Cha mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành cùng con
12 năm học chỉ gói gọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thế không ít em tỏ ra buồn bã, lo lắng khi không làm được bài. Những lúc như thế chính cha mẹ là những người cần chia sẻ, lắng nghe và động viên các em.

Cha mẹ hãy luôn đồng hành cùng con.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là kết quả của cả quá trình nỗ lực của các sĩ tử suốt 12 năm đèn sách, mang theo nhiều hy vọng về tương lai tươi sáng với cánh cổng trường đại học rộng mở. Bên cạnh những niềm vui sau mỗi kỳ thi thì cũng có nhiều trường hợp học sinh không đạt kết quả như mong đợi dẫn đến tình trạng nhiều em bị sốc, cảm thấy thất vọng về bản thân, lo sợ làm bố mẹ buồn nên tâm lý dễ suy sụp.
Chị Nguyễn Thanh Thảo ở phường Phan Thiết (tỉnh Lâm Đồng) những ngày qua trăn trở, lo lắng vì sắp đến ngày công bố kết quả thi THPT của con gái. Chị chia sẻ ngay sau khi hoàn thành các bài thi, con đã nói làm bài không tốt và rất lo lắng về điểm thi của mình. “Tôi từ trước đến nay chưa bao giờ đặt áp lực điểm số lên con, con chỉ cần học đúng với năng lực của con, không cần phải là giỏi nhất. Thực tế tôi cũng không quá quan trọng việc con có vào được đại học tốp đầu hay không nhưng con lại đặt kỳ vọng khá nhiều. Vì vậy, từ ngày thi về con thường buồn, ít nói chuyện với gia đình nên tôi càng lo lắng hơn”.
Đây có lẽ là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh, đặc biệt hơn với những thí sinh và gia đình có kết quả không được như ý, ngoài những cảm giác lo âu, hồi hộp, căng thẳng còn có thêm sự hụt hẫng, buồn bã... Đây là thời điểm những cảm xúc của cha mẹ và con cái dễ xung đột tạo ra những mâu thuẫn. Trong thực tế cho thấy có những bậc phụ huynh chỉ vì kết quả thi cử của con cái không được như kỳ vọng đã không tiếc lời trách móc, thậm chí xúc phạm và coi con là “đồ bỏ đi”. Điều này gây nên những tổn thương tâm lý hết sức nặng nề đối với những đứa trẻ. Và đã có không ít trường hợp các em đã chọn những cách thức tiêu cực như bỏ nhà đi, hay nặng nề hơn là tự tử. Đó là hệ quả liên quan đến từ áp lực học hành, thi cử và đôi khi đến từ chính cha mẹ, gia đình.
Lắng nghe và chia sẻ chính là sợi dây kết nối để cha mẹ và con thêm hiểu nhau hơn. Dành thời gian lắng nghe con trẻ và dành những lời khích lệ sẽ giúp con cảm thấy thoải mái và đỡ áp lực hơn. Những câu nói như “dù kết quả có thế nào thì con cũng đã cố gắng hết sức, cha mẹ tự hào về điều đó” hay “con làm bài không được có thể do đề thi ở mức độ cao, cứ bình tĩnh chờ kết quả con nhé” sẽ giúp các em đỡ căng thẳng.
Và sau khi biết được kết quả của kỳ thi, dù điểm thấp hay cao, thay vì trách mắng, thất vọng vì kết quả không đạt như kỳ vọng, cha mẹ hãy chia sẻ với con, để con nói ra những cảm xúc, trở thành chỗ dựa tinh thần cho con. Điều quan trọng nhất là hãy cùng con tìm kiếm giải pháp. Cha mẹ hãy để con chia sẻ những mong muốn, sở thích và đam mê của con, để từ đó tìm những mục tiêu tiếp theo, để con hiểu việc thi cử và thành công trong thi cử chỉ là một cột mốc trong cuộc đời. Thành công hay thất bại của kỳ thi này không đồng nghĩa với việc cuộc đời con sẽ thành công hay thất bại.