Cao thủ Thiếu Lâm đánh bại lính đặc nhiệm, dạy võ cho cảnh sát châu Âu

Vương Đức Khánh là cao thủ đời thứ 32 của Thiếu Lâm Tự, định cư ở Hungary để truyền bá môn võ này,

Video Vương Đức Khánh dạy võ cho cảnh sát Hungary

Năm 1999, Vương Đức Khánh, đệ tử đời thứ 32 của chùa Thiếu Lâm Tùng Sơn, từng là đội trưởng đội võ tăng Thiếu Lâm, đến Hungary. Trong hơn 20 năm, anh đã gắn bó tại đây để truyền bá võ thuật, trở thành tổng huấn luyện viên tại căn cứ đặc nhiệm của Cục Cảnh sát Quốc gia Hungary, đồng thời đưa võ thuật vào giáo trình huấn luyện cảnh sát Hungary.

Cậu bé ngỗ ngược trở thành võ tăng Thiếu Lâm

Vương Đức Khánh quê gốc ở huyện Thiên Thai, thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang. Từ nhỏ, anh đã nổi tiếng là “vua quậy phá” trong làng, thường xuyên trêu chọc bạn bè khiến thầy cô và phụ huynh đau đầu.

Đầu thập niên 1980, bộ phim “Thiếu Lâm Tự” làm mưa làm gió khắp Trung Quốc. Vương Đức Khánh mê mẩn bộ phim, xem đi xem lại hàng chục lần, bị cuốn hút bởi hình ảnh các võ tăng Thiếu Lâm võ nghệ siêu phàm. Anh mơ ước được đến chùa Thiếu Lâm học võ để một ngày trở thành cao thủ võ lâm.

Cha mẹ Vương Đức Khánh cho rằng với tính cách nghịch ngợm, việc đến Thiếu Lâm học võ có thể là lựa chọn tốt cho anh. Năm 9 tuổi, cha mẹ đưa Vương Đức Khánh đến chùa Thiếu Lâm ở Tùng Sơn, tỉnh Hà Nam, nhưng thời điểm đó chùa không nhận người ngoài. Anh đành học võ tại trường võ thuật Thiếu Lâm ở thành phố Đăng Phong.

Vương Đức Thắng có pháp danh là Thích Hành Hồng

Vương Đức Thắng có pháp danh là Thích Hành Hồng

Vương Đức Khánh có thiên phú vượt trội, luyện tập chăm chỉ, năm 13 tuổi được chọn vào đội tuyển trường, nhiều lần đại diện trường thi đấu tại các giải võ thuật toàn quốc. Năm 16 tuổi, khi đoàn võ tăng Thiếu Lâm Tùng Sơn được thành lập, anh vượt qua kỳ tuyển chọn từ hơn 800 học viên để trở thành một trong khoảng 30 người được chọn, nhận pháp danh Thích Hành Hồng.

“Luyện võ ở Thiếu Lâm gian khổ không thể diễn tả bằng lời", Vương Đức Khánh nói. “Dù gió lạnh hay nắng cháy, chúng tôi luyện tập ngày qua ngày cùng tiếng chuông sáng trống chiều. Cường độ luyện tập cao, đồ ăn thì giới hạn, lúc nào cũng thấy đói. Nếu luyện không tốt hay lười biếng, còn bị sư phụ dùng quyền cước ‘xử lý’.”

“Nhìn lại những năm tháng đó, nếu không có ý chí mạnh mẽ, tôi không thể kiên trì. Quãng thời gian ấy không chỉ giúp tôi rèn luyện võ nghệ tinh thâm mà còn tôi luyện ý chí, trui rèn tâm tính, giúp tôi đối mặt với mọi khó khăn sau này bằng thái độ tích cực”, Vương Đức Khánh chia sẻ.

Dạy võ cho cảnh sát châu Âu

Năm 1991, Vương Đức Khánh nhận nhiệm vụ cùng 4 sư huynh đệ đến Italy để giảng dạy và biểu diễn – chuyến xuất ngoại đầu tiên đã mở ra cho anh một góc nhìn mới về thế giới. “Lúc đó, trợ cấp cho chuyến lưu diễn nước ngoài là 500 tệ, số tiền không nhỏ thời bấy giờ. Tôi mua một bộ vest, một đôi giày da và một chiếc vali da – những thứ ‘bắt buộc’ khi ra nước ngoài thời đó", Vương Đức Khánh nhớ lại.

“Tại Italy, tôi nhận ra người dân ở đây đam mê võ thuật vượt ngoài tưởng tượng. Trước đó, họ chỉ biết đến võ thuật qua phim ảnh, chưa từng thấy tận mắt kungfu Trung Quốc thực sự. Gặp các võ tăng Thiếu Lâm khiến họ vô cùng phấn khích và tò mò", Vương Đức Khánh kể.

Vương Đức Khánh dạy võ cho cảnh sát Hungary

Vương Đức Khánh dạy võ cho cảnh sát Hungary

Năm 1999, Vương Đức Khánh rời chùa Thiếu Lâm, truyền dạy võ thuật ở Tây Ban Nha và Canada trước khi đến Hungary. "Trước khi đến, tôi thậm chí chưa từng nghe về Hungary. Nhưng khi đến, tôi bị xúc động bởi những người mê kungfu ở đây. Họ theo tôi xin bái sư, đứng chắp tay hàng giờ không nhúc nhích. Tôi cảm nhận được khát khao học võ của họ, nên quyết định ở lại dạy một năm. Ai ngờ, tôi đã ở lại hơn 20 năm”, Vương Đức Khánh nói.

Sau khi định cư ở Hungary, Vương Đức Khánh nhận thấy có nhiều võ đường tại đây, nhưng chất lượng không đồng đều. Một số người chỉ học vài tháng ở Trung Quốc đã về mở lớp dạy. Có võ đường lo ngại anh cướp học viên, thậm chí đến thách đấu.

“Thường thì tôi không cần ra tay, học trò của tôi đã đủ sức chế ngự đối thủ. Những chuyện như vậy xảy ra nhiều lần. Sau đó, tôi triệu tập tất cả các võ sư kungfu ở Hungary tổ chức một hội nghị võ lâm, truyền dạy kungfu Thiếu Lâm chính tông để họ tiếp tục truyền lại cho học viên, từ đó dẹp yên tranh cãi", anh kể.

Để giúp học viên tập trung luyện võ, Vương Đức Khánh đặt ra “ngũ kính”: kính trọng thầy, kính trọng sư huynh đệ, kính trọng nơi luyện tập, kính trọng trang phục tăng và kính trọng đồ ăn. “Dần dần, học viên trở nên kỷ luật và tự giác hơn", Vương Đức Khánh chia sẻ.

Một ngày, võ đường của Vương Đức Khánh đón một học viên đặc biệt – Simon Jordan, đội trưởng đội đặc nhiệm Cục Cảnh sát Quốc gia Hungary. Sau khi tập luyện với anh, Simon bị thuyết phục bởi võ thuật, nói rằng chưa từng thấy môn võ đối kháng nào lợi hại như vậy. Ông hỏi liệu Vương Đức Khánh có thể dạy cho đội đặc nhiệm để nâng cao thể chất và kỹ năng chiến đấu.

“Ban đầu tôi cũng do dự. Nhưng Simon nói đội đặc nhiệm chỉ luyện karate Nhật Bản và taekwondo Hàn Quốc. Tôi muốn họ biết đến võ thuật Trung Quốc uyên thâm, nên nhận lời", Vương Đức Khánh kể.

Lần đầu giảng dạy tại trung tâm huấn luyện cảnh sát, gần 100 cảnh sát ngồi dưới, nhiều người không tin Vương Đức Khánh. Để phá vỡ nghi ngờ, anh biểu diễn một đoạn quyền cước, sau đó mời một đặc nhiệm to cao hơn mình lên tỷ thí. Chỉ vài chiêu, Vương Đức Khánh đã hạ gục đối thủ. Sức mạnh, tốc độ và kỹ thuật của Vương Đức Khánh khiến các cảnh sát tâm phục khẩu phục.

Từ năm 2003 đến 2012, Vương Đức Khánh làm tổng huấn luyện viên tại căn cứ đặc nhiệm Cục Cảnh sát Quốc gia Hungary, đồng thời là huấn luyện viên đối kháng cho đội cận vệ Tổng thống Hungary. Anh còn được Cục Cảnh sát Quốc gia Hungary ủy thác biên soạn giáo trình cảnh sát, kết hợp thiền võ với huấn luyện thường ngày. Từ đó, mỗi cảnh sát Hungary đều học võ thuật Trung Quốc.

Từ năm 2013, Vương Đức Khánh chuyển sang làm công tác giao lưu cảnh vụ, nhưng vẫn tổ chức hai khóa học mỗi năm cho cảnh sát Hungary. Vương Đức Khánh không chỉ dạy chiêu thức mà còn giải thích ý nghĩa văn hóa và triết lý đằng sau. “Ví dụ, khi dạy đẩy tay, tôi giải thích ba tầng cảnh giới: cảnh giới sức mạnh, luyện kỹ năng chiến đấu qua đẩy kéo; cảnh giới hóa giải, khéo léo hóa giải lực của đối thủ; và cảnh giới hòa hợp, dùng sự mềm mại trả lại lực cho đối thủ, đạt đến ‘dĩ nhu khắc cương, lấy hòa làm quý’”, Vương Đức Khánh tuyên bố.

Hiện nay, Liên minh Quốc tế Thiền Võ do Vương Đức Khánh thành lập có hơn 10 hiệp hội và 60 câu lạc bộ võ thuật khắp Hungary, đào tạo hơn 100 huấn luyện viên. Người Hungary học kungfu ngày càng đông, nhận thức về kungfu cũng sâu sắc hơn, hiểu rằng kungfu không chỉ giúp tự vệ mà còn dưỡng sinh và rèn đức. Tại các công viên, quảng trường, người dân thường xuyên luyện thái cực quyền, và cả chính khách lẫn người nổi tiếng cũng yêu thích môn võ truyền thống nhẹ nhàng này.

Sơn Tùng

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cao-thu-thieu-lam-danh-bai-linh-dac-nhiem-day-vo-cho-canh-sat-chau-au-ar952393.html
Zalo