Cao Bằng nỗ lực giảm nghèo bền vững
Với nhiều giải pháp đồng bộ, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại Cao Bằng đang phát huy hiệu quả, giúp nâng cao đời sống người dân.

Người dân phường Thục Phán, tỉnh Cao Bằng phát triển kinh tế nuôi ong lấy mật để giảm nghèo bền vững. (Ảnh: NL)
Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực
Là địa phương miền núi có nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng và mặt bằng dân trí, công tác giảm nghèo bền vững tại Cao Bằng luôn là một bài toán không dễ tìm lời giải. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, ngành, chương trình giảm nghèo tại Cao Bằng đã từng bước tạo ra những chuyển biến rõ rệt.
Theo UBND tỉnh Cao Bằng, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025. Hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn, hỗ trợ sinh kế được tổ chức đã mang lại tác động rõ nét đến cộng đồng, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn.
Cụ thể, toàn tỉnh đã xây dựng mới trên 200 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu như đường giao thông, công trình cấp nước sinh hoạt, điện thắp sáng... Đồng thời, tỉnh cũng duy tu, bảo dưỡng hơn 170 công trình phục vụ dân sinh, góp phần cải thiện điều kiện sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đặc biệt khó khăn.
Hoạt động truyền thông về chính sách, pháp luật liên quan đến giảm nghèo cũng được chú trọng. Trong hơn hai năm, toàn tỉnh có 501 hội nghị tuyên truyền được tổ chức, thu hút gần 25.000 lượt người tham gia. Trên 30.000 tờ rơi được phát hành; nhiều chuyên mục trên truyền hình, phát thanh lưu động, băng rôn, khẩu hiệu, phóng sự chuyên đề... được triển khai rộng rãi, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Song song với đó, Cao Bằng còn triển khai các chính sách hỗ trợ nhà ở, sinh kế, vay vốn... phù hợp với điều kiện từng vùng, từng nhóm đối tượng.
Một trong những mô hình hỗ trợ thiết thực là chương trình hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi gắn với sinh kế bền vững. Điển hình là gia đình anh Lầu A Vàng, xóm Khuổi Bốc, xã Bảo Lạc. Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác, thiếu vốn sản xuất. Nhờ được hỗ trợ 10 triệu đồng từ chương trình giảm nghèo để mua bò giống sinh sản, anh đã đối ứng thêm kinh phí để mua 1 cặp bò và bê.

Anh Lầu A Vàng xóm Khuổi Bốc, xã Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò cái sinh sản. (Ảnh: TH)
Anh Lầu A Vàng cho biết: Không chỉ được hỗ trợ về giống, gia đình tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, trồng thêm cỏ voi và chuối làm thức ăn cho bò. Nhờ vậy, đàn bò của gia đình phát triển tốt, tạo thêm thu nhập từ việc bán bê con. Sau một thời gian, gia đình tôi đã có nguồn thu ổn định và chính thức thoát nghèo. Các con được đến trường đầy đủ, kinh tế gia đình dần cải thiện rõ rệt.
Không chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, Cao Bằng còn chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực thực hiện chương trình cho cán bộ và người dân. Toàn tỉnh đã tổ chức 323 lớp tập huấn với hơn 22.000 lượt người tham dự. Nội dung tập huấn tập trung vào kỹ năng quản lý, triển khai chương trình, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi, cải thiện sinh kế.
Một điểm sáng khác là chương trình tín dụng chính sách. Năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đã giải ngân trên 400 tỷ đồng cho gần 7.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và học sinh, sinh viên. Nhờ đó, nhiều hộ có điều kiện cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới nhà ở, đầu tư sản xuất, tạo thêm sinh kế bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đánh giá là "đòn bẩy quan trọng" giúp người dân vượt qua khó khăn, từng bước thoát nghèo.
Những kết quả ấn tượng
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và các giải pháp đồng bộ, công tác giảm nghèo ở Cao Bằng đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ước tính đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh sẽ giảm khoảng 21,22%, bình quân mỗi năm giảm trên 4,2%. Đây là con số ấn tượng, vượt yêu cầu tối thiểu theo chuẩn nghèo đa chiều mới.

Năm 2025, tỉnh Cao Bằng phấn đấu giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo.
Về định hướng trong thời gian tới, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa: Giảm nghèo bền vững tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Để đạt được mục tiêu này, các cấp, ngành và địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong triển khai chương trình; đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương.
Bước sang giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo hướng phân cấp mạnh cho cơ sở trong phân bổ vốn, đầu tư công và tổ chức thực hiện. Việc lồng ghép hiệu quả với các chương trình mục tiêu khác trên cùng địa bàn sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm gia tăng hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, Cao Bằng sẽ tập trung khuyến khích người dân tham gia vào các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ nông sản ổn định, góp phần nâng cao thu nhập một cách bền vững. Công tác đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất sẽ tiếp tục là giải pháp trọng tâm để rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, từng bước hiện thực hóa mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau".