Chiến dịch Highjump và cuộc thám hiểm quân sự của Mỹ tới Nam Cực
Ngay sau Thế chiến thứ 2, Mỹ đã gửi hàng nghìn quân đến Nam Cực với mục đích 'huấn luyện' và 'do thám' - nhưng kể từ đó, nhiều suy đoán về mục đích thực sự của sứ mệnh này vẫn chưa được biết đến đầy đủ.
Chiến dịch Highjump, được triển khai năm 1946, là một cuộc thám hiểm của hải quân Mỹ đến Nam Cực do Chuẩn Đô đốc Richard E. Byrd và Richard H. Cruzen chỉ huy. Mục tiêu chiến dịch là huấn luyện quân nhân trong điều kiện khắc nghiệt, giành lại lãnh thổ, thiết lập căn cứ Mỹ, đánh giá khả năng sử dụng sân bay trên băng đồng thời tiến hành thu thập dữ liệu địa chất. Chiến dịch có sự tham gia của 70 tàu chiến, 13 máy bay và hơn 4.700 nhân sự, trở thành cuộc thám hiểm Nam Cực quân sự lớn nhất trong lịch sử.

Một chiếc trực thăng Sikorsky HO3S-1 của Hải quân Mỹ khảo sát địa hình khắc nghiệt của Nam Cực cho Chiến dịch Highjump.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã phải đối mặt với nhiều thách thức như thời tiết khắc nghiệt và điều kiện bay nguy hiểm. Chỉ vài ngày sau khi thực hiện nhiệm vụ, một vụ tai nạn máy bay thảm khốc khiến 3 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Bất chấp hàng loạt khó khăn này, quân đội Mỹ đã thành công trong việc tạo ra một số tuyến đường an toàn và sau đó thiết lập Little America IV, một căn cứ tạm thời gần Vịnh Cá Voi. Máy bay trực thăng được quân đội Mỹ ghi nhận đóng vai trò to lớn và ảnh hưởng đến các chiến thuật quân sự của Mỹ trong tương lai ở vùng cực.
Chiến dịch Highjump cũng thu thập dữ liệu địa chất và ảnh quý giá, lập bản đồ vùng Nam Cực. Tuy nhiên, mặc dù được giới quan chức Hải quân Mỹ đánh giá là thành công, nhiều người trong lực lượng đặc nhiệm cảm thấy nó thiếu tổ chức và mục tiêu rõ ràng. Thực tế, nó đã kết thúc chỉ sau… 3 tháng. Và trong những năm gần đây, một số người suy đoán Chiến dịch Highjump thực chất là… một chiến dịch che đậy của chính phủ cho một mục đích khác.
Chiến dịch thám hiểm đầy rủi ro
Ngày 26/8/1946, Tư lệnh Hải quân Mỹ lúc bấy giờ là Đô đốc Chester Nimitz, tuyên bố hùng hồn về một cuộc “viễn chinh quân sự” hỗn hợp quy mô lớn mang tên Chiến dịch Highjump, sẽ diễn ra tại Nam Cực bắt đầu từ tháng 12/1946. Lực lượng hải quân Mỹ - được gọi là Lực lượng Đặc nhiệm 68 - do Chuẩn Đô đốc Richard H. Cruzen và Chuẩn Đô đốc Richard E. Byrd chỉ huy.
Theo cuộc họp báo tháng 11/1946 do Đô đốc Byrd chủ trì, chiến dịch này “chủ yếu là một nhiệm vụ quân sự nhằm huấn luyện nhân sự hải quân, thử nghiệm tàu chiến, máy bay và trực thăng mới trong điều kiện băng giá đồng thời phát triển các kỹ thuật thiết lập và duy trì loạt căn cứ không quân Mỹ ở Nam Cực. Một mục tiêu thứ yếu là nâng cao hiểu biết về các điều kiện thủy văn, địa lý, khí tượng, địa chất và điện từ của khu vực”. Chiến dịch Highjump còn một số mục tiêu khác, ít công khai hơn. Như nhà sử học Dian Olson Belanger tiết lộ với Tạp chí Smithsonian năm 2007, Hải quân Mỹ cũng nhận được lệnh tuyệt mật xác lập yêu sách về vùng đất ở Nam Cực.
Hải quân Mỹ cũng muốn chứng tỏ năng lực của mình với Tổng thống Mỹ Harry Truman, người muốn cắt giảm ngân sách quốc gia sau Thế chiến 2. Và nhiệm vụ này diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, vốn đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công của Liên Xô vào Mỹ tại Bắc Cực. Quân đội Mỹ muốn chắc chắn rằng họ có công nghệ hiệu quả để chiến đấu trong điều kiện khí hậu lạnh giá. Những con tàu chiến đầu tiên đã đến vị trí để đưa máy bay tới Nam Cực vào tháng 12/1946. Chiến dịch Highjump đã bắt đầu.

Little America IV nhìn từ trên không.
Những nguy hiểm và chiến thắng… của Highjump?
Như những người lính của Chiến dịch Highjump đã nhanh chóng nhận ra, Nam Cực có thể rất nguy hiểm. Ngày 30/12/1946, một chiếc máy bay Martin PBM-5 mang tên George 1 đã rơi xuống đảo Thurston ở Nam Cực. 6 người trên máy bay sống sót sau vụ tai nạn - và được cứu sống 13 ngày sau đó - nhưng Maxwell A. Lopez, Wendell K. Henderson và Frederick W. Williams đều thiệt mạng.
Bất chấp thảm kịch, chiến dịch Highjump vẫn tiếp tục. Sử dụng trực thăng, lực lượng đặc nhiệm Mỹ trinh sát mọi tuyến đường an toàn cho tàu thuyền của họ dọc theo những tảng băng dày. Mặc dù trực thăng thực sự tỏ ra hiệu quả hơn trong điều kiện thời tiết lạnh giá, nhưng điều kiện khắc nghiệt thường khiến việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên cực kỳ nguy hiểm. Trực thăng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi cất cánh, và ngay cả khi đó, chúng vẫn có nguy cơ bị đóng băng trên cánh quạt. Cánh quạt bị đóng băng đã khiến nhiều trực thăng bị rơi. Có lúc, một chiếc HO3S-1 đang trên đường trở về từ nhiệm vụ trinh sát trên tàu USS Pine Island rơi xuống biển do cánh quạt bị đóng băng. Mặc dù trực thăng bị mất tích, hai người trên máy bay nhanh chóng được cứu khỏi vùng nước đóng băng.
Đến tháng 1/1947, những người lính của Chiến dịch Highjump bắt đầu tìm kiếm một địa điểm thích hợp để xây dựng căn cứ, mà họ đặt tên là Little America IV. Họ tìm thấy một địa điểm như vậy gần Vịnh Cá Voi, và bắt đầu xây dựng gần như ngay lập tức. Phi hành đoàn dỡ xe chở tuyết và bắt tay vào dựng lều, chòi và đường băng. Trong vài tuần tiếp theo, Little America IV trở thành căn cứ của Chiến dịch Highjump, tập trung vào việc thám hiểm trên không ở khu vực xung quanh. Như Lịch sử Hàng không của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ ghi nhận, mục tiêu chính của quân đội Mỹ lúc này là lập bản đồ trên không của càng nhiều khu vực Nam Cực càng tốt, đặc biệt là những con đường bờ biển.

Đô đốc Byrd trong Chiến dịch Highjump những năm 1946-1947.
Sự kết thúc đột ngột và thuyết âm mưu
Bên cạnh việc thành lập một căn cứ của Mỹ ở Nam Cực, Lực lượng Đặc nhiệm 68 còn hoàn thành mục tiêu thu thập một lượng lớn dữ liệu địa chất về Nam Cực. Những người tham gia Chiến dịch Highjump thu thập các mẫu nước và đất, thậm chí còn phát hiện ra một mỏ than lớn, dữ liệu mà các nhà nghiên cứu tương lai sẽ sử dụng khi xác định vị trí xây dựng căn cứ mới. Máy bay của nhóm cũng đã hoàn thành 28 chuyến bay chụp ảnh, ghi lại hơn 70.000 bức ảnh trên diện tích hơn 3,6 triệu km vuông Nam cực. Byrd lưu ý: “Hy vọng của chúng tôi là có đầy đủ tài liệu để lập bản đồ chi tiết về toàn bộ Nam Cực”.
Tuy nhiên, Chiến dịch Highjump đã kết thúc khá đột ngột vào tháng 2/1947. Mặc dù nhiều quan chức Hải quân Mỹ coi đây là một thành công… “vang dội”, nhưng trên thực tế chiến dịch lại bị đánh dấu bằng tổn thất về người và sự thiếu tổ chức. Nhiều người tham gia cảm thấy chiến dịch được dàn dựng một cách cẩu thả và sau đó nói rằng họ không hiểu nhiệm vụ thực sự của mình ở Nam Cực.
“Chúng tôi thực sự không biết mình đang làm gì. Chúng tôi không biết về đường bay chính xác hay những gì chúng tôi đang nhìn thấy” - Conrad “Gus” Shinn, người lái máy bay R4D từ tàu sân bay USS Philippine Sea, chia sẻ. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ cuối cùng cũng chấp nhận tiết lộ Chiến dịch Highjump như một chuyến thám hiểm minh bạch ra thế giới rộng lớn hơn.

Tàu USS Sennet tham gia Chiến dịch Highjump.
Trong suốt chiến dịch, các nhiếp ảnh gia quân sự đã ghi lại nhiều thước phim tư liệu quý giá về nhiều sự kiện, được trình chiếu tại một loạt rạp chiếu phim tại Mỹ dưới dạng phim tài liệu “The Secret Land”. Bộ phim sau đó đã giành được Giải Oscar cho Phim tài liệu xuất sắc nhất năm 1948. Nhưng điều đó không ngăn cản được những đồn đoán của công chúng về bản chất thực sự của Chiến dịch Highjump. Nhiều người theo thuyết âm mưu tin rằng nhiệm vụ này nhằm tìm kiếm các căn cứ bí mật của Đức Quốc xã - hoặc liên lạc với người ngoài hành tinh.
Trong những năm gần đây, một số người cho rằng Chiến dịch Highjump nhằm chụp ảnh “bức tường băng” mà những người theo thuyết Trái Đất phẳng tin rằng bao quanh hành tinh, hoặc các bức ảnh quân sự đã tiết lộ bằng chứng về một nền văn minh bí mật. Mặc dù chiến dịch này có vẻ… minh bạch, nhưng thực ra đã có rất nhiều giả thuyết về mục đích “bí mật” của nó kể từ đó. Tất nhiên, không có tin đồn nào trong số này được chứng minh.
Thay vào đó, Chiến dịch Highjump sẽ mở đầu cho một loạt các hoạt động ở vùng cực trong tương lai - bao gồm Chiến dịch Windmill của Hải quân Mỹ vào năm 1947-1948. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không muốn Nam Cực trở thành một khu vực quân sự, và Hiệp ước Nam Cực - ngăn chặn việc quân sự hóa lục địa cực nam - được ký kết vào ngày 1/12/1959.

Trực thăng của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ hạ cánh trên tàu phá băng USCGC Northwind trong Chiến dịch Highjump.
Ngày nay, Nam Cực chủ yếu là một địa điểm nghiên cứu khoa học. Nhưng Chiến dịch Highjump vẫn là một khoảnh khắc đáng chú ý trong lịch sử nơi này, khi hàng ngàn binh sĩ đổ bộ xuống đây để huấn luyện và thám hiểm - nếu không muốn nói là nhiều hơn.