Chạy đua thời gian giải ngân vốn đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công của cả nước tính đến cuối tháng 11 mới chỉ đạt 54,8% kế hoạch. Đây là con số thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và gây ra lo ngại về việc đạt mục tiêu giải ngân 95% vào cuối năm.
Điều này đòi hỏi sự quyết liệt, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương và chủ đầu tư trong việc thúc đẩy giải ngân những tháng còn lại của năm.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn giải ngân đầu tư công của cả nước mới chỉ đạt 410.953 tỷ đồng, tương đương 54,8% kế hoạch năm, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù có một số bộ ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt mức bình quân chung nhưng vẫn còn rất nhiều nơi có tỷ lệ giải ngân thấp. Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội dù được giao kế hoạch lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh được giao hơn 79.263 tỷ đồng vốn đầu tư công nhưng mới chỉ giải ngân được 22,52% trong khi Hà Nội mới đạt 55,33%.
Thành phố Hà Nội nhận định: Với kết quả giải ngân hiện nay, áp lực về khối lượng công việc và số vốn phải giải ngân trong tháng cuối năm là rất lớn. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các đơn vị đã giải ngân tốt tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao hiệu quả thực hiện. Với các đơn vị giải ngân chậm phải khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, thực hiện mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Còn chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư và các quận, huyện phải thực hiện đợt cao điểm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; kiên trì bám sát mục tiêu giải ngân theo kế hoạch. Các cơ quan chủ quản cũng chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện giải ngân đúng tiến độ.
Theo các chuyên gia kinh tế đầu tư công đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, có tác động lan tỏa lớn đối với nền kinh tế. Những dự án này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế mà còn tạo ra không gian phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, các dự án trọng điểm quốc gia trong ngành giao thông như các tuyến cao tốc và các dự án quốc gia khác cũng đang gặp phải vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nguyên vật liệu và sự không đồng bộ trong quản lý giá vật liệu đã gây khó khăn trong việc triển khai các dự án này. Đặc biệt, các dự án lớn liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông đang phải đối mặt với vấn đề về tiến độ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Năm 2024, được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công giải ngân là 71.288 tỷ đồng, trong 11 tháng của năm 2024, giải ngân của Bộ ước đạt 51.200 tỷ đồng, đạt gần 68% so với kế hoạch năm. Nhưng, để đáp ứng nhu cầu vốn triển khai các dự án, Bộ Giao thông Vận tải được giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 và giao bổ sung 2.954 tỷ đồng cho các dự án nhóm B (dự án có tổng mức đầu tư từ 120 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng) bị thiếu vốn. Do đó, tổng kế hoạch vốn năm 2024 của bộ là 75.482 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư của năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua vẫn chưa đạt như mong muốn do có nhiều nguyên nhân như: giải phóng mặt bằng và hồ sơ, thủ tục liên quan đến khởi công dự án gặp khó khăn… Để đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công vào cuối năm, các bộ ngành, địa phương và chủ đầu tư cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa.
Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho hay, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; trong đó, đề nghị thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính đã yêu cầu hệ thống Kho bạc Nhà nước chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị sẵn sàng tiếp nhận giải ngân vốn được thuận tiện, nhanh chóng; 100% thủ tục hành chính đã được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia; 100% số đơn vị giao dịch thuộc đối tượng triển khai đã tham gia dịch vụ công; số lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước qua dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ trên 99,6%.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản gửi tới các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ công khai tình hình giải ngân của các dự án không giải ngân được của các địa phương. Hàng quý, công khai tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; công khai tiến độ giải ngân chi tiết trên 80 dự án, tiểu dự án trọng điểm giao thông kèm theo các giải pháp đôn đốc.
Thời gian giải ngân của năm 2024 chỉ còn rất ngắn, do đó Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm 2024, Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024 về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hàng năm tại các bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu..., Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc...