CEO Google sẽ gặp ông Trump sau khi Meta, Amazon chi triệu đô cho lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Trang The Information đưa tin Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, sẽ gặp ông Donald Trump trong thời gian tới tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach (bang Florida, Mỹ).
Cuộc gặp mặt với Sundar Pichai diễn ra khi ông Trump đã phần nào mềm mỏng hơn về lập trường của mình với các gã khổng lồ công nghệ và chính quyền ông có thể ảnh hưởng đến vụ kiện chống độc quyền với Google đang diễn ra. Trước đây, ông Trump từng chỉ trích Google và các tập đoàn công nghệ lớn khác.
Mar-a-Lago là khu nghỉ dưỡng và câu lạc bộ tư nhân được xây dựng vào những năm 1920 bởi nữ doanh nhân giàu có Marjorie Merriweather Post. Ông Trump mua lại Mar-a-Lago năm 1985. Đây hiện vừa là nơi ở cá nhân của ông Trump vừa là câu lạc bộ thành viên dành cho giới thượng lưu. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ vào tháng 1.2021, ông Trump thường xuyên cư trú ở Mar-a-Lago, tổ chức các sự kiện lớn và cuộc gặp gỡ quan trọng.
Cách đây chưa lâu, Tổng thống đắc cử Trump đã chọn Gail Slater làm Trưởng ban chống độc quyền và Brendan Carr làm Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC). Cả hai đều từng chỉ trích Google.
Sundar Pichai còn phải đối mặt với thách thức khác, gồm cả ảnh hưởng của Elon Musk – cố vấn thân cận với ông Trump, đối thủ cạnh tranh nổi bật với Google.
Dù Sundar Pichai không mong đợi sẽ trực tiếp giải quyết các vấn đề chống độc quyền trong cuộc gặp mặt với ông Trump, nhưng rõ ràng mối quan hệ giữa Google và chính quyền sắp tới đang dần thay đổi.
Hôm 11.12, cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ Google) đạt mức cao kỷ lục sau khi ông Trump chọn Andrew Ferguson làm người đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và chống độc quyền.
Ông Trump đã bổ nhiệm Andrew Ferguson để thay thế Lina Khan, người hết nhiệm kỳ làm Chủ tịch FTC.
FTC đã trở thành điểm nóng chính trị dưới thời bà Lina Khan, người đã thúc đẩy việc thực thi luật chống độc quyền như một biện pháp kiểm soát quyền lực của hãng công nghệ lớn. Alphabet, Microsoft và Apple phải đối mặt với áp lực quản lý gia tăng từ FTC trong nhiệm kỳ của bà Lina Khan.
"Ferguson là 'người bất đồng chính kiến nổi tiếng' dưới thời Lina Khan và nhiều người cảm thấy rằng dưới sự lãnh đạo của ông, vụ kiện chống độc quyền với Alphabet sẽ kết thúc", Jay Woods, trưởng nhóm chiến lược gia toàn cầu tại hãng Freedom Capital Markets, nhận định.
Hôm 11.12, Meta Platforms đã quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức của ông Donald Trump khi gã khổng lồ truyền thông xã hội này thực hiện các bước để cải thiện mối quan hệ với Tổng thống đắc cử Mỹ, theo trang The Wall Street Journal. Công ty mẹ Facebook và Instagram đã xác nhận thông tin này.
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, nay đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với ông Trump.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7, tỷ phú 40 tuổi người Mỹ cho rằng phản ứng mạnh mẽ của ông Trump sau khi bị ám sát hụt tại cuộc vận động ở bang Pennsylvania (Mỹ) hôm 13.7 là "rất ấn tượng."
Tháng 11, Mark Zuckerberg đã đến thăm Tổng thống đắc cử Trump tại Mar-a-Lago để dùng bữa tối Lễ Tạ ơn.
Ông Trump từng chỉ trích Meta Platforms và Mark Zuckerberg nhiều lần những năm qua. Nguyên nhân do Facebook, Instagram đình chỉ tài khoản Trump vào năm 2021 vì những bình luận của ông trong cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6.1.2021. Lúc đó, Mark Zuckerberg cho biết: "Rủi ro nếu cho phép Tổng thống tiếp tục sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong thời điểm này là quá lớn". Hai năm sau, công ty đã khôi phục tài khoản Facebook và Instagram của ông Trump.
Vào tháng 8, ông Trump cảnh báo rằng Mark Zuckerberg sẽ "phải ngồi tù suốt quãng đời còn lại" nếu cố can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Ông Trump đã chọn Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ, nơi đề xuất việc tinh gọn bộ máy chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách. Elon Musk đã có ảnh hưởng trong các cuộc thảo luận chính sách với ông Trump và có vẻ Mark Zuckerberg cũng muốn tham gia.
"Mark rất muốn đóng vai trò tích cực trong các cuộc tranh luận mà bất kỳ chính quyền nào cũng cần có về việc duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và đặc biệt là vai trò then chốt của trí tuệ nhân tạo (AI)", Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách quan hệ toàn cầu của Meta Platforms, nói với các nhà báo đầu tháng 12, theo trang The Verge.
Nick Clegg từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc thảo luận, nhưng cho biết "những cuộc trò chuyện ở giai đoạn này rõ ràng vẫn ở mức khá chung chung".
Không riêng Meta Platforms, Amazon cũng có kế hoạch quyên góp 1 triệu USD cho quỹ tài trợ lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump. Đây là động thái đáng chú ý khi các hãng công nghệ lớn tìm cách cải thiện mối quan hệ với tân Tổng thống Mỹ.
Theo người phát ngôn của Amazon, công ty sẽ phát sóng trực tiếp lễ nhậm chức của ông Trump trên dịch vụ Prime Video. Đây sẽ là khoản đóng góp khác có giá trị tương đương 1 triệu USD.
Tờ The Wall Street Journal đưa tin về kế hoạch của Amazon sau khi Trump cho biết ông và nhà sáng lập Amazon - Jeff Bezos dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ trực tiếp vào tuần tới.
Trước đây, ông Trump và Jeff Bezos từng nhiều lần mâu thuẫn. Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên, ông Trump thường xuyên chỉ trích Amazon và phản đối các bài viết mang tính chính trị trên The Washington Post, tờ báo thuộc sở hữu của Jeff Bezos.
Jeff Bezos cũng nhiều lần phê phán các phát ngôn của ông Trump trong quá khứ. Năm 2019, Amazon từng đưa ra lập luận trong một vụ kiện rằng ông Trump đã làm ảnh hưởng đến cơ hội của họ trong việc giành hợp đồng trị giá 10 tỉ USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ, cuối cùng thuộc về Microsoft.
Song trong thời gian gần đây, Jeff Bezos đã có giọng điệu hòa giải hơn rất nhiều. Tại hội nghị DealBook của tờ The New York Times ở thành phố New York (Mỹ) tuần trước, nhà sáng lập Amazon bày tỏ sự lạc quan về nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump và ủng hộ kế hoạch cắt giảm các quy định của chính quyền mới.
Ngày 25.10, William Lewis, Giám đốc điều hành Washington Post, tuyên bố tờ báo này sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng viên Tổng thống Mỹ nào ở cuộc bầu cử ngày 5.11 cũng như trong tương lai.
Jeff Bezos hôm 28.10 cho biết đây là “quyết định có nguyên tắc” của Washington Post và phủ nhận rằng điều này có liên quan đến lợi ích cá nhân.
Trong bài viết đăng trên trang web của Washington Post, Jeff Bezos lập luận rằng với niềm tin vào các phương tiện truyền thông đang giảm, cần có các bước để đối phó những cáo buộc về sự thiên vị.
"Thực tế là việc ủng hộ các ứng cử viên Tổng thống Mỹ tạo ra nhận thức về thiên vị, một cảm giác rằng tờ báo thiếu đi tính độc lập. Việc chấm dứt điều này là một quyết định có nguyên tắc. Tôi ước chúng tôi đã thực hiện thay đổi sớm hơn, vào thời điểm xa hơn cuộc bầu cử và những cảm xúc xung quanh nó. Đó là kế hoạch không đầy đủ và không phải là một chiến lược có chủ đích", ông viết.
Jeff Bezos trích dẫn một cuộc thăm dò trước đó của công ty nghiên cứu toàn cầu Gallup cho thấy số lượng người tin tưởng vào truyền thông đạt mức thấp kỷ lục.
Trong suốt 40 năm qua, ban biên tập Washington Post đã ủng hộ tất cả ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ. Tuy nhiên lần này, Washington Post quyết định không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào vì đây là một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rất căng thẳng và gây chia rẽ.
Jeff Bezos nói rằng báo chí cần phải chính xác, nhưng cũng phải được độc giả coi là chính xác. "Chúng ta phải nỗ lực hơn để kiểm soát những gì có thể kiểm soát để tăng độ tin cậy", ông cho hay.
Ngoài ra, tỷ phú 60 tuổi người Mỹ nói rằng việc một tờ báo ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Mỹ cũng không có ý nghĩa nhiều.
Jeff Bezos bác bỏ các cáo buộc rằng ông đưa ra quyết định vì lợi ích cá nhân, phủ nhận điều này liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa Dave Limp - Giám đốc điều hành Blue Origin (công ty không gian của tỷ phú này) và ông Trump vào ngày Washington Post thông báo quyết định hôm 25.10.
“Tôi cũng muốn nói rõ rằng không có bất kỳ sự trao đổi lợi ích nào ở đây. Quyết định này được đưa ra một cách độc lập và không có sự trao đổi, thông báo hay thảo luận với bất kỳ chiến dịch tranh cử hay ứng cử viên nào”, tỷ phú giàu thứ hai thế giới viết.
Jeff Bezos cho biết quyết định trên không phải là "sự trao đổi lợi ích" để lấy lòng ông Trump. Nhà sáng lập Amazon nói rằng Dave Limp đã tình cờ gặp ông Trump hôm 25.10.
"Tôi thở dài khi biết điều này, vì biết rằng nó sẽ bị những người phản đối diễn giải theo hướng tiêu cực, như thể đó là quyết định do lợi ích cá nhân thay vì dựa trên nguyên tắc", ông viết.
Mua lại tờ Washington Post với giá 250 triệu USD vào năm 2013, Jeff Bezos sở hữu hàng loạt các công ty khác, trong đó một số hãng có hợp đồng lớn với chính phủ Mỹ.
Quyết định ngừng ủng hộ bất cứ ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào của Washington Post đã gặp phải sự chỉ trích từ nhiều người, gồm cả các độc giả của chính tờ báo.
Lịch sử quyên góp cho lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của các hãng công nghệ lớn
"Mark Zuckerberg, giống như nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác, muốn ủng hộ kế hoạch kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump", ông Stephen Miller, Phó Chánh văn phòng cho chính quyền Trump thứ hai, phát biểu.
Các doanh nghiệp lớn ở Mỹ từ lâu đã luôn chủ động đóng góp số tiền lớn cho lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ, ngoại trừ giai đoạn năm 2019 khi ông Barack Obama từ chối nhận quyên góp. Tuy nhiên, ông Barack Obama đã chấp nhận điều này trong lễ nhậm chức thứ hai năm 2013.
Trước đó, Meta Platforms không quyên góp cho cả lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào năm 2021 của ông Joe Biden lẫn lễ nhậm chức năm 2017 của ông Trump.
Amazon từng quyên góp 58.000 USD cho lễ nhậm chức của ông Trump năm 2017.
Google đóng góp 285.000 USD cho lễ nhậm chức đầu tiên của ông Trump và Biden.
Microsoft chi 1 triệu USD cho lễ nhậm chức thứ hai của ông Obama, nhưng chỉ dành khoảng 500.000 USD cho ông Trump vào năm 2017 và Biden năm 2021, theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang.