Chi phí cho một chiếc xe xăng, dầu ở Hà Nội sẽ tăng khi áp dụng biểu phí mới
Theo Chỉ thị 20/CT-TTg, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ cùng nhiều mức phí khác đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh. Nếu biểu phí tăng thì chi phí cho mỗi chiếc xe sử dụng nguyên liệu xăng, dầu sẽ tăng theo.
Hướng tới chuyển đổi xanh, thời gian tới đây, bên cạnh việc cấm xe máy xăng vào đường Vành đai 1, theo Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội sẽ triển khai việc nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Lộ trình cụ thể sẽ được xây dựng từ quý 3/2025 và điều chỉnh hằng năm.
Tại Hà Nội, mức lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu áp dụng đối với các phương tiện cơ giới đang là: 12% với ô tô du lịch (từ 9 chỗ ngồi trở xuống), 7,2% với bán tải và 2% với xe máy. Trong đó, xe máy và mô tô mới được giảm lệ phí trước bạ từ 5% xuống 2% vào đầu tháng 7/2025.
Như vậy, trong trường hợp giả sử tăng lệ phí trước bạ thêm 3% (từ 12% lên 15%) thì chi phí lăn bánh sẽ tăng thêm hàng chục triệu đồng, tùy dòng xe. Đối với các phương tiện xe máy phổ thông thì mức tăng này không đáng kể, tuy nhiên đối với các dòng ô tô du lịch có giá trị cao từ vài trăm lên đến hàng tỷ đồng thì chi phí tăng có thể lên đến hàng chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đồng.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 9,2 triệu phương tiện giao thông các loại đang hoạt động. Trong đó, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ô tô, trên 6,9 triệu xe máy và phần lớn trong số số đó là phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (chạy bằng xăng, dầu).
Chẳng hạn một chiếc xe xe ô tô đang có giá bán lẻ đề xuất là 550 triệu đồng. Mức tăng lệ phí trước bạ từ 12% lên 15% đồng nghĩa với chi phí lăn bánh tăng thêm hơn 16 triệu đồng. Một chiếc Toyota Camry bản tiêu chuẩn có giá tính phí trước bạ mới nhất là 1,229 tỉ đồng. Theo mức lệ phí bị thu hiện tại, chủ sở hữu đăng ký biển tại thành phố Hà Nội sẽ phải nộp gần 156 triệu đồng phí trước bạ ở mức 12% hiện tại. Nếu tăng lên mốc 15%, thì để lăn bánh, chủ xe cần đóng gần 195 triệu đồng (tăng khoảng gần 40 triệu đồng).
Cao hơn là đối với các mẫu xe có giá bán khoảng 3 tỷ đồng như Mercedes-Benz GLC 300 4 Matic, chi phí lăn bánh có thể tăng thêm gần 100 triệu đồng, một chiếc xe Mercedes-Maybach S 680 4MATIC có giá niêm yết là 15,99 tỉ đồng. Khi áp dụng biểu phí mới sẽ tăng mức lệ phí trước bạ mới sẽ tăng khoảng 500 triệu đồng (từ 1,9 tỉ đồng lên 2,4 tỉ đồng).
Theo anh Nguyễn Tuấn Nam - Mễ Trì (Hà Nội), nếu tăng như vậy sẽ thêm gánh nặng về thuế phí cho người dân sử dụng xe dùng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu). Trong khi đó, mức phí trước bạ hiện tại của Hà Nội đã cao hơn so với một số tỉnh thành khác. Vẫn biết là sử dụng xe nhiên liệu hóa thạch sẽ gây ô nhiễm hơn xe điện, hybrid... nhưng không phải ai cũng có tiền mua hay đổi xe. Bên cạnh đó thì các phương tiện giao thông công cộng hiện nay cũng chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Hương - Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại khá tán thành cho việc tăng phí này vì như vậy cũng phần nào giúp hạn chế được phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào trung tâm thành phố do chịu chi phí cao hơn. Qua đó giúp môi trường được tốt hơn.
"Tôi cảm thấy việc tăng các loại phí đối với phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch so với các xe xanh khá tốt. Vì nếu phương tiện nào phát thải ô nhiễm hơn thì phải chịu phí cao hơn, cũng là cách để mọi người có trách nhiệm hơn với bầu không khí ngày một ô nhiễm như Hà Nội hiện nay" - chị Hương chia sẻ.

Chi phí lăn bánh của ô tô xăng dầu tại Hà Nội có thể tăng hàng chục đến hàng trăm triệu tùy vào từng mẫu xe và mức tăng được áp dụng
Đây là chỉ tính riêng đối với lệ phí trước bạ, ngoài ra Chỉ thị 20 còn yêu cầu các ban ngành nghiên cứu tăng lệ phí đăng ký, cấp biển số cũng như giá dịch vụ trông giữ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây là biện pháp này đã được nhiều nước áp dụng trong công cuộc thực hiện chuyển đổi xanh thời gian qua.
Song song với việc hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Chỉ thị 20 cũng yêu cầu Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch; hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh hoặc sử dụng phương tiện công cộng.
Từng bước một kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn, đồng thời thúc đẩy phát triển giao thông công cộng và phương tiện thân thiện với môi trường. Đây có thể coi là một đòn bẩy lớn trong việc thực hiện chuyển đổi xanh.