố mới bắt đầu phản ứng. Thay vào đó, cần chủ động xây dựng các kịch bản dự phòng, đặc biệt là các “kịch bản đa tầng” để ứng phó linh hoạt trước mọi biến động chính sách, cả ở cấp độ quốc tế lẫn trong nước.
Việc đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và chiến lược quản trị rủi ro không chỉ là biện pháp thích ứng, mà còn là đòn bẩy để nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp Việt trong dài hạn.