'Canh thiên tai' để dân được bình an
Các bản tin dự báo khí tượng thủy văn có độ chính xác cao được cung cấp nhanh cho cơ quan liên quan, chính quyền địa phương... đều hướng tới mục đích cao nhất là sự an toàn và bình yên của nhân dân.
"Bắt mạch cho trời" là công việc khó, gian nan nhưng vì sự an toàn của cộng đồng với phương châm "tính mạng của con người là trên hết", cán bộ khí tượng thủy văn đã luôn nỗ lực, ứng trực 24/24h, cung cấp các thông tin dự báo cảnh báo đối với bão số 3, áp thấp nhiệt đới cũng như các hình thái thời tiết nguy hiểm do tác động của bão, hoàn lưu bão phục vụ sự chỉ đạo, điều hành, của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và tuyên truyền các cơ quan Thông tấn, báo chí.... Tất cả vì sự an toàn, bình yên của người dân trước, trong và sau thiên tai.
*Điện sáng 24/24 giờ trên căn phòng tác nghiệp khí tượng thủy văn

Cán bộ khí tượng thủy văn đã luôn nỗ lực, ứng trực 24/24h. Ảnh: Thắng Trung/Bnews/vnanet.vn.
Từ 9 giờ sáng ngày 22/7, khi bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, có mặt tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn - căn phòng quen thuộc trên tầng 12, trụ sở Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trước mắt tôi vẫn là những hình ảnh quen thuộc. Các cán bộ khí tượng thủy văn thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục vẫn cần mẫn theo dõi bão số 3 được đánh giá là bão mạnh, hoàn lưu rộng, gây mưa rất lớn ở nhiều khu vực.
Đến 19 giờ, khi bão số 3 suy yếu thành áp thấp, vẻ họ mặt họ có vẻ giãn ra nhưng vẫn làm việc cần mẫn như thể quên thời gian, trên bàn làm việc của họ là hàng loạt bảng số liệu dày đặc về bão số 3, áp thấp nhiệt đới liên tục phải cập nhật. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa "núi" thông tin vẫn là việc đi đến cuối phòng tác nghiệp nhấp ngụm chè mạn hoặc ly cà phê cho tỉnh táo rồi trở lại ngay vị trí làm việc.
Gặp Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Nguyễn Thượng Hiền tại tầng 12 A, Tòa nhà của Cục, ông cho biết, "từ khi bão WIPHA vào biển Đông sáng 19/7, tôi cũng đã ứng trực với các đồng nghiệp cho tới thời điểm hiện tại (đêm 22/7)". "Công việc của những cán bộ khí tượng thủy văn vẫn là vậy, miễn sao những công việc mình làm có thể đến với người dân bằng những bản tin dự báo, cảnh báo, từ đó họ chủ động trong công tác ứng phó, đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình như vậy là mình vui rồi", Người đứng đầu Cục Khí tượng Thủy văn chia sẻ.

Phóng viên TTXVN phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia. Ảnh: Bnews/vnanet.vn
Thường xuyên ứng trực tại cơ quan, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ông Mai Văn Khiêm luôn bận rộn bởi các cuộc điện thoại với những tin tức như thường lệ của hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, cũng như của các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan phản hồi, của lãnh đạo ngành. Tuy bận rộn nhưng vị Giám đốc không quên động viên các dự báo viên ca trực nỗ lực theo dõi sát sao hướng đi, diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới để ghi nhận dù là những chuyển động nhỏ nhất của cơn bão với nhiều diễn biến phức tạp.
"Điều quan trọng cũng như nguyên tắc trong quy trình dự báo là không để sót lọt, chậm thông tin về thiên tai, làm sao để chuyển tải cách nhanh nhất các thông tin này đến các cơ quan liên quan và hệ thống các đơn vị truyền thông để góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại trước thiên tai nguy hiểm", Giám đốc Mai Văn Khiêm tâm sự.
Tham gia vào ca trực bão, dự báo viên Nguyễn Thanh Bình, dự báo viên chính, Phòng Dự báo số trị và Viễn thám, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, người đã công tác lâu năm tại nơi đây đã quá thân thuộc với công việc của mình với mỗi đêm thức trắng khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ.
"Công việc khó khăn, nhiều áp lực đôi lúc là thách thức nhưng bản thân tôi rất yêu nghề. Việc góp phần vào để đưa ra những bản tin dự báo, cảnh báo sớm, sát thực tế, kịp thời sẽ giúp cho việc phòng, chống thiên tai được hiệu quả hơn, từ đó giảm thiệt hai", bà Nguyễn Thanh Bình đưa ra cảm nhận.
*Sự bình yên và an toàn của người dân là trên hết
Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, các bản tin dự báo khí tượng thủy văn có độ chính xác cao, phù hợp với thực tế, được cung cấp nhanh cho các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương... đều hướng tới mục đích cao nhất là sự an toàn và bình yên của nhân dân.

Triều cường dâng cao, sóng biển đánh mạnh dữ dội ở vùng biển Cô Tô. Ảnh: TTXVN phát
Mặc dù bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào lúc 19 giờ ngày 22/7 nhưng hoàn lưu của bão vẫn gây gió mạnh, sóng lớn trên biển ở vùng biển phía Tây khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, đảo Hòn Dấu và Hòn Ngư) với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.
Cùng với đó, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió giật cấp 6-7.
Ngoài ra, từ đêm 22/7 đến sáng ngày 23/7, Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Phú Thọ và Sơn La có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn trên 100mm trong 3 giờ. Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh, trong thời gian trước, trong và sau áp thấp nhiệt đới, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, trong đó có áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3; tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động của hoàn lưu bão phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai cho Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

Cán bộ khí tượng thủy văn trực bão. Ảnh: Thắng Trung/Bnews/vnanet.vn
Bên cạnh đó, đảm bảo hoạt động ổn định hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị phụ trợ dự báo; cung cấp thông tin về áp thấp nhiệt đới, các hình thái thời tiết liên quan có khả năng xảy ra hoặc do ảnh hưởng của áp thấp trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, trên ứng dụng di động phục vụ người dùng khai thác; cung cấp các sản phẩm dự báo đến các đơn vị theo quy định. Trung tâm tiếp tục ban hành bản tin về áp thấp nhiệt đới để chính quyền và người dân địa phương biết và chủ động ứng phó.
"Người thuyền trưởng" của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo: "Thời tiết trên biển, vùng đất liền ven biển trong áp thấp nhiệt đới cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ phương tiện, công trình nào hoạt động trong vùng nguy hiểm như: tàu du lịch, tàu chở khách, tàu vận tải, lồng, bè, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè, tuyến đường ven biển. Các phương tiện có khả năng cao bị lật úp, phá hủy, ngập úng do gió mạnh, dông, lốc, sóng lớn".
Nhưng cho dù hoàn lưu bão có tan thì công việc của người làm công tác khí tượng thủy văn lại tiếp tục chuyển sang "giai đoạn mới" khó khăn hơn nhiều, đó là dự bão lũ trên các hệ thống sông. Lũ có thể gây tác động rất nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.... giống như cơn bão số 3 và hoàn lưu bão này.
"Trung tâm sẽ theo dõi và ban hành sớm, kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo lũ trên hệ thống sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), Giám đốc Mai Văn Khiêm khẳng định.
Trở về nhà khi màn đêm đã buông xuống, Thủ đô Hà Nội im lặng và thưa thớt trong bão, ngắm nhìn khung cảnh ấy, tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh đẹp về những con người "Bắt mạch cho trời". Âm thầm và lặng lẽ, họ đã làm tất cả vì sự bình yên của nhân dân, vì sự dựng xây một xã hội an toàn trước thiên tai, đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Tôi bỗng sực nhớ mấy câu thơ mà mình đọc ở đâu đó...
Người báo bão ngồi im
những nhà cao tầng? Báo động
những cây đại thụ? Báo động
Gặt sớm những cánh đồng chưa chín tới
ga hàng không thay đổi giờ bay
trời im nắng như không hề sắp bão
Sẽ ra sao khi cơn bão đổi chiều
khi cơn bão chỉ là ảo ảnh
khi giác quan thứ sáu bị lừa?...
Người báo bão ngồi im
nhà thơ già râu tóc trắng ngồi im
những câu thơ – những dòng tin báo bão hiện lên!