Chỉ số giá hàng hóa MXV-Index chạm mức cao nhất một tuần

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 2/7, ngoại trừ nhóm năng lượng, cả 3 nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và kim loại đều đóng cửa trong sắc xanh.

Trong đó, đà tăng mạnh của nhiều mặt hàng nguyên liệu quan trọng đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,38% lên 2.273 điểm, cao nhất trong vòng một tuần trở lại đây.

Giá cacao quay đầu phục hồi mạnh

Kết phiên giao dịch ngày 2/7, nhóm nguyên liệu công nghiệp đã dẫn dắt đà tăng của thị trường với nhiều mặt hàng biến động mạnh. Đáng chú ý, giá cacao bất ngờ quay đầu bật tăng 6,79% lên 7.788 USD/tấn từ đà giảm sâu trước đó. Số liệu xuất khẩu thấp tại Bờ Biển Ngà đã hỗ trợ mạnh kéo giá cacao phục hồi. Cụ thể, các nhà xuất khẩu cacao tại Bờ Biển Ngà cho biết, tính đến ngày 30/6, lượng cacao đến các cảng tại quốc gia này đạt 1,596 triệu tấn, giảm 27,4% so với cùng kỳ mùa trước.

Trong phiên hôm qua, giá cà phê Arabica diễn biến giằng co nhưng kết phiên vẫn tăng 1,09% lên 5.011 USD/tấn. Giá cà phê Robusta cũng tăng nhẹ 0,61%, lên 4.092 USD/tấn. Triển vọng nguồn cung cà phê ở mức thấp tại Việt Nam duy trì sự hỗ trợ đối với giá Robusta.

Hãng tư vấn Hedgepoint đưa ra ba kịch bản dự báo sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2024-2025. Trong đó, kịch bản tiêu cực nhất, sản lượng cà phê chỉ còn 27 triệu bao. Với kịch bản tích cực nhất, sản lượng được dự báo cũng chỉ đạt tối đa 28,7 triệu bao. Hơn thế, cơ quan này cho biết, dù lịch bản nào xảy ra, tồn kho cà phê tại Việt Nam vẫn khan hiếm, dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và giá dao động ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước.

Trong khi đó, tỷ giá USD/BRL tiếp tục leo đỉnh, lên 5,68, là mức cao nhất 30 tháng. Tỷ giá ngày càng nới lỏng tiếp tục tạo điều kiện để nông dân Brazil đẩy mạnh bán cà phê nhờ thu về nhiều ngoại tệ hơn. Điều này giúp nguồn cung cà phê trên thị trường giảm bớt lo ngại thiết hụt, từ đó tạo sức ép khiến giá không tăng quá mạnh.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 3/7, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng nhẹ từ 1.000 – 1.200 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 121.000 – 122.300 đồng/kg.

Cùng chung diễn biến, giá đường thô tăng 1,88% lên 454,37 USD/tấn, chạm mức cao nhất 2 tháng rưỡi trước lo ngại thu hẹp sản xuất tại Brazil. Giới chuyên gia nhận định thời tiết khô sẽ tiếp diễn tại Brazil, thay vì dự báo mưa trước đó. Điều này có thể dẫn đến việc giảm năng suất cây mía, kéo theo sản lượng đường không tốt như kỳ vọng bạn đầu.

Giá ngô rung lắc mạnh

Kết thúc ngày 2/7, giá ngô tiếp tục rung lắc mạnh và đóng cửa với mức tăng không đáng kể. Một mặt, áp lực từ việc diện tích canh tác ngô năm nay của Mỹ vượt ngoài kỳ vọng của thị trường tiếp tục đè nặng áp lực lên giá. Mặt khác, sự suy giảm chất lượng của vụ ngô mới tại Mỹ đã giúp giá hồi phục trở lại.

Trong báo cáo Diện tích gieo trồng (Acreage 2024) được công bố vào cuối tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính nông dân Mỹ đã trồng 91,48 triệu mẫu ngô cho vụ thu hoạch năm nay. Con số này vượt ngoài khoảng dự đoán trước là 89,0 - 91,3 triệu mẫu, và đã gây bất ngờ cho thị trường. Diện tích canh tác cao hơn có thể giúp nguồn cung ngô năm nay của Mỹ tiếp tục dồi dào đã tác động “bearish” mạnh lên giá.

Dù vậy, sự sụt giảm chất lượng của vụ ngô năm nay ở Mỹ đã thúc đẩy lực mua quay trở lại đối với mặt hàng này. Theo dữ liệu từ báo cáo Tiến độ mùa vụ (Crop Progress) hôm qua của USDA, khoảng 67% diện tích ngô của Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 30/6. Con số này giảm 2 điểm phần trăm so với một tuần trước và thấp hơn mức 68% kỳ vọng trung bình của thị trường. Nguyên nhân chính là do đợt lũ lụt trong đầu tuần vừa rồi đã gây ngập úng cho nhiều diện tích ngô và làm giảm chất lượng cây trồng.

Ở diễn biến ngược lại, giá lúa mì quay đầu suy yếu trở lại trong phiên hôm qua và đóng cửa với mức giảm 1,57% xuống 213,48 USD/tấn. Áp lực bán đối với giá xuất phát từ động thái chốt lời của thị trường, cũng như việc giá lúa mì xuất khẩu từ Nga đang cạnh tranh hơn trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.Công ty tư vấn nông nghiệp IKAR báo cáo, giá lúa mì xuất khẩu của Nga đã giảm tuần thứ 4 liên tiếp, trong bối cảnh hoạt động thu hoạch của nước này ghi nhận những kết quả khả quan. Cụ thể, giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein tại các cảng trên Biển Đen của Nga đạt 226 USD/tấn trong tuần vừa rồi, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do năng suất thu hoạch tại các khu vực Krasnodar và Stavropol cao hơn đáng kể so với các năm trước bất chấp ảnh hưởng của đợt sương giá và hạn hạn hồi tháng 5 và tháng 6.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/chi-so-gia-hang-hoa-mxvindex-cham-muc-cao-nhat-mot-tuan-20240703081245862.htm
Zalo