Chạy theo những đàn vịt thả đồng
Khi những gốc lúa cuối cùng được thu hoạch cũng là thời điểm vào mùa vịt thả đồng. Mặc dù vất vả nhưng nghề này đang giúp nhiều hộ nuôi ở Hải Dương có của ăn, của để.
Những "du mục" giữa đồng bằng
Trên các cánh đồng trơ gốc rạ rộng mênh mông, những người nuôi vịt thả đồng vẫn cần mẫn với công việc của mình. Chẳng quản mưa, nắng, họ như những người du mục cùng đàn vịt rong ruổi từ cánh đồng này qua cánh đồng khác.
Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi vịt, anh Phạm Công Vũ ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) nắm rõ từng cánh đồng trong lòng bàn tay. Vào vụ mùa, cứ lúa thu hoạch đến đâu là anh Vũ đưa vịt đến đó. Với người nuôi vịt thì mùa "đồng trắng, nước trong" không khác gì mùa vàng. Bởi vịt được thả rông tranh thủ nhặt nhạnh những hạt thóc còn vương vãi. Đôi khi là mương nước nhiều ốc, lắm rong... Nhờ đó mà người nuôi tiết kiệm được nhiều chi phí, chất lượng vịt cũng tốt hơn.
Anh Vũ cho biết khi những gốc lúa cuối cùng được thu hoạch cũng là thời điểm vào mùa vịt chạy đồng. Nhiều năm qua, người dân chủ yếu thu hoạch lúa bằng máy nên tỷ lệ thóc rụng cũng nhiều hơn so với gặt tay. Đối với người nuôi vịt thì đây là nguồn thức ăn khổng lồ nhưng không phải ai cũng chịu được nắng gió, vất vả để đưa vịt ra đồng. Bên cạnh đó, cả đàn vịt hàng nghìn con trong khi gốc rạ cao quá đầu gối nên việc trông nom cũng chẳng dễ dàng.
Để tránh hao hụt vịt, người nuôi thường "gột vịt" trước đó 15-20 ngày mới cho ra đồng. Lúc này vịt đã cứng cáp, biết kiếm ăn và ít bị nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, vịt được thả rông sẽ không tránh khỏi sự hao hụt vì lạc đàn. "Nếu mất nhiều chúng tôi còn cất công đi tìm chứ lạc 1-2 con thì cũng coi như mất. Bởi cả cánh đồng rộng mênh mông, mương máng chằng chịt, gốc rạ lại cao quá đầu gối biết đâu mà tìm", anh Vũ chia sẻ.
Khi chiều tà dần buông cũng là lúc ông Trần Văn Huyện ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) đưa đàn vịt đẻ về gần nhà. Cả cánh đồng rộng hàng trăm ha chỉ còn mình ông và hơn 1.000 con vịt đẻ đang "lả lướt" đi về. Dáng ông Huyện nhỏ nhắn, đầu đội nón mê, tay cầm sào dài nhìn như "kẻ hành khất" giữa mênh mông ruộng đồng. Ấy vậy mà ông lại là chủ của một nông trại có tiếng ở địa phương.
Hơn 10 năm làm lụng vất vả, ông Huyện đã có trong tay hơn 7.000 m² ao, vườn cây ăn trái cùng khu chăn nuôi hơn 2.000 con vịt đẻ. Vì trang trại gần đồng nên cứ kết thúc mùa gặt là ông đưa từng lứa vịt ra đồng thả. Đối với vịt đẻ thì thời gian nuôi sẽ kéo dài gấp đôi vịt thịt. Khi đến thời điểm đẻ trứng, ông Huyện sẽ đưa vịt về nhà nuôi. Vì ở ngoài đồng vịt rất dễ bị "xô đàn" dẫn đến đẻ trứng non. Việc thu hoạch trứng và quản lý vịt đẻ cũng khó khăn hơn.
Theo ông Huyện, chăn vịt chạy đồng là nghề “ăn bờ ngủ bụi". Tưởng chừng là người đang chăn vịt nhưng thực ra lại là vịt đang dắt người đi từ cánh đồng này qua cánh đồng khác. Cái vất vả của nghề này kể ra cả ngày không hết. Dầm mưa dãi nắng, mặt mũi, chân tay lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Có khi gặp mưa cũng phải trùm áo mưa chôn chân giữa đồng không mông quạnh. Vì nhiều mối lo luôn trực chờ bên đàn vịt, chỉ cần người nuôi lơ là có thể mất tất cả.
Nguyên nhân do nhiều nơi vẫn có thói quen vứt súc vật chết, vỏ thuốc bảo vệ thực vật xuống kênh, mương khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vịt thả đồng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng dễ sinh dịch bệnh nên người nuôi phải có nhiều kinh nghiệm để tránh thất thoát. Thông thường, các hộ dân sẽ tiêm phòng trước cho đàn vịt một số loại bệnh như: tụ huyết trùng, dịch tả, cúm gia cầm...
"Khi nuôi thả đồng, vịt sẽ ăn tạp nên nguy cơ mắc bệnh là tương đối cao. Nguy hiểm nhất là khi bệnh ở vịt phát thành dịch có khả năng lây lan nhanh cho cả đàn, thậm chí sang cả đàn vịt của những hộ chăn nuôi khác. Do đó, chúng tôi luôn thực nghiêm các hướng dẫn của cơ quan thú y trong công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng và tiêm phòng dịch trên đàn gia cầm", ông Huyện cho biết.
"Một vốn bốn lời"
Ngày xưa dân gian thường có câu "Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt", thì ngày nay, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc thì vịt thả đồng đang trở thành nguồn thực phẩm sạch được đông đảo thợ buôn săn đón. Nhiều nơi, vịt thả đồng được thương lái cọc trước nhiều ngày để giữ mối. Nhờ đó, nghề nuôi vịt thả đồng đang mang lại hiệu quả kinh tế “một vốn, bốn lời”.
Theo ông Nguyễn Văn Na ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang), vịt nuôi thả đồng có thời gian sinh trưởng khoảng 60 ngày, dài hơn từ 15-20 ngày so với nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, với 1.000 con vịt nuôi công nghiệp thì mỗi ngày người nuôi sẽ tốn trên 1 triệu đồng tiền thức ăn. So với thả đồng thì hình thức nuôi này sẽ tốn kém hơn khoảng 80%. Mặt khác, trong quá trình cho vịt ra đồng cũng giúp giảm chi phí xử lý môi trường tại chuồng nuôi. Trong khi đó, đồng ruộng lại được bổ sung nguồn phân bón từ vịt.
Gia đình ông Na đang duy trì đàn vịt khoảng 500 con. Từ tháng 10 đến nay, hầu như ông không mất tiền mua thức ăn công nghiệp vì cho vịt thả đồng. Từ số tiền tiết kiệm đó, gia đình ông sẽ có thêm kinh phí để mở rộng quy mô chăn nuôi và đầu tư vào chuồng trại theo hướng hiện đại hơn. "Nuôi vịt thả đồng thường đối diện với nhiều rủi ro như dịch bệnh và thất thoát. Tuy nhiên, nếu được quản lý và chăm sóc tốt chắc chắn sẽ không tốn kém bằng nuôi công nghiệp. Thậm chí là ít rủi ro về tài chính hơn vì giá vịt thả đồng thường cao hơn trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục", ông Na cho biết.
Giữa nắng gió heo may, anh Nguyễn Ngọc Lâm ở huyện Thanh Miện vẫn cặm cụi giữa đồng để lùa vịt vào bẫy. Anh kể, cách đây khoảng 10 ngày, đàn vịt của anh có hơn 1.000 con nhưng giờ đã bán gần hết. Ngoài bán buôn, anh Lâm còn bán cho cả những nhà hàng lớn trong huyện, trong tỉnh. Do thả đồng nên anh chọn nuôi giống vịt bầu đất cổ. Loại này không những sức đề kháng tốt, phù hợp với chăn thả tự nhiên mà xương nhỏ, thịt mềm thơm.
"Từ khi cho vịt ra đồng tôi hầu như thả rông. Vịt tự đi kiếm ăn và phơi sương gió ngoài đồng. Hằng ngày, tôi chỉ ra kiểm tra số lượng cũng như chuyển đàn về gần nhà để dễ trông nom. Nhờ cách nuôi hoàn toàn tự nhiên này, chất lượng thịt vịt rất thơm ngon, được nhiều thương lái đặt mua. Tôi đang bán loại vịt này với giá 50.000 đồng/kg. Trừ chi phí và thất thoát lứa vịt này tôi có thể thu lãi khoảng 20 triệu đồng", anh Lâm cho biết.
Theo các hộ nuôi ở các huyện Thanh Miện và Ninh Giang thì hiện nay vịt thả đồng đang được bán từ 45.000-50.000 đồng/kg, cao hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg so với nuôi công nghiệp. Với giá bán hiện tại, người nuôi lãi khoảng 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá trứng vịt thả đồng 2.800 đồng-3.000 đồng/quả, cao hơn trứng vịt nuôi công nghiệp khoảng 300 đồng/quả.
Anh Nguyễn Văn Chiến ở TP Hải Dương chuyên thu mua vịt để đưa vào các quán ăn, nhà hàng cho biết: "Thời tiết se lạnh nên nhu cầu tiêu thụ vịt rất lớn, nhất là vịt thả đồng. Loại này được chăn thả tự nhiên nên thịt rất thơm ngon và được khách hàng ưa thích. Hiện có nhiều nhà hàng, quán ăn chỉ đặt mua vịt thả đồng để quay và đánh tiết canh. Trung bình mỗi ngày tôi cung cấp khoảng 300 con vịt thả đồng trên địa bàn thành phố".
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện khu vực chăn nuôi vịt với quy mô lớn nhất huyện tập trung ở xã Ngô Quyền. Có thời điểm địa phương này có tổng đàn lên đến trên 110.000 con. Hằng năm, sau khi kết thúc vụ mùa, nhiều hộ dân thường đưa vịt ra đồng thả. Dù vất vả hơn nhưng vịt chạy đồng không những cho chất lượng thịt ngon hơn mà giá bán cũng cao hơn. Do được người tiêu dùng ưa chuộng nên hầu hết các hộ nuôi vịt thả đồng không lo đầu ra. Để bảo đảm nguồn cung khi mùa vịt thả đồng kết thúc, nhiều hộ đã nuôi theo hướng VietGAP. Tuy nhiên hiện nay, giá vịt nuôi theo hình thức này chưa có tính cạnh tranh cao so với vịt nuôi công nghiệp khiến nhiều hộ gặp không ít khó khăn. Họ mong có những chính sách cụ thể để hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng, bảo vệ thương hiệu vịt thả đồng.