Cao su Phước Hòa với hành trình 'xanh hóa' chuỗi giá trị

Với nhật thức 'phát triển bền vững không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc' nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và áp lực ngày càng lớn từ các thị trường xuất khẩu, Công ty CP Cao su Phước Hòa đã lồng ghép chiến lược 'xanh hóa' trực tiếp vào kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Đồng thời bám sát các chuẩn mực quốc tế như EUDR, PEFC, ISO 9001, ISO 14001, và hướng tới các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị (ESG)…

Lấy quản lý rừng bền vững là nền tảng cốt lõi

Công ty đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình quản lý rừng bền vững, thông qua việc thiết lập hệ thống bản đồ tọa độ địa lý (geo-location) cho toàn bộ vùng nguyên liệu. Việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện rõ ràng từ cấp bản đồ vườn cây đến sản phẩm cuối cùng, giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về không phá rừng.

Khu vực xử lý nước thải để tái sử dụng cho một số công đoạn sản xuất.

Khu vực xử lý nước thải để tái sử dụng cho một số công đoạn sản xuất.

Toàn bộ vùng nguyên liệu của công ty được quản lý theo các nguyên tắc quản lý rừng bền vững, bảo đảm cân bằng giữa lợi ích kinh tế và gìn giữ môi trường tự nhiên.

Trong lĩnh vực chế biến, Công ty CP Cao su Phước Hòa tiên phong áp dụng giải pháp công nghệ xanh, bao gồm: sử dụng Gas LPG và sinh khối Biomass trong quy trình xông sấy mủ cao su; tái sử dụng nước thải và xử lý tuần hoàn; tận dụng bùn thải để sản xuất phân hữu cơ vi sinh; giảm thiểu chất thải rắn và khí thải từ các nhà máy chế biến. Trong đó, riêng lượng bùn thải từ xử lý mủ cao su, công ty đã sản xuất được khoảng 2.000 tấn phân vi sinh/năm để bón lại cho các vườn cao su. Những giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành mà còn giảm đáng kể tác động đến môi trường.

Nhằm nâng cao nhận thức và đồng hành cùng người lao động, mỗi năm, công ty đều tổ chức các lớp tập huấn về quản lý rừng bền vững cho người lao động và các đơn vị trực thuộc, nhằm nâng cao nhận thức, năng lực thực hành, và sự gắn bó lâu dài với các mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Số hóa toàn diện dữ liệu vùng nguyên liệu

Ngay khi có thông tin về Quy định chống phá rừng của EU (EUDR), công ty đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển phần mềm kiểm soát nguồn gốc mủ cao su, đảm bảo toàn bộ dữ liệu được số hóa, minh bạch và truy xuất được đến từng tọa độ. Tất cả các lô hàng xuất khẩu sang châu Âu đều đi kèm hồ sơ địa lý chứng minh không phá rừng, phù hợp với yêu cầu khắt khe của EUDR là không sử dụng đất rừng bị phá sau ngày 31/12/2020. Ngoài ra công ty còn hợp tác cùng các đối tác quốc tế để triển khai hệ thống thẩm tra phù hợp (Due Diligence System - DDS) theo chuẩn PEFC EUDR.

Sản xuất phân vi sinh từ bùn thải để tái sử dụng cho vườn cao su.

Sản xuất phân vi sinh từ bùn thải để tái sử dụng cho vườn cao su.

Theo ông Trần Hoàng Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Phước Hòa, chuyển đổi xanh không tránh khỏi những thách thức lớn về chi phí đầu tư ban đầu, từ thiết bị công nghệ, đào tạo nhân sự, đến triển khai hệ thống CNTT và các thủ tục chứng nhận. Tuy nhiên, công ty cũng xác định rõ đây là cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ; gia tăng uy tín thương hiệu và khả năng cạnh tranh toàn cầu. Do đó, trong giai đoạn tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào mô hình kinh tế tuần hoàn: tái chế phụ phẩm từ mủ cao su, tận dụng năng lượng mặt trời cho sản xuất; tham gia thị trường tín chỉ carbon nếu điều kiện pháp lý và kỹ thuật cho phép.

“Công ty đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái sản xuất bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - người trồng cao su - cộng đồng - chính quyền địa phương, từ đó tạo ra giá trị lâu dài cho toàn bộ chuỗi cung ứng”, ông Giang khẳng định.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/cao-su-phuoc-hoa-voi-hanh-trinh-xanh-hoa-chuoi-gia-tri-i774726/
Zalo