Chặt đứt vòi tham nhũng, củng cố niềm tin

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đang được thực hiện với quyết tâm mạnh mẽ và hướng đi đúng đắn. Những nỗ lực này đã mang lại chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Kết quả đạt được đã tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khẳng định cam kết bảo vệ lợi ích chung và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.

THANH TÙNG trình bày ảnh.

1. Báo cáo trước Quốc hội ngày 26-11, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 956 vụ tội phạm về tham nhũng và chức vụ, tăng 20,55% so với năm 2023. Đây là con số phản ánh sự phức tạp, tinh vi của loại tội phạm này, đồng thời khẳng định tính hiệu quả, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, với nguyên tắc xuyên suốt “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tỷ lệ tăng hơn 20% số vụ tham nhũng được phát hiện trong năm nay so với năm trước là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công cuộc làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Chạm mốc gần 1.000 vụ, con số này là một chỉ dấu rõ nét cho thấy các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ và thực chất. Việc phát hiện và xử lý ngày càng nhiều vụ án tham nhũng là tín hiệu tích cực, cho thấy rõ những nỗ lực đã vượt qua những rào cản cố hữu.

Thực tế, tham nhũng vốn là vấn đề mang tính hệ thống và có xu hướng ngày càng tinh vi. Những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi đã len lỏi vào các cấp, các ngành, nhất là các lĩnh vực quan trọng, gây tổn thất lớn về kinh tế và làm suy giảm niềm tin của Nhân dân. Vì vậy, các cơ quan chức năng, một mặt đấu tranh phát hiện những vụ việc nổi cộm, mặt khác đã mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra, điều tra để loại bỏ các hình thức tham nhũng tiềm ẩn. Việc số vụ án tham nhũng gia tăng không phải là dấu hiệu của sự gia tăng loại tội phạm này, mà là minh chứng cho sự quyết liệt, sát sao trong công tác kiểm soát và xử lý.

2. Trong năm 2024, hàng loạt cán bộ cấp cao, kể cả những người đã nghỉ hưu cũng đã bị khởi tố điều tra, bị xử lý kỷ luật vì liên quan đến các vụ án tham nhũng. Điều này càng khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và làm trong sạch bộ máy. Không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, bất kể người vi phạm là ai, giữ chức vụ gì hay có đóng góp trước đây ra sao. Tư tưởng này đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt, tạo nên sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ từ phía Nhân dân.

Cũng trong năm qua, chúng ta chứng kiến những chuyển biến rõ nét trong hệ thống các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Từ việc cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch trong quy trình ra quyết định, đến việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan, tổ chức. Những vụ việc được phát hiện đã cho thấy nỗ lực của cơ quan chức năng cùng với sự tham gia tích cực của quần chúng Nhân dân. Nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm đấu tranh với tham nhũng đã được nâng cao.

Một điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng là việc kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và xử lý. Trong đó, phòng ngừa đóng vai trò then chốt, giúp giảm thiểu những điều kiện, cơ hội để tham nhũng phát sinh. Các biện pháp như minh bạch hóa tài sản, thu nhập của cán bộ; cải tiến quy trình kiểm soát quyền lực; hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Kể cả việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, trong đó có những vụ việc liên quan đến cán bộ cấp cao.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác phòng, chống tham nhũng. Việc công khai thông tin về các vụ án tham nhũng lớn, cùng những hình thức xử lý nghiêm khắc đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tạo sức ép buộc các cơ quan, tổ chức phải chủ động hơn trong việc phòng ngừa vi phạm. Báo chí đã trở thành kênh giám sát hiệu quả, giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân.

Dẫu vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn đối mặt với không ít thách thức. Tham nhũng vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức phức tạp, khó lường, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt hơn nữa giữa các cơ quan chức năng. Đồng thời, việc bảo vệ những người tố cáo tham nhũng cũng cần được chú trọng, nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội.

3. Từ thực tế đã khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang triển khai đã mang lại những kết quả cụ thể, thể hiện tính đúng đắn, hiệu quả của đường lối, chính sách. Đây vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là sứ mệnh lâu dài, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, vì lợi ích của Nhân dân. Những nỗ lực này là lời cam kết đang được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, mạnh mẽ, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, yêu cầu về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính càng trở nên cấp thiết. Công tác phòng, chống tham nhũng vì thế đã trở thành vấn đề nội tại có yếu tố quan trọng để nâng cao uy tín quốc gia, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh. Hơn cả một chiến lược, đây là sự khẳng định bản lĩnh chính trị và khát vọng xây dựng một Việt Nam phát triển, thịnh vượng và trường tồn.

Với những gì đã đạt được và định hướng rõ ràng trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả to lớn. Bằng sự đồng lòng, quyết tâm và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ làm trong sạch bộ máy nhà nước, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường phát triển bền vững của đất nước.

TRỌNG NGHĨA

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/ban-luan/chat-dut-voi-tham-nhung-cung-co-niem-tin-23333.html
Zalo