CEO Nvidia hé lộ bí kíp dùng nhiều AI để có câu trả lời tốt nhất
Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, hé lộ ông dùng trí tuệ nhân tạo (AI) giống như cách một bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến từ nhiều bác sĩ về chẩn đoán y tế của mình.
"Khi nhận được một câu trả lời từ AI, tôi sẽ không chỉ đơn thuần tiếp nhận nó. Thường thì tôi sẽ hỏi lại: Bạn có chắc đây là câu trả lời tốt nhất có thể cung cấp hay không?", ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân) chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Fareed Zakaria GPS của đài CNN.
Fareed Zakaria GPS là chương trình truyền hình chuyên sâu về chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế do nhà báo và học giả nổi tiếng Fareed Zakaria dẫn dắt.
Jensen Huang cho biết không dựa vào một AI duy nhất để tìm kiếm câu trả lời. Thay vào đó, tỷ phú 62 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan sử dụng nhiều AI và để chúng phản biện lẫn nhau.
"Điều này cũng không khác gì việc bạn tham khảo ba ý kiến khác nhau từ ba bác sĩ. Tôi làm y như vậy. Tôi hỏi cùng một câu với nhiều AI khác nhau, rồi yêu cầu chúng so sánh các câu trả lời với nhau và đưa ra đáp án tốt nhất trong tất cả", ông nói thêm.
Tại Hội nghị toàn cầu thường niên lần thứ 28 của Viện Milken hồi tháng 5, Jensen Huang kể rằng ông sử dụng AI "như một gia sư mỗi ngày".
"Với những lĩnh vực còn khá mới mẻ với bản thân, tôi sẽ nói: 'Hãy bắt đầu giải thích cho tôi như thể tôi là đứa trẻ 12 tuổi', rồi dần dần nâng cấp lên đến trình độ tiến sĩ theo thời gian", Giám đốc điều hành Nvidia nói.
Jensen Huang cho rằng khả năng thu thập, phân tích và truyền đạt thông tin nhanh chóng của AI có thể giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ (rút ngắn sự chênh lệch giữa người không am hiểu công nghệ với dân chuyên - PV).
“Trong căn phòng này, rất ít người biết lập trình bằng C++. Thế nhưng, 100% các bạn đều có thể lập trình với AI, vì công nghệ này sẽ nói bất kỳ ngôn ngữ nào bạn muốn”, ông cho hay.
Ở cuộc phỏng vấn với tạp chí Wired năm 2024, Jensen Huang tiết lộ ông dùng Perplexity AI và ChatGPT gần như mỗi ngày để nghiên cứu. “Ví dụ, khám phá thuốc dựa trên máy tính. Có thể bạn muốn biết những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực này. Bạn cần xác định chủ đề tổng thể, rồi xây dựng một khung kiến thức cơ bản. Từ đó, bạn có thể đào sâu vào các câu hỏi hoặc phần chi tiết hơn. Tôi thực sự thích điểm này ở các mô hình ngôn ngữ lớn”, lãnh đạo Nvidia chia sẻ với Wired.

Jensen Huang hé lộ ông sử dụng AI giống như cách một bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến từ nhiều bác sĩ về chẩn đoán y tế của mình - Ảnh: Getty Images
Cách CEO Microsoft, OpenAI và Apple dùng AI
Jensen Huang không phải là giám đốc điều hành hãng công nghệ duy nhất sử dụng AI trong công việc hằng ngày.
Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg hồi tháng 5 rằng ông dùng Microsoft Copilot để tóm tắt email và chuẩn bị cho các cuộc họp.
Satya Nadella cho biết thích podcast nhưng không nghe trực tiếp. Thay vào đó, ông tải bản ghi lại nội dung podcast lên ứng dụng Copilot trên smartphone để có thể thảo luận cùng trợ lý giọng nói này trong lúc di chuyển đi làm.
Khi đến trụ sở Microsoft ở bang Washington (Mỹ), Satya Nadella dùng Copilot để tóm tắt các tin nhắn trên Outlook và Teams. Ông còn sử dụng ít nhất 10 tác tử AI tùy chỉnh từ Copilot Studio để chuẩn bị cho các cuộc họp và nghiên cứu.
"Tôi gần như chỉ là một người chuyên gõ email", doanh nhân 57 tuổi người Mỹ gốc Ấn Độ nói.
Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.
Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI – công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT, cũng dùng AI để đơn giản hóa công việc cá nhân. Trên podcast ReThinking của nhà tâm lý học Adam Grant hồi tháng 1, Sam Altman thừa nhận: “Thành thật mà nói, tôi dùng AI theo những cách rất nhàm chán”. Ông cho biết AI hỗ trợ mình xử lý email, tóm tắt tài liệu và cả việc làm cha.
Trong một podcast gần đây của OpenAI, doanh nhân 40 tuổi người Mỹ nói rằng ông sử dụng AI “liên tục” sau khi đón con đầu lòng vào tháng 2.
“Rõ ràng là từ xưa đến nay, người ta vẫn nuôi con mà không cần ChatGPT. Thế nhưng, tôi không biết mình đã xoay xở thế nào nếu không có nó”, Sam Altman nói.
Hiện nay, lãnh đạo OpenAI chủ yếu dùng ChatGPT để tìm hiểu các giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ.

Sam Altman hiện chủ yếu dùng ChatGPT để tìm hiểu các giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ - Ảnh: Getty Images
Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, từng chia sẻ với trang The Wall Street Journal năm 2024 rằng ông dùng Apple Intelligence để tóm tắt email dài.
“Nếu tôi có thể tiết kiệm vài phút ở đây, vài phút ở kia thì sẽ cộng lại thành một thứ gì đó đáng kể trong một ngày, một tuần, một tháng. AI đã thay đổi cuộc sống của tôi. Thật sự là như vậy”, doanh nhân 64 tuổi người Mỹ nhấn mạnh.
Một năm trước đó, Tim Cook từng nói trên chương trình Good Morning America rằng ông rất hào hứng với sự phát triển của AI.
“Tôi nghĩ AI có những ứng dụng rất độc đáo và bạn có thể tin rằng đó là điều chúng tôi đang theo dõi kỹ lưỡng”, ông nói.
Jensen Huang: "Kỹ năng tư duy của tôi thực ra đang phát triển"
Jensen Huang chia sẻ thói quen dùng AI của mình nhằm phản hồi câu hỏi từ Fareed Zakaria về việc sử dụng AI có thể ảnh hưởng như thế nào đến kỹ năng tư duy.
Fareed Zakaria đã dẫn một nghiên cứu từ Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đánh giá tác động của việc dùng các công cụ như ChatGPT để viết bài luận, với 54 người tham gia. Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng AI "gây ra tổn thất về mặt nhận thức" cho người dùng.
Jensen Huang nói với Fareed Zakaria rằng ông chưa xem nghiên cứu đó của Học viện Công nghệ Massachusetts, nhưng ông dùng AI "mỗi ngày, không sót ngày nào" và tin rằng "kỹ năng tư duy của tôi thực ra đang phát triển".
"Tôi không chắc mọi người đang dùng AI để làm gì mà lại khiến họ không phải suy nghĩ, nhưng rõ ràng bạn vẫn phải tư duy", Jensen Huang khẳng định.
"Khi tôi tương tác với AI, đó là một hệ thống hỏi đáp. Bạn phải đặt câu hỏi. Để đặt được câu hỏi hay, bạn cần phải tư duy. Bạn phải phân tích và tự lập luận", ông nói thêm.
"Mỹ cần giành chiến thắng trong cuộc chiến con người với Trung Quốc"
Jensen Huang có một thông điệp dành cho nước Mỹ: Để dẫn đầu trong lĩnh vực AI, Mỹ cần giành được sự ủng hộ của các nhà phát triển trên toàn thế giới, bắt đầu từ Trung Quốc.
Trong một tập của chương trình Memos to the President phát sóng hôm 14.7, Giám đốc điều hành công ty có giá trị nhất thế giới (hơn 4.170 tỉ USD) cho biết việc lãnh đạo ngành AI không chỉ là về phần cứng hay quy định mà là con người. Hiện tại, nhiều người trong số đó nằm ngoài tầm với của nước Mỹ.
"50% các nhà phát triển AI trên thế giới đang ở Trung Quốc. Nhiệm vụ đầu tiên của bất kỳ nền tảng nào là chinh phục được tất cả nhà phát triển", ông nói.
Memos to the President là loạt chương trình/phỏng vấn do Startup Health thực hiện, trong đó các nhà lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, y tế, khoa học và kinh doanh, như các giám đốc điều hành, nhà đầu tư và người sáng lập, chia sẻ những góp ý, lời khuyên hoặc thông điệp chiến lược dành cho Tổng thống Mỹ về cách thúc đẩy đổi mới và phát triển trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ, chăm sóc sức khỏe.
Chương trình này giống như một thư gửi Tổng thống, nơi các nhân vật có ảnh hưởng lớn nói lên quan điểm về chính sách, hướng đi của nước Mỹ cùng các yếu tố then chốt để giữ vững vị thế dẫn đầu toàn cầu.
Startup Health là tổ chức và quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới và giải quyết các thách thức lớn nhất trong lĩnh vực sức khỏe toàn cầu thông qua công nghệ.
Jensen Huang nói rằng các nhà phát triển AI giờ đây có ở khắp nơi, châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Nam Á và Trung Đông, khi nhu cầu về AI lan rộng ra mọi quốc gia, ngành nghề và doanh nghiệp.
Ông cho rằng Mỹ cần đảm bảo rằng các nhà phát triển trên toàn thế giới đang xây dựng dựa trên "hệ sinh thái công nghệ Mỹ", từ chip cho đến cơ sở hạ tầng và các nền tảng đám mây.
"Hệ sinh thái công nghệ Mỹ nên trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Giống cách đồng USD là tiêu chuẩn toàn cầu vậy", tỷ phú công nghệ so sánh.
Jensen Huang nói rằng Mỹ cần ngừng hạn chế quyền tiếp cận công nghệ và thay vào đó tập trung mở rộng ảnh hưởng.
"Bạn càng phổ cập công nghệ của mình rộng khắp thì sẽ có càng nhiều nhà phát triển", ông nói thêm.
Jensen Huang đưa ra bình luận này trước khi Nvidia thông báo sẽ nối lại việc bán chip AI H20 cho Trung Quốc. Cuối ngày 14.7, Nvidia tiết lộ đang nộp đơn xin chính quyền Trump để tiếp tục bán H20 cho Trung Quốc và đã được Mỹ đảm bảo rằng sẽ sớm nhận được giấy phép.
Việc nối lại dự kiến này là động thái đảo ngược lệnh hạn chế xuất khẩu H20 được áp dụng vào tháng 4, nhằm ngăn chặn các chip AI tiên tiến nhất đến Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia.
Đây là một sự đảo ngược so với chính sách siết chặt trước đây dưới thời Tổng thống Trump nhằm hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến sang Trung Quốc. Hồi tháng 4, Nvidia từng cảnh báo rằng các hạn chế đó có thể khiến hãng thiệt hại hàng tỉ USD doanh thu.
Hôm 15.7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Howard Lutnick cho biết kế hoạch nối lại việc bán chip AI H20 của Nvidia cho Trung Quốc là một phần trong các cuộc đàm phán của Mỹ về đất hiếm, diễn ra vài ngày sau khi Jensen Huang gặp Tổng thống Trump.
"Chúng tôi đã đưa điều đó vào thỏa thuận thương mại về nam châm", Howard Lutnick nói với Reuters, ám chỉ thỏa thuận mà ông Trump đã ký kết nhằm tái khởi động việc vận chuyển đất hiếm đến các nhà sản xuất Mỹ. Ông không cung cấp thêm chi tiết.
Ông Jensen Huang đang có mặt tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) và dự kiến sẽ phát biểu tại một sự kiện vào ngày 16.7.
Cạnh tranh với Trung Quốc đang trở nên khốc liệt
Jensen Huang từng thẳng thắn nêu quan điểm về sức mạnh của ngành công nghiệp AI Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn đầu năm nay với Ben Thompson - tác giả trang web Stratechery, Jensen Huang cho biết Trung Quốc đang làm rất tốt trong thị trường AI, với các mô hình tự phát triển như DeepSeek và Manus nổi lên như những đối thủ đáng gờm với các hệ thống của Mỹ.
Ông cũng nói rằng các nhà nghiên cứu AI Trung Quốc là một trong những người giỏi nhất thế giới, nên không có gì bất ngờ khi những công ty Mỹ như OpenAI, Meta Platforms và Anthropic đang tích cực tuyển dụng họ.
"Đối thủ cạnh tranh của chúng tôi ở Trung Quốc thực sự rất mạnh", Jensen Huang nói hồi tháng 5 tại hội nghị công nghệ Computex ở Đài Loan.
Trong khi Trung Quốc đang tăng tốc, Jensen Huang từng chỉ trích cách phản ứng của Mỹ. Tại Computex, ông nói rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip từ Mỹ, nhằm làm chậm sự phát triển AI của Trung Quốc, thực chất đã phản tác dụng.
"Biện pháp kiểm soát xuất khẩu lại truyền động lực, tinh thần và sự hỗ trợ từ chính phủ cho họ để tăng tốc phát triển. Vì vậy, tôi nghĩ nhìn chung, chính sách kiểm soát xuất khẩu là một thất bại", ông nhấn mạnh.