Chi 12.000 USD để phẫu thuật đổi mắt nâu sang mắt xanh
Sau 20 năm đeo kính áp tròng màu chỉ vì khao khát có được đôi mắt xanh, Ulku Dogan (Mỹ) quyết định phẫu thuật thay đổi vĩnh viễn màu mắt từ nâu sang xanh.
Tháng 10, Ulku Dogan (49 tuổi), cố vấn tài chính tại San Francisco (Mỹ) đã bay tới New York (Mỹ) để thực hiện cuộc phẫu thuật đã ước mơ từ lâu.
"Tôi cảm thấy tự tin và hạnh phúc. Đây là khoản đầu tư tốt nhất mà tôi từng dành cho bản thân. Giá mà tôi làm điều này sớm hơn 10 năm trước", cô chia sẻ.
Để thay đổi màu mắt cho Dogan, bác sĩ Kevin Niksarli, một trong số ít bác sĩ phẫu thuật nhãn khoa tại Mỹ thực hiện kỹ thuật tạo sắc tố giác mạc thẩm mỹ (keratopigmentation), đã sử dụng laser để tạo hai lỗ nhỏ trên giác mạc của cô. Hai lỗ nhỏ này tạo thành một kênh dẫn nằm trên phần màu của mắt, sau đó được lấp đầy bằng thuốc nhuộm.
Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật mắt bằng laser, bác sĩ Niksarli bắt đầu cung cấp dịch vụ thay đổi màu mắt cho khách hàng vào năm 2023. Tại phòng khám Manhattan LASIK Center (New York), ông cung cấp dịch vụ đổi màu mắt với tùy chọn 11 sắc thái màu khác nhau, bao gồm xanh ngọc lục bảo, xanh nước biển và vàng mật ong.
Bác sĩ Niksarli đã thực hiện thay đổi màu mắt cho Dogan từng bên một. Ông bắt đầu với mắt trái, sau đó cho Dogan xem và hỏi cô có muốn điều chỉnh màu sắc trước khi làm mắt phải không. Dogan đã yêu cầu bác sĩ làm cho màu mắt sáng hơn một chút và cô rất hài lòng với kết quả cuối cùng.
Trào lưu làm đẹp từ TikTok
Thực tế, kỹ thuật keratopigmentation chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, nhưng phương pháp này đang ngày càng thu hút sự quan tâm, theo Business Insider.
Trong y học, keratopigmentation vốn được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân bị mất, tổn thương hoặc chấn thương mống mắt. Giờ đây, phương pháp này đang trở thành một "cơn sốt" trong lĩnh vực thẩm mỹ, đặc biệt là sau khi những video TikTok với hình ảnh trước và sau phẫu thuật "gây bão" mạng xã hội.
Tiến sĩ Alexander Movshovich, người đầu tiên cung cấp dịch vụ keratopigmentation thẩm mỹ tại Mỹ vào năm 2019, cho biết ông đã tiếp nhận 15 bệnh nhân trong năm đầu tiên. Đến nay, con số này đã vượt quá 750 ca, theo Ophthalmology Times.
"Thủ thuật này an toàn và điều đó đã được chứng minh trong các tài liệu đánh giá khoa học", Movshovich khẳng định. Song, ông cũng lưu ý rằng những người mắc bệnh mạn tính về mắt cần được tư vấn kỹ lưỡng để đánh giá mức độ phù hợp.
Cơ duyên đến với keratopigmentation đến từ một người bạn thân là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của Dogan. Sau khi chứng kiến kết quả thành công của người bạn này, cô nhanh chóng đặt lịch hẹn với bác sĩ phẫu thuật.
Mặc dù nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn, Dogan vẫn quyết tâm thực hiện ca phẫu thuật và bày tỏ sự hài lòng với kết quả.
"Giờ đây, khi mọi người hỏi tôi có đeo kính áp tròng không, tôi có thể tự tin trả lời: 'Không, đây là màu mắt thật của tôi'", Dogan bày tỏ niềm vui sau khi chi 12.000 USD để đổi lấy ước mơ về diện mạo mới.
Cô cho biết quá trình phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, không đau và cô không gặp phải tác dụng phụ nào nghiêm trọng ngoài cảm giác khó chịu vào đêm đầu tiên và nhạy cảm với ánh sáng trong vài ngày. Tuy nhiên, không ít chuyên gia y tế bày tỏ quan ngại về tính an toàn của phương pháp này.
Xu hướng làm đẹp nhiều rủi ro
Tháng 1, Học viện Nhãn khoa Mỹ (AAO) đưa ra cảnh báo rằng keratopigmentation có thể gây nhiễm trùng, nhạy cảm với ánh sáng và tổn thương giác mạc, dẫn đến mờ mắt, biến dạng giác mạc, rò rỉ dịch hoặc mất thị lực.
"Khách hàng muốn thực hiện các thủ thuật này vì mục đích thẩm mỹ cần cân nhắc kỹ lưỡng những rủi ro nghiêm trọng", AAO khuyến cáo.
Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tạp chí Giác mạc và Bệnh lý Ngoại vi cho thấy 12 trong số 40 người thực hiện phương pháp keratopigmentation bị nhạy cảm với ánh sáng trong tháng đầu tiên. 5 người cho biết sắc tố bị mờ hoặc thay đổi màu sắc sau 29 tháng, và một người từng phẫu thuật Lasik bị giãn nở giác mạc. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia đều bày tỏ sự hài lòng với kết quả thẩm mỹ.
Cá nhân tôi ủng hộ việc sử dụng kính áp tròng màu để làm đẹp thay vì mạo hiểm với những tác dụng phụ tiềm ẩn lâu dài", Tiến sĩ Julian Prosia, một bác sĩ nhãn khoa được chứng nhận tại Canada, chia sẻ trong một video TikTok.
Trước những lo ngại về rủi ro của keratopigmentation, bác sĩ Movshovich cùng các đồng nghiệp đã lên tiếng phản bác, khẳng định nhiều tác dụng phụ được cảnh báo là "không có căn cứ".
Tuy nhiên, AAO vẫn giữ vững quan điểm, nhấn mạnh sự cần thiết phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro, đặc biệt là khi áp dụng kỹ thuật này cho mục đích thẩm mỹ.