Câu hỏi lớn sau khi ông Trump được hủy bỏ mọi vụ án liên bang

Việc Công tố viên đặc biệt Jack Smith hủy bỏ hai vụ kiện hình sự chống lại ông Donald Trump đặt ra dấu hỏi về phạm vi của quyền miễn trừ mà tổng thống Mỹ được hưởng.

Quyết định hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 25/11 (giờ địa phương) làm dấy lên nhiều câu hỏi quan trọng về những hạn chế xoay quanh hành vi của tổng thống, đặc biệt là việc liệu Bộ Tư pháp có thể tiếp tục bổ nhiệm các cố vấn đặc biệt bên ngoài để điều tra hành vi sai trái của giới lãnh đạo thượng tầng hay không.

Cả hai vụ án hình sự chống lại ông Trump, bao gồm nỗ lực đảo ngược kết quả cuộc bầu cử 2020 và những hành vi không chuẩn mực trong việc xử lý tài liệu mật, đều bị hủy bỏ do ông đã thắng cử trước khi những vụ án này có thể được xử lý dứt điểm, theo New York Times.

Hai câu hỏi quan trọng

Công tố viên đặc biệt Jack Smith ngày 25/11 (giờ địa phương) đã dẫn lại quan điểm lâu đời của Bộ Tư pháp rằng Hiến pháp ngầm trao quyền miễn trừ tạm thời cho các tổng thống Mỹ đương nhiệm vì các cuộc truy tố có thể khiến họ mất tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo Nhà Trắng.

Kết quả của quyết định này không chỉ dừng lại ở việc ông Trump tạm thời được miễn trừ trách nhiệm cho những hành động của mình.

Đầu tiên, giới quan sát đặt câu hỏi về phạm vi và mức độ mà một tổng thống Mỹ có thể được bảo vệ khỏi sự truy tố của Tòa án Tối cao đối với những hành vi mà người đứng đầu Nhà Trắng thực hiện khi đang còn tại chức.

Vấn đề còn lại là khi tổng thống Mỹ bị nghi ngờ là đã có hành vi phạm pháp, liệu Bộ Tư pháp có thể tránh những xung đột lợi ích bằng cách đưa một công tố viên bên ngoài vào để chỉ đạo một cuộc điều tra bán độc lập hay không.

Hai câu hỏi quan trọng nói trên có thể phần nào định hình tương lai của nền dân chủ Mỹ và những giới hạn đối với quyền lực của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai, New York Times nhận định.

 Công tố viên đặc biệt Jack Smith. Ảnh: New York Times.

Công tố viên đặc biệt Jack Smith. Ảnh: New York Times.

Vấn đề miễn trừ đối với tổng thống được đặt ra vào đầu năm bởi 6 thẩm phán Tòa án Tối cao do đảng Cộng hòa bổ nhiệm. Họ đã phán quyết rằng Hiến pháp ngầm trao cho tổng thống quyền miễn trừ tạm thời khỏi bị truy tố đối với các hành động trong thời gian tại nhiệm.

Theo phán quyết trên, quyền miễn trừ tạm thời có thể bị bác bỏ trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, Chánh án John G. Roberts Jr. đã soạn thảo bản phán quyết theo lối viết không dứt khoát, khiến nhiều câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngỏ. New York Times nhận định rằng điều này xuất phát từ việc các thẩm phán kỳ vọng vấn đề miễn trừ đối với tổng thống sẽ được đưa trở lại Tòa án Tối cao ít nhất một lần nữa để tinh chỉnh trước khi ông Trump có thể ra tòa, ít nhất trong trường hợp ông thua cử.

"Có nhiều cách để đọc hiểu và diễn giải phán định miễn trừ của Tòa án Tối cao. Hiện tại, ít nhất là trong khoảng thời gian gần, chúng ta sẽ không nhận được bất kỳ câu trả lời nào nữa từ Tòa án Tối cao”, Jack Goldsmith, giáo sư Trường Luật Harvard và cựu quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp trong chính quyền cựu Tổng thống Bush, nói.

 Chánh án John G. Roberts Jr. Ảnh: New York Times.

Chánh án John G. Roberts Jr. Ảnh: New York Times.

Chánh án Roberts phán định rằng những tương tác giữa tổng thống và Bộ Tư pháp được xem là hành vi chính thức và được miễn trừ truy tố, đồng nghĩa rằng tổng thống hiện có thể sử dụng quyền kiểm soát đối với hệ thống hành pháp liên bang để phạm tội mà không bị truy tố (song vẫn có khả năng bị luận tội).

Tuy nhiên, Chánh án Roberts không nêu rõ phạm vi về quyền miễn trừ của tổng thống đương nhiệm.

Đơn cử, hiện chưa rõ phạm vi miễn trừ có áp dụng cho trường hợp ông Trump gây sức ép lên cựu Phó tổng thống Mike Pence sử dụng vai trò chủ tịch Thượng viện để bác bỏ kết quả kiểm phiếu đại cử tri vào năm 2021.

Chánh án Roberts cũng không nói rõ liệu những hành vi khác của ông Trump có nằm trong phạm vi được miễn trừ hay không, như việc phát tán thông tin sai lệch về các cáo buộc gian lận bầu cử.

Phán quyết của Tòa án Tối cao cũng để lộ một lỗ hổng quan trọng: rằng liệu cấp dưới của tổng thống thực hiện hành vi phạm pháp theo chỉ thị của người đứng đầu Nhà Trắng có được miễn trừ trách nhiệm hay không.

Quy định không rõ ràng

Công tố viên đặc biệt Smith có quan điểm khá khắt khe về quy định miễn trừ của Tòa án Tối cao, cho rằng hầu hết hành động của ông Trump được nêu trong bản cáo trạng ban đầu đều có thể bị truy tố.

Trong khi đó, nhóm luật sư của ông Trump lại lập luận rằng những hành vi đó được xem là hành vi chính thức và cần được miễn trừ trách nhiệm.

Thẩm phán Tanya S. Chutkan của Tòa án Liên bang Đặc khu Columbia đã nhận được đệ trình từ Công tố viên đặc biệt Smith bao gồm bản ghi chú chi tiết về những bằng chứng mà ông muốn sử dụng tại phiên tòa, đồng thời giải thích tại sao phán quyết miễn trừ của Tòa án Tối cao không áp dụng cho những hành vi được nêu trong các bằng chứng này.

Tranh cãi đã nổ ra trong quá trình xem xét sự vụ tại Tòa án Tối cao, tạo ra tiền lệ để xử lý các mâu thuẫn tương tự trong tương lai về hành vi sai trái của tổng thống, theo New York Times.

 Những vấn đề chưa được quy định rõ ràng xoay quanh hai vụ án hình sự cấp liên bang của ông Trump đã để lại nhiều câu hỏi về việc xử lý hành vi bị nghi là phạm pháp của tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters.

Những vấn đề chưa được quy định rõ ràng xoay quanh hai vụ án hình sự cấp liên bang của ông Trump đã để lại nhiều câu hỏi về việc xử lý hành vi bị nghi là phạm pháp của tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters.

Một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ hiện nay là câu hỏi về tính hợp pháp của việc bổ nhiệm công tố viên bên ngoài Bộ Tư pháp để tiến hành điều tra các hành vi sai phạm của tổng thống Mỹ.

Trong vụ bê bối Watergate của cựu Tổng thống Richard M. Nixon, Tòa án Tối cao đã chấp thuận việc bổ nhiệm công tố viên bên ngoài vào để điều tra là hợp hiến.

Tuy nhiên, đối với vấn đề miễn trừ, Thẩm phán Clarence Thomas đã nêu ra khả năng rằng sự sắp xếp tương tự có thể bị xem là vi hiến. Thẩm phán Aileen M. Cannon, người xét xử vụ án tài liệu mật và cũng là một người do ông Trump bổ nhiệm, đã dựa vào cơ sở này để tuyên bố rằng việc bổ nhiệm ông Jack Smith làm công tố viên đặc biệt là trái quy định.

Trong quá khứ, ông Smith từng là công tố viên chống tham nhũng của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, vào thời điểm được Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland chọn làm công tố viên đặc biệt xử lý hai vụ án hình sự của ông Trump, ông Smith đang làm việc trong các vụ án tội phạm chiến tranh quốc tế tại Hà Lan.

Xuất phát từ những điểm mập mờ trong quy định hiện tại, các bộ trưởng Tư pháp Mỹ trong tương lai nhiều khả năng sẽ ngần ngại khi phải bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra khi tổng thống Mỹ có hành vi sai phạm, dù rằng đây vẫn là phương thức mà Bộ Tư pháp đã sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-hoi-lon-sau-khi-ong-trump-duoc-huy-bo-moi-vu-an-lien-bang-post1513935.html
Zalo