Cặp tượng đá 700 năm và hành trình hội nhập, giao thoa văn hóa
Cặp tượng Hộ pháp tại chùa Nhạn Sơn, còn được dân gian gọi là 'Ông Đen – Ông Đỏ' không chỉ là hiện vật nghệ thuật quý hiếm, mà còn là biểu tượng đặc sắc của sự tiếp biến tín ngưỡng, giao thoa hội nhập và sức sống bền bỉ của di sản Champa giữa lòng văn hóa Việt.
Trong gần 500 năm từng là kinh đô rực rỡ của vương quốc Champa (thế kỷ XI–XV), vùng đất Bình Định (nay tỉnh Gia Lai) ngày nay vẫn lưu giữ kho tàng di sản văn hóa độc đáo từ những đền tháp cổ kính, các khu phế tích đậm dấu thời gian, đến hàng ngàn tác phẩm điêu khắc đá mang giá trị nghệ thuật đặc sắc.

Cặp tượng “Ông Đen – Ông Đỏ” trở thành biểu tượng thiêng liêng trong tín ngưỡng dân gian
Cặp tượng Dvarapala (được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2019), hiện đang lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, nay thuộc phường An Nhơn, tỉnh Gia Lai được Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đánh giá là hai pho tượng đá lớn nhất, đẹp nhất và nguyên vẹn nhất, đại diện cuối cùng cho loại hình tượng hộ Pháp mang phong cách Tháp Mẫm, giai đoạn rực rỡ cuối cùng của nghệ thuật Champa.
Theo hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hóa, tượng Ông Đỏ cao 2,42m và Ông Đen cao 2,45m; mỗi pho nặng khoảng 800kg, được tạc bằng đá sa thạch nguyên khối.
Dáng tượng đứng gối chùng, ngả nhẹ về phía trước, mặt dữ tợn, mắt lồi, mày rậm, tay cầm kiếm hoặc giản, chân đeo vòng trang sức hình rắn thần Naga. Đặc biệt, cả hai vẫn giữ nguyên vị trí từ thời Chăm cho đến nay, điều hiếm thấy trong hệ thống đền tháp Champa.
Theo truyền thuyết dân gian, người Việt khi đến vùng đất này không phá bỏ mà việt hóa hình tượng bằng cách vẽ râu, khoác áo bào, đội mũ… để gần với hình ảnh hộ pháp trong Phật giáo.

Theo hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hóa, tượng Ông Đỏ cao 2,42m
Từ đó, “Ông Đen – Ông Đỏ” trở thành biểu tượng thiêng liêng trong tín ngưỡng dân gian. Một vị tượng tượng trưng cho thiện tâm, vị còn lại biểu trưng cho sức mạnh trấn giữ, được người dân thờ phụng, cầu an – cầu tài – cầu con, hay gửi gắm những đứa trẻ khó nuôi cho Phật và “hai ông”.
Cặp tượng cũng được ghi chép trong nhiều tư liệu cổ, như Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn... ghi lại với chi tiết tượng đứng trên “viên đá vàng”, thân cao “hơn sáu thước”, một pho sơn đỏ, một pho sơn đen.
Theo Bảo tàng Bình Định (nay là Bảo tàng Gia Lai), qua khảo sát thực tế cho thấy, phía sau chùa Nhạn Sơn có một gò đất khá rộng và cao, người dân địa phương từ xưa đến nay gọi là Gò Tam Tháp, trên bề mặt gò vẫn còn vươn vãi rất nhiều gạch, nơi đây từng tồn tại một cụm tháp Chàm, nay đã bị sụp đổ, hai pho tượng thần Hộ Pháp (hay còn gọi là hai vị môn thần) có lẽ được đặt trước cửa đền tháp.
Vị trí này sau đó người Việt xây chùa, hai vị môn thần được đặt đứng trong chùa từ xưa đến nay. Đây là hai tác phẩm điêu khắc thuộc nền văn hóa Champa.

Tượng Ông Đen cao 2,45m; mỗi pho nặng khoảng 800kg, được tạc bằng đá sa thạch nguyên khối
Các chuyên gia nghiên cứu, khảo cổ học cho rằng, một địa điểm duy nhất của người Chăm là thành công nhất khi người Việt vào chinh phục phía Nam đó là Ponagar. Ở đó có một cặp tượng chăm mà được việt hóa thì quá tài về mối quan hệ với người Chăm.
Cái đó là bằng chứng nói về sự hội nhập văn hóa người Chăm, bởi người Việt cực kỳ tôn trọng người Chăm, chứ không phải xâm lược, tàn sát như các thế lực thù địch đã nói.
Theo TS Lê Đình Phụng, chuyên gia khảo cổ học, để đánh thức giá trị bảo vật quốc gia cặp tượng Dvarapala, cần xem đây là nguồn lực văn hóa nội sinh, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch địa phương.
Vị chuyên gia khảo cổ này cũng cho rằng, nên đưa giá trị bảo vật vào chương trình giáo dục địa phương để nuôi dưỡng tình yêu di sản trong thế hệ trẻ.
Riêng với các bảo vật đặt ngoài trời như tượng ở chùa Nhạn Sơn, cần có kế hoạch bảo tồn chuyên biệt, không chỉ trông chờ vào tín ngưỡng dân gian mà phải có cơ chế giám sát, khai thác, phát huy bài bản từ các cơ quan văn hóa.
Câu chuyện về cặp tượng đá nghìn cân ở chùa Nhạn Sơn là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của di sản Champa. Từ đền tháp cổ đến mái chùa Việt, từ biểu tượng thần linh đến tín ngưỡng dân gian, mỗi pho tượng là nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Giá trị của bảo vật không chỉ ở hình khối đá mà còn ở ký ức, linh khí và tình cảm cộng đồng gửi gắm qua bao thế hệ. Đánh thức di sản không chỉ là việc bảo tồn, mà là hành trình kể tiếp câu chuyện văn hóa bằng hiểu biết, tình yêu và trách nhiệm chung tay của cả cộng đồng hôm nay.