Chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Những điều cần lưu ý

Chấm thi là một trong những 'công đoạn' quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng suốt quá trình học tập của học trò.

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đoàn thanh tra, kiểm tra chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: ITN

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đoàn thanh tra, kiểm tra chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: ITN

Với gần hai mươi năm công tác, được điều động đi làm nhiệm vụ chấm thi, chấm phúc khảo môn Ngữ văn nhiều năm ở các kỳ thi, tôi và nhiều đồng nghiệp đều rút ra được một số kinh nghiệm quý giá cho việc kiểm tra, đánh giá.

Trong đó, kinh nghiệm về việc làm thế nào để chấm đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác, chất lượng cho học trò là đáng quý nhất.

Vì sao có hiện tượng “chấm chặt”, “chấm lỏng”?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của học sinh, mà còn là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển – một trong năm dạng xét tuyển đại học phổ biến nhất hiện nay.

Do đó, đây là một trong những kỳ thi có tầm quan trọng lớn đối với các sĩ tử. Cũng vì vậy, công tác tổ chức kỳ thi, trong đó có khâu chấm thi cần có kế hoạch triển khai cẩn trọng và chu đáo.

Chấm thi là một trong những “công đoạn” quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng suốt quá trình học tập của học trò, đặc biệt là trong kỳ thi cuối cùng – Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong kỳ thi này, các môn đều được kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan (ngoại trừ môn Ngữ văn) nên việc chấm thi cơ bản chính xác, ít xảy ra sai sót.

Tuy nhiên, với môn thi Ngữ văn sau mỗi đợt chấm thi xuất hiện ý kiến “chấm chặt” (chấm đắt) và “chấm lỏng” (chấm thoáng). Từ đây gây dư luận không tốt về phổ điểm thi trung bình của môn học giữa địa phương này với địa phương khác. Vì sao lại có hiện tượng như thế khi chấm thi môn Ngữ văn?

Một trong những nguyên tắc của kiểm tra, đánh giá là phải khách quan, chính xác, công bằng, chất lượng. Tuy nhiên, các tác phẩm văn chương với đặc trưng có tính đa nghĩa nên để định lượng được điểm chấm là không thể. Hiện cấu trúc đề thi môn Ngữ văn thay đổi rất nhiều so với trước đây.

Nếu như trước đây, đề thi môn Ngữ văn không có phần thi kiểm tra đọc hiểu – phần thi, thí sinh có thể đạt điểm tối đa khi chỉ phải trả lời ngắn gọn bốn câu hỏi với mức độ nội dung đơn giản thì nay trong đề thi đã có thêm phần này.

Đây là phần thi, giám khảo khi chấm có thể định lượng được điểm thi tương đối chính xác. Do đó, biện độ chênh lệch điểm giữa các giám khảo được rút ngắn, thậm chí 2 câu hỏi ở mức độ nhận biết gần như không có sự chênh lệch điểm giữa các giám khảo.

Song bên cạnh phần thi này, trong đề thi còn có phần thi làm văn với hai câu: Một câu viết đoạn văn nghị luận xã hội, một câu viết bài văn nghị luận văn học. Hai câu hỏi này, đặc biệt là câu phân tích, cảm nhận về vấn đề nào đó trong đoạn trích của một tác phẩm văn học là không thể định lượng được.

Về cơ bản, giám khảo chấm phần thi này không chỉ bám vào đáp án mà còn phải bằng năng lực cảm thụ thiên về cảm tính, chủ quan để đánh giá. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng “chấm chặt”, “chấm lỏng” trong một bài thi, tạo ra sự chênh lệch điểm thi giữa các giám khảo. Ngoài ra, quan niệm, cảm nhận vấn đề khác nhau của mỗi giám khảo cũng tạo dẫn đến chênh lệch điểm đáng kể.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu)kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: ITN

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Du (Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu)kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: ITN

Cách nào để hạn chế thấp nhất?

Trước hết, giám khảo cần nắm rõ trong câu viết đoạn văn nghị luận xã hội, hướng dẫn chấm, đáp án như sau: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ (0,25 điểm); xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm); thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được vấn đề bàn luận (1.0 điểm); sáng tạo (0,25 điểm); chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm).

Để tránh có sự chênh lệch điểm lớn, các giám khảo phải nắm chắc số điểm cho từng yêu cầu cụ thể trên. Cùng đó, giám khảo còn phải nắm vững bản hướng dẫn chấm cho từng yêu cầu nhỏ. Sau đó, giám khảo mới bắt đầu đọc kỹ đoạn văn để chấm theo tinh thần thống nhất của hội đồng.

Tiếp đến, trong đề thi là câu viết bài văn nghị luận văn học. Giám khảo cũng cần nắm chắc phần đáp án và hướng dẫn chấm. Cụ thể: Bảo đảm cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm); xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm); triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt thao tác lập luận, kết hợp lý lẽ và dẫn chứng (3,5 điểm); sáng tạo - có cách diễn đạt sáng tạo, suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận (0,5 điểm); chính tả, dùng từ, đặt câu - đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm). Từ đó, giám khảo đọc kỹ và nắm vững những lưu ý trong phần hướng dẫn chấm cho từng yêu cầu nhỏ ở trên.

Tuy nhiên, một trong những quy tắc quan trọng của chấm văn là tránh máy móc đếm ý cho điểm nên giám khảo phải thật sự linh hoạt trong quá trình làm việc. Và nếu tất cả giám khảo đều lưu tâm cẩn trọng, thống nhất được quy trình chấm, hướng chấm như trên thì rõ ràng hiện tượng “chấm chặt”, “chấm lỏng”, “chấm đắt”, “chấm rẻ” sẽ được giải quyết phần nào.

Ngoài ra, để điểm một bài thi chênh lệch không lớn thì quan điểm chấm thi cũng cần có sự đồng nhất trước khi chấm. Đó là trong quá trình chấm chung, các giám khảo cần tập trung lắng nghe hướng dẫn của tổ trưởng đồng thời cần trao đổi, phản biện để đi đến thống nhất về đáp án cũng như quan điểm chấm. Theo tôi, quan điểm chấm ở đây cần xuất phát từ việc xem xét các phương diện của kỳ thi như: Đối tượng dự thi, tính chất, mục đích của kỳ thi…

Bên cạnh đó, với những quy định nghiêm ngặt, khoa học như tổ chức chấm thi hai vòng độc lập, có sự trao đổi, thống nhất giữa hai giám khảo sau khi chấm; quy trình xử lý điểm lệch khách quan, khoa học; chấm thanh tra kiểm tra… sẽ góp phần xóa đi khái niệm “chấm chặt”, “chấm lỏng” đối với môn Ngữ văn.

Một số mong muốn, đề xuất

Thông thường, các hội đồng thi trước lúc bước vào chấm chính thức ở các tổ, nhóm đã họp hướng dẫn chấm theo quy trình: Chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội đồng triển khai các văn bản chỉ đạo chung; trưởng bộ môn hướng dẫn đến tổ trưởng tổ chấm; tổ trưởng hướng dẫn chấm đến từng giám khảo; các giám khảo trao đổi thống nhất đáp án, hướng dẫn chấm và tiến hành chấm chung. Đây là quy trình khoa học, bài bản.

Tuy nhiên, thời gian triển khai thường kết hợp trong một buổi khai mạc với nhiều nội dung nên quá trình trao đổi, thống nhất đáp án, hướng dẫn chấm không được nhiều. Do đó, thiết nghĩ cần tổ chức tập huấn kỹ hơn trước chấm cho cả tổ trưởng và các thành viên giám khảo (trong một ngày). Tập huấn kỹ thì sai sót trong quá trình chấm sẽ được khắc phục tốt hơn, quan trọng nữa là tạo được sự thống nhất cao giữa các giám khảo.

Học sinh Nam Định đã hoàn thành khâu ôn thi để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Đình Tuệ

Học sinh Nam Định đã hoàn thành khâu ôn thi để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Đình Tuệ

Chấm thi môn Ngữ văn là công đoạn đầy vất vả và áp lực đối với mỗi giám khảo. Nhất là thời điểm chấm thi diễn ra trong những ngày hè nắng nóng nên sự vất vả, áp lực càng nhân lên.

Vì vậy, tạo điều kiện tốt nhất về tinh thần, vật chất cho đội ngũ được cử đi làm công tác chấm thi cũng là mong muốn chính đáng. Đó là, các hội đồng chấm thi cần chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất cho về nơi ăn chốn nghỉ, phòng chấm, trong đó vấn đề ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu.

Một mong muốn chính đáng nữa của giáo viên được điều động đi chấm thi là cần có chính sách thanh toán công tác phí đặc thù, cao hơn so với công việc khác; đồng thời việc chi trả tiền chấm thi cần phải được điều chỉnh theo từng năm học.

Hiện tại, thanh toán việc chấm thi theo số lượng bài chấm và còn thấp; mức chi trả thường kéo dài trong cả chục năm mà vẫn không được điều chỉnh gây ra nhiều bất cập. Cần công khai minh bạch các chính sách chi trả, hỗ trợ đối với các thành viên tham gia hội đồng chấm thi.

Chi trả làm sao xứng đáng đối với công việc đặc thù, để từ đó xóa bỏ tâm lý “sợ”, “ngại”, thâm chí là chán nản của đa số giáo viên khi được điều động đi làm nhiệm vụ chấm thi.

Ngoài ra, việc giải quyết, thanh toán các chế độ sau chấm thi còn chậm, có địa phương mãi cuối năm học tiếp theo mới nhận được chế độ công tác phí cũng khiến giáo viên không hài lòng… Đi làm nhiệm vụ chấm thi vừa là trách nhiệm vừa là niềm tự hào nhưng nếu chi trả chế độ không hợp lý thì niềm tự hào sẽ thành… nỗi tủi thân.

Như trên đã chia sẻ về sự áp lực, căng thẳng của nhiệm vụ chấm thi nên những giám khảo được cử đi cần được đảm bảo tốt nhất về mặt sức khỏe. Cần có quy định, ưu tiên đặc biệt vì đây là nhiệm vụ quan trọng tầm quốc gia. Cụ thể, giám khảo được cử đi chấm thi nếu ở xa cần được bố trí chỗ ăn nghỉ tập trung, gần địa điểm chấm để tạo điều kiện thuận lợi về việc đi lại, nghỉ ngơi.

Các phòng chấm, ngoài đảm bảo về an ninh an toàn cần chú ý đảm bảo thêm về không gian. Vì thực tế, một phòng chấm thường có nhiều giám khảo. Ngoài ra, cần chọn địa điểm chấm thoáng mát, tốt nhất các phòng chấm có điều hòa…

Thời điểm các thầy cô đã nhận nhiệm vụ chấm thi. Với quy trình chấm khoa học, chặt chẽ, đặc biệt với bộ môn Ngữ văn nếu chúng ta làm tốt các vấn đề ở trên, tôi tin chắc rằng, việc chấm thi sẽ đảm bảo khách quan, công bằng tuyệt đối cho thí sinh ở tất cả hội đồng thi trên cả nước.

Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghi Lộc – Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cham-thi-tot-nghiep-thpt-mon-ngu-van-nhung-dieu-can-luu-y-post689333.html
Zalo