Cha mẹ cần làm gì để đồng hành với con vượt qua khủng hoảng tâm lý thi cử?

Sau mỗi kỳ thi, khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận không ít trẻ đến khám và điều trị những khủng hoảng tâm lý khác nhau. Việc gia đình phát hiện sớm bất thường tâm lý của con rất quan trọng để gia đình và bác sĩ đồng hành giúp con vượt qua những khủng hoảng này.

(Ảnh minh họa: BÁO NHÂN DÂN)

(Ảnh minh họa: BÁO NHÂN DÂN)

Vừa qua, một nữ sinh ở tỉnh Thanh Hóa đã chọn chấm dứt cuộc sống sau khi thi trượt vào lớp 10, khiến gia đình, người thân và cộng đồng vô cùng đau lòng và xót xa.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương – Phụ trách khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trên thực tế, sau mỗi kỳ thi, khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận không ít trẻ đến khám và điều trị những khủng hoảng tương tự.

"Các em học sinh đã phải chịu áp lực, căng thẳng trong suốt quá trình ôn thi. Khi kết quả thi không như mong đợi, các em sẽ chán nản và có các phản ứng như buồn bã, căng thẳng, lo âu, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Trường hợp nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, thậm chí có ý định tự sát", bác sĩ Hương cho biết.

Do đó, cha mẹ có sự so sánh, khiển trách, hay có ánh mắt thất vọng hoặc sự lạnh lùng dành cho con… sẽ càng làm tăng thêm sự chán nản và để lại chấn thương tâm lý lâu dài cho trẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương khuyến cáo, sau mỗi kỳ thi, nếu con có kết quả thi không như kỳ vọng, gia đình nên nhẹ nhàng chấp nhận thực tế. Cha mẹ cần giữ tâm lý bình tĩnh trước việc các cha mẹ khác kể về thành tích của con trên mạng xã hội, không phán xét, so sánh kết quả điểm số của con với các bạn khác.

Trong trường hợp này, cha mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành, lắng nghe, động viên và thấu hiểu con. Cha mẹ có thể tạo cảm giác an toàn cho trẻ bằng cách hỏi han con: “Con cảm thấy thế nào?’, “Con có muốn nói gì về kỳ thi không?”, “Bố mẹ luôn ở đây bên cạnh con”. Những câu hỏi này sẽ giúp trẻ hiểu rằng cha mẹ không thất vọng, không áp đặt, mà đang sẵn sàng cùng con vượt qua những cảm xúc tiêu cực.

Đồng thời, cha mẹ nên chia sẻ với con rằng thất bại cũng là một cách để trưởng thành, ai cũng từng vấp ngã trong đời, quan trọng là con đứng lên sau vấp ngã và không bỏ cuộc.

Bác sĩ Hương nhấn mạnh, mỗi đứa trẻ có một tiềm năng riêng, vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ phát huy các thế mạnh của bản thân, trân trọng giá trị của chính mình và tiếp tục bước đi trên một con đường mới với nhiều điều đẹp đẽ còn đang chờ phía trước.

"Những cái ôm, lời yêu thương và cả lời chúc mừng, cảm ơn vì những nỗ lực của con trong thời gian qua sẽ có sức mạnh rất lớn giúp con cảm thấy gia đình luôn là điểm tựa, giúp con quên đi nỗi thất vọng, cảm thấy vui vẻ và nhẹ nhõm hơn", bác sĩ chia sẻ.

Với sự đồng hành của các bác sĩ, nhiều gia đình phát hiện con có bất thường tâm lý, đến khám và điều trị sớm đã giúp trẻ vượt qua được những stress và suy nghĩ tiêu cực.

Bác sĩ Hương cũng chia sẻ về một lá thư rất xúc động của nữ sinh trẻ. Bác sĩ muốn chia sẻ lá thư này, như một lời động viên với các bạn trẻ và các gia đình: "Khi viết những dòng này con đang ngồi trong phòng bệnh với một trái tim đã lành lặn hơn xưa. Nay – là ngày con trở về. Đây là lần thứ hai con nằm ở khoa mình và lần nào cũng tháo được “lớp băng máu” đã giam cầm trái tim con. Con không nghĩ bác sĩ và nhà tâm lý là thần tiên, nhưng họ rất tuyệt vời vì đã cho con một không gian, môi trường chữa lành ấm cúng đến thế. Cảm ơn những người đã lặng lẽ ôm trọn lấy con".

Chuyên gia này nhấn mạnh, việc không hoàn thành tốt một nào đó chỉ là một cú vấp ngã mà bất cứ ai trong cuộc sống đều có thể trải qua. Kỳ thi mỗi năm đều có, nhưng cuộc đời của mỗi người thì chỉ có một.

Thay vì đề cao thành tích, trong thời đại công nghệ số ngày nay, khả năng thực hành, ứng dụng thực tiễn, các kỹ năng mềm như: tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng tự học, kỹ năng giao tiếp, hợp tác và trí tuệ cảm xúc mới là những yếu tố quan trọng và bền vững, tạo nền tảng cho cuộc sống thành công và trọn vẹn.

Vì thế, cha mẹ cần là người nhìn ra những dấu hiệu bất thường về tâm lý của con để kịp thời động viên, đồng hành và tìm tới sự trợ giúp của các bác sĩ tâm lý khi cần thiết để giúp các con vượt qua khủng hoảng tâm lý, thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực.

MẠNH TRẦN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cha-me-can-lam-gi-de-dong-hanh-voi-con-vuot-qua-khung-hoang-tam-ly-thi-cu-post895197.html
Zalo