Cao Bằng có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành các quyết định đưa 3 di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của tỉnh Cao Bằng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

: Sách cổ viết bằng chữ Nôm Tày.
Các di sản bao gồm: Chữ Nôm của người Tày; kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền, tập trung xã Tam Kim và Thành Công; nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao đỏ tại xã Thanh Long.
Chữ Nôm của người Tày là loại hình chữ viết cổ, ra đời từ nhu cầu ghi chép tiếng nói của cộng đồng người Tày trên cơ sở vay mượn chữ Hán và cải biến phù hợp với ngữ âm dân tộc. Đây là di sản thuộc loại hình “Tiếng nói, chữ viết”, thể hiện trình độ nhận thức, khả năng sáng tạo và bản sắc văn hóa riêng biệt của người Tày là dân tộc chiếm số đông nhất tại tỉnh Cao Bằng. Chữ Nôm Tày từng được sử dụng trong nghi lễ tín ngưỡng, thơ ca dân gian, sách thuốc, truyện thơ, các bản khấn cúng và văn học truyền miệng… Việc công nhận loại hình chữ viết này góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số đang dần bị mai một.

Phụ nữ dân tộc Dao tiền, điểm du lịch cộng đồng bản Hoài Khao xã Quang Thành (cũ) duy trì kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong được nhiều khách du lịch ưa chuộng.
Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền thuộc loại hình “Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống”. Đây là kỹ thuật đặc biệt để tạo hoa văn trên trang phục bằng cách sử dụng sáp ong vẽ họa tiết lên vải, sau đó nhuộm chàm. Khi sáp được làm nóng chảy dùng để làm chất liệu in lên vải thủ công làm các hoa văn hiện rõ, tạo nên những bộ váy áo có giá trị nghệ thuật cao. Di sản này không chỉ thể hiện sự tinh tế, thẩm mỹ và tay nghề thủ công của phụ nữ Dao tiền, mà còn mang yếu tố tâm linh và bản sắc riêng biệt trong đời sống văn hóa dân tộc.

Một trong những bộ tranh thờ do người Dao đỏ xã Thanh Long (Hà Quảng) thực hiện. Ảnh: Lục Thiện (ảnh tư liệu Báo Cao Bằng)
Nghệ thuật vẽ tranh thờ của người Dao đỏ tại xã Thanh Long là di sản thuộc loại hình “Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng”. Tranh thờ Dao đỏ là một bộ phận thiết yếu trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Dao về vũ trụ, thần linh và tổ tiên. Nghệ nhân vẽ tranh thường là những người am hiểu sâu sắc về tín ngưỡng người Dao, kỹ thuật vẽ tay với màu sắc tự nhiên như than, đất, rễ cây... Các bức tranh không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn mang nội dung giáo dục văn hóa tâm linh truyền đời.
Việc đưa 3 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị đặc sắc của các dân tộc Tày, Dao đỏ và Dao tiền trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mà còn tạo động lực để các địa phương gìn giữ, phục hồi và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trong đời sống đương đại. Đây cũng là minh chứng sống động cho sự đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.