Chàng trai trẻ hồi sinh nhờ thận hiến từ mẹ

Đôi chân yếu không thể đi lại vì hệ lụy từ suy thận khiến chàng trai trẻ P.T.H 24 tuổi trở thành gánh nặng của gia đình. Tuy nhiên, việc ghép thành công quả thận hiến từ mẹ ruột đã hồi sinh cuộc đời H.

Hồi sinh nhiều cuộc đời nhờ ghép thận

Chiều 26/9, BV Đa khoa Đức Giang chia sẻ về ca ghép thận thành công từ nguồn tạng hiến của người thân. Đó là chàng trai trẻ P.T.H (24 tuổi) bị viêm cầu thận, dẫn tới suy thận từ khi mới rời khỏi ghế nhà trường. Sức khỏe yếu, H. nhiều lần phải nhập viện vì hai chân không thể đi lại.

Chàng trai trẻ P.T.H bên mẹ sau ca ghép thận thành công. (Ảnh T.L).

Chàng trai trẻ P.T.H bên mẹ sau ca ghép thận thành công. (Ảnh T.L).

Hai mẹ con H sống trọ cạnh Đại học Công nghiệp Hà Nội, ngày ngày chị D (mẹ của H) đi làm nghề là thuê quần áo cho xưởng may gần đó để có thời gian chăm con. Năm 2023, chị biết chỉ có ghép thận mới giúp con trai khỏe mạnh trở lại, nhưng chị nấn ná vì kinh tế gia đình quá eo hẹp.

Năm 2024, chị D quyết tâm phải cứu sống con mình bằng mọi giá, dù phải bán nhà. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài sự chăm sóc tận tình về mặt chuyên môn, Ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã hỗ trợ kinh phí cho ca ghép của H.

H là bệnh nhân thứ 3 tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang vừa được ghép thận thành công. Khỏe mạnh sau ca ghép, H chia sẻ: "Cháu sẽ cố gắng giữ gìn khỏe mạnh, giữ quả thận tốt để có sức khỏe giúp mẹ. Cháu muốn từ nay trở đi mẹ sẽ không phải làm những việc nặng nhọc nữa". Hai tuần sau ghép, cả hai mẹ con đều khỏe mạnh và chờ xuất viện.

Trước H, chị N.T.B.H, 26 tuổi, Tuyên Quang cũng vừa ghép thận thành công với quả thận được hiến từ người mẹ đẻ của mình. H được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối từ đầu năm 2022 và phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần từ tháng 3/2022. Sau thời gian sàng lọc và điều trị trước ghép, bệnh nhân được ghép thận thành công bởi các phẫu thuật viên của Bệnh viện đa khoa Đức Giang, dưới sự giám sát của các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.

Theo các bác sĩ, thách thức đặt ra ở ca ghép này là người mẹ tương đối nhiều tuổi và thể trạng nhỏ hơn so với người nhận nên nguy cơ chức năng thận ghép khó đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sau ghép, sức khỏe cả người cho và người nhận hoàn toàn ổn định, chức năng thận ghép và các chỉ số cận lâm sàng trong giới hạn bình thường và nhanh chóng hồi phục, trở về với cuộc sống thường ngày.

Tình trạng suy thận giai đoạn cuối khiến L.B.C (19 tuổi, ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đang làm công nhân công nhân giày da ở khu công nghiệp Lễ Môn suy sụp. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đức Giang tư vấn cho anh về các phương pháp ghép thận thay thế thận suy.

Sau khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc người hiến thận là các thành viên trong gia đình, mẹ đẻ phù hợp để ghép cho C. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi. Sau ghép, sức khỏe của cả C. và mẹ đều tiến triển tốt. "Tôi rất vui mừng khi đã được ghép thận thành công, giờ đây không còn phải mệt mỏi vì chạy thận cũng như hao tốn tiền bạc, tinh thần, sức khỏe nữa, ca phẫu thuật thành công đã mang đến cho tôi hy vọng về cuộc sống mới", C nói.

Mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân suy thận

Ngày 8/9/2024, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho một bệnh nhân nữ ở Tuyên Quang.

Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận và làm chủ được kỹ thuật ghép thận được hướng dẫn đào tạo chuyển giao từ các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.

TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận-Tiết niệu cho biết, để có thể duy trì sự sống thì cứ cách một ngày bệnh nhân phải đến bệnh viện lọc máu một lần. Dù được lọc máu thường xuyên, sức khỏe những người bệnh cũng chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, còn việc tham gia lao động, công tác, học tập là rất khó. Đối với những bệnh nhân này, nếu được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường.

Chia sẻ về khó khăn và thuận lợi của lần đầu tiên thực hiện ghép thận tại bệnh viện, theo TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, "sau gần 3 tuần thực hiện các ca ghép đầu tiên (các ngày 8, 11, 13/9), các bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt. Rất may mắn là chúng tôi triển khai các ca ghép đều suôn sẻ, chưa phải triển khai cuộc hội chẩn nào để xử trí vấn đề phát sinh sau ghép".

Hiện tại, khoa Nội thận - Tiết niệu Bệnh viện đa khoa Đức Giang có gần 170 bệnh nhân, mỗi ngày có 80 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chia làm 3 ca đang chạy thận nhân tạo chu kỳ. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém. Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tôi được biết, tuần tới bệnh viện sẽ ghép thận cho 2 trường hợp nữa. Mới khởi đầu nhưng chỉ trong một tháng, bệnh viện thực hiện được 5 ca ghép thận, thể hiện được tốc độ rất nhanh và kỹ thuật tốt. Sau những ca ghép cùng huyết thống, tới đây tôi hy vọng bệnh viện sẽ có thêm nhiều thành công trong ghép thận từ nguồn hiến khác và có thêm nhiều ca ghép những tạng khác.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chang-trai-tre-hoi-sinh-nho-than-hien-tu-me-192240926162539106.htm
Zalo