Cặp vợ chồng dân tộc hiếm muộn 12 năm bị nói 'ma ám', không dám đến nhà ai chơi

Hiếm muộn 12 năm, vợ chồng anh Thắng không dám đi đâu vì sợ ánh mắt soi mói của những người hàng xóm, bạn bè xung quanh.

Năm 2012, sau thời gian dài tìm hiểu, anh Phan Đình Thắng (34 tuổi) và chị B Nướch Thị Tron (36 tuổi, Hương Sơn, Hà Tĩnh) quyết định về chung một nhà. Chỉ sau 1 năm, chị Tron có thai tự nhiên. Thế nhưng, niềm vui ấy đã kết thúc khi chị không may sảy thai ở tuần thứ 8.

Năm 2014, sau khi dành dụm được số tiền ít ỏi, hai vợ chồng quyết định ra Hà Nội thăm khám sức khỏe sinh sản, bác sĩ cho thuốc về điều trị, chờ có thai tự nhiên. Thế nhưng từ đó đến nay, chị Tron chưa lần nào có thêm tin vui.

Chị Tron và chồng sinh sống ở miền núi nên người dân còn rất nhiều hủ tục. Nhiều người trong xóm nói vợ chồng chị bị ma ám, quỷ theo nên không có con. Nghe thấy vậy, vợ chồng chị Tron cũng mời thầy cúng làm lễ, tốn bao tiền của cũng chẳng thấy tin vui.

Anh Thắng và chị Tron chia sẻ tại lễ công bố quyết định trao tặng 15 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% ngày 23/6. (Ảnh: Linh Tâm)

Anh Thắng và chị Tron chia sẻ tại lễ công bố quyết định trao tặng 15 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% ngày 23/6. (Ảnh: Linh Tâm)

Ai mách ở đâu có thầy nọ, thuốc kia vợ chồng anh chị cũng cố gắng thử, thế nhưng suốt 12 năm đằng đẵng vẫn không có thay đổi. "Thời gian chưa có con, tôi và vợ không dám đi đâu, người ta nói nọ, nói kia lại buồn lòng thêm", anh Thắng nghẹn ngào nói.

Mới đây, tình cờ một người thân trong họ cũng hiếm muộn và làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công, lúc ấy chị Tron mới biết đến có phương pháp này. Với số tiền dành dụm ít ỏi, vợ chồng chị quyết tâm ra Hà Nội thăm khám lần nữa. Thấy hoàn cảnh gia đình anh chị khó khăn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hướng dẫn làm hồ sơ tham gia chương trình IVF miễn phí.

May mắn, anh chị khi trở thành một trong 15 gia đình được nhận hỗ trợ năm nay. Anh Thắng không tưởng tượng được may mắn ấy lại đến với gia đình. Cho đến khi nhận quyết định hỗ trợ, nhìn những cặp vợ chồng hiếm muộn khác đã thành công, anh chị tiếp tục thắp lên hy vọng tìm kiếm con yêu của mình.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại có hơn 50 gia đình được nhận hỗ trợ IVF miễn phí với 60 em bé chào đời khỏe mạnh.

"Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là động lực để chúng tôi duy trì chương trình và tiếp tục đưa ra những hỗ trợ khác trong những năm tới. Càng điều trị và hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, chúng tôi càng đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn mà họ phải đối mặt, dù trong hoàn cảnh nào, khát khao tìm con của họ cũng chưa bao giờ tắt", bác sĩ Hiền nói.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cap-vo-chong-dan-toc-hiem-muon-12-nam-bi-noi-ma-am-khong-dam-den-nha-ai-choi-ar878903.html
Zalo