Chiến dịch 'Bảo vệ bé từ những bước đầu tiên' xây dựng niềm tin của cộng đồng vào vaccine, đặc biệt ở vùng xa
Chiến dịch 'Bảo vệ bé từ những bước đầu tiên' do Bộ Y tế và UNICEF tại Việt Nam tổ chức đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi trong cộng đồng, đóng góp vào thành công bước đầu việc triển khai vaccine Rota trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Chiến dịch này đóng góp quan trọng vào việc triển khai vaccine phòng virus Rota (vaccine Rota) trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng.
Phát động từ tháng 3/2025, chiến dịch tập trung cung cấp kiến thức thiết yếu cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ về virus Rota – nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ – cùng với lợi ích của việc tiêm phòng đúng lịch. Đây là yếu tố then chốt giúp nâng cao nhận thức và xây dựng niềm tin của cộng đồng vào vaccine, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

Chiến dịch đã được triển khai đồng bộ trên nhiều kênh truyền thông đa dạng, bao gồm truyền hình, báo chí, mạng xã hội và tài liệu in ấn. Các sản phẩm truyền thông như video, đồ họa thông tin và bài viết chuyên sâu đã giúp thông điệp tiếp cận hàng triệu cha mẹ và người chăm sóc trẻ nhỏ trên toàn quốc.
Các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương đã tích cực đăng tải, phát sóng các chương trình tọa đàm và chuyên đề. Trên nền tảng số, đặc biệt là các kênh chính thức của Bộ Y tế và UNICEF Việt Nam, thông điệp đã lan tỏa mạnh mẽ đến đông đảo người dùng trực tuyến.
Những kết quả nổi bật bao gồm việc hỗ trợ cha mẹ và người chăm sóc trẻ đưa ra quyết định đúng đắn và hành động kịp thời, dựa trên các kết quả khảo sát và phân tích thực tế. Các video và bài viết trên nền tảng số của chiến dịch đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem. Đáng chú ý, tài liệu truyền thông được dịch sang nhiều ngôn ngữ dân tộc, giúp mở rộng khả năng tiếp cận và hỗ trợ cộng đồng vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp nhận, hiểu và áp dụng thông tin.
94% phụ huynh quan tâm hơn đến tiêm chủng nhờ biết đến chiến dịch
Theo khảo sát do UNICEF thực hiện, 94% phụ huynh và người chăm sóc trẻ cho biết họ quan tâm hơn đến việc tiêm chủng sau khi tiếp cận nội dung chiến dịch.
Mức độ hiểu biết về vaccine Rota cũng cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ hiểu đúng tăng từ 65% lên 85%. Tỷ lệ phụ huynh có con trong độ tuổi phù hợp nhưng chưa hoặc không có ý định đưa con đi uống vaccine Rota chỉ chiếm 0,34%.
Đặc biệt, 78% người tham gia khảo sát khẳng định họ hiểu "rõ" hoặc "rất rõ" về vaccine này.

Phụ huynh đưa con đến trạm y tế xã Văn Hán, tỉnh Thái Nguyên.
Chiến dịch truyền thông đã góp phần không nhỏ vào việc triển khai vaccine Rota trên thực tế. Theo số liệu thống kê từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, tính đến hết tháng 5 năm 2025, đã có hơn 297.000 liều vaccine Rota được triển khai miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trong đó, gần 181.000 trẻ em đã được uống liều vaccine Rota thứ nhất và hơn 116.200 trẻ đã hoàn thành đủ hai liều vaccine.

Trẻ được uống vaccine Rota miễn phí tại trạm y tế xã Văn Hán, tỉnh Thái Nguyên.
Vaccine Rota được ghi nhận có tính an toàn cao, chưa ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ trẻ có phản ứng thông thường sau tiêm chủng như nôn, sốt nhẹ hay tiêu chảy.
Những kết quả tích cực của chiến dịch "Bảo vệ bé từ những bước đầu tiên" đã khẳng định rõ vai trò then chốt của truyền thông trong việc đạt được các mục tiêu y tế cộng đồng. Trong thời gian tới, Bộ Y tế và UNICEF sẽ tiếp tục phối hợp, thúc đẩy việc triển khai vaccine Rota trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn quốc vào năm 2026.

Vaccine Rota là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay để bảo vệ trẻ khỏi bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
Nỗ lực này tái khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo tiếp cận công bằng, bình đẳng với các loại vaccine an toàn và hiệu quả, đặc biệt là cho trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi. Đồng thời, việc này cũng góp phần giảm gánh nặng chi phí y tế cho các gia đình và giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Bộ Y tế và UNICEF tiếp tục phối hợp, thúc đẩy việc triển khai vaccine Rota trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hướng tới mục tiêu bao phủ toàn quốc vào năm 2026.
Chiến dịch thành công nhờ sự phối hợp chặt chẽ và đồng hành chuyên môn của nhiều đơn vị như Cục Phòng bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chuyên gia nhi khoa, các cá nhân có ảnh hưởng cùng các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.