Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được hiện thực hóa thế nào dưới thời ông Biden?

Tờ Korea Times ngày 13/1 đăng bài bình luận của ông Cho Byung-jae, Tổng Thư ký Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP), từng là Giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc (KDNA) về một số khuyến nghị đối với chính quyền ông Biden nhằm thực hiện thành công chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Joe Biden đã lựa chọn miêu tả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cụm từ an ninh và thịnh vượng. (Nguồn: EPA)

Ông Joe Biden đã lựa chọn miêu tả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cụm từ an ninh và thịnh vượng. (Nguồn: EPA)

Ngày 20/1 tới, ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Tuy nhiên, nghĩ đến những “chông gai” phía trước, khó có thể chỉ đơn giản chúc mừng chính quyền của ông.

Ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Biden sẽ là kiểm soát Covid-19, hiện cướp đi sinh mạng của hàng nghìn công dân Mỹ mỗi ngày và vực dậy nền kinh tế. Cùng với đó là nhiệm vụ xoa dịu những chia rẽ trong lòng xã hội Mỹ và hàn gắn vết thương của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Mặc dù ông Biden giành được số lượng phiếu bầu lịch sử với 81 triệu phiếu, song vẫn còn tới 74 triệu người khác vẫn hô vang khẩu hiệu "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thống Trump. Hơn nữa, chính quyền mới cũng chỉ có 2 năm để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Trong khi các vấn đề đối nội đòi hỏi sự quan tâm ngay lập tức, chính quyền ông Biden cũng cần định hình chính sách đối ngoại trong thời gian sớm nhất có thể. Những năm qua, Mỹ và thế giới đã chứng kiến nhiều thay đổi. Trật tự thế giới tự do trong 70 năm qua không còn là thứ hiển nhiên tồn tại.

Trước đây, Mỹ theo đuổi các mục tiêu vì giá trị toàn cầu, song hiện nay, Mỹ bị coi là quốc gia chỉ ưu tiên lợi ích của chính mình. Ông Biden đã cam kết thay đổi nhận thức này và thế giới đang dõi theo những bước đi tiếp theo của Mỹ.

Lựa chọn của ông Biden với châu Á

Thế giới có muôn vàn thách thức, nhưng chính châu Á sẽ quyết định sự thành bại của chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden. Châu Á đang chờ xem Mỹ sẽ định hình và hiện thực hóa chính sách đối ngoại như thế nào đối với khu vực.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Australia Scott Morrison, ông Biden đã nhấn mạnh sự hợp tác vì một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng".

Những cụm từ trên có thể được xem là kim chỉ nam cho chính sách của ông Biden đối với châu Á. Lựa chọn của ông Biden đáng được hoan nghênh, đó là sự tiếp nối của chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của ông Trump, không đơn thuần là sự trở lại của chiến lược "xoay trục sang châu Á" dưới thời Obama.

Đây là một quyết định hợp lý. Việc chấm dứt đột ngột một chính sách đã nhận được sự ủng hộ trong nhiều năm sẽ làm suy yếu tính nhất quán trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Trong ngoại giao, thiếu nhất quán đồng nghĩa với mất lòng tin.

Đáng chú ý, ông Biden đã lựa chọn miêu tả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cụm từ "an ninh và thịnh vượng". Trong khi đó, ông Trump đặt "tự do và cởi mở" là trọng tâm của chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (FOIP). Đây là lý do tại sao FOIP thường được coi là một chiến lược để kiềm chế Trung Quốc.

Thế giới đang dõi theo những bước đi tiếp theo của Mỹ dưới chính quyền ông Biden. (Nguồn: AFP)

Thế giới đang dõi theo những bước đi tiếp theo của Mỹ dưới chính quyền ông Biden. (Nguồn: AFP)

Củng cố 2 trụ cột quan trọng

Như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nói, các quốc gia trong khu vực không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. ASEAN, Ấn Độ, Australia và thậm chí cả các quốc gia ngoài châu Á như Pháp và Đức cũng đã kêu gọi hợp tác “công bằng và bình đẳng” trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hiện nay, chính quyền mới có nhiệm vụ củng cố 2 trụ cột quan trọng của chính sách đối ngoại đối với khu vực là an ninh và thịnh vượng.

Thứ nhất, Mỹ cần tái khẳng định cam kết đối với an ninh ở châu Á. Rõ ràng, chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump không phải là mục tiêu phù hợp cho chính sách đối ngoại của Mỹ.

Với các đồng minh, cách tiếp cận có phần thực dụng và việc ông Trump luôn đe dọa đơn phương rút quân, đã làm dấy lên nghi ngờ về các cam kết an ninh của Mỹ đối với châu Á. Để điều chỉnh lại phương hướng triển khai chính sách trong khu vực, Mỹ có thể tham khảo lộ trình thành công của "Sáng kiến Chiến lược Đông Á 1989" (EASI). EASI được đưa ra bàn thảo bởi cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ sau khi đã tham vấn kỹ lưỡng các đồng minh trong khu vực.

Thứ hai, Mỹ cần tái củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện tại từ mặt trận kinh tế. Việc Chính quyền Obama thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một phần của chính sách "Xoay trục sang châu Á" là một bước đi đúng đắn.

Đáng tiếc, Tổng thống Trump đã phạm phải một sai lầm lớn khi quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định này. Việc Mỹ tái gia nhập TPP ngay lập tức có thể không khả thi về mặt chính trị, nhưng không có nghi ngờ nào về việc khu vực này cần một khuôn khổ hợp tác kinh tế cấp cao toàn diện.

Nếu Mỹ nhấn mạnh kinh tế và thương mại là nền tảng của nỗ lực xây dựng một "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" thì sẽ dễ dàng hơn để nhận được phản ứng tích cực từ các đồng minh và đối tác.

Mỹ nên tập trung vào tăng cường lợi thế cạnh tranh của chính mình. Xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh sẽ mở ra cơ hội tạo ra nhiều việc làm hơn cho chính người dân Mỹ. Do đó, đây nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới.

Ông Biden cho thấy ông đang xây dựng một chính quyền mới dựa trên một nhóm các chuyên gia hoàn toàn có thể đảm đương được những nhiệm vụ nói trên. Việc bổ nhiệm ông Lloyd Austin, người theo cách nói của ông Biden là "hiểu rằng quân đội chỉ là một công cụ của an ninh quốc gia", là một ví dụ điển hình.

Trên cơ sở đó, hy vọng rằng 4 năm tới sẽ tốt hơn nhiều so với 4 năm đã qua và châu Á có thể chân thành chúc mừng lễ nhậm chức sắp tới của chính quyền mới ở Mỹ.

(theo Korea Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-se-duoc-hien-thuc-hoa-the-nao-duoi-thoi-ong-biden-133955.html
Zalo