Cảnh giác với 'sale sập sàn' trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, những dòng trạng thái quảng cáo 'sale sập sàn', 'sale hủy diệt', 'sale sấp mặt', 'giảm giá 50%, cam kết hàng chính hãng, bảo hành 3 năm', 'giảm giá 70% tri ân khách hàng lần đầu tiên tại Việt Nam',... lại xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Rồi không ít các chương trình ưu đãi 'mua 1 tặng 1', 'mua 2 tính tiền 1',... hay săn sale giá rẻ 1K, 10K và thậm chí là 0Đ vào các dịp lễ, tết, Black Friday,... là chiêu trò dẫn dụ nạn nhân ham đồ giá rẻ 'sập bẫy' lừa đảo 'săn sale giá rẻ'.

Người dân cần cảnh giác với các quảng cáo khuyến mại xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo

Người dân cần cảnh giác với các quảng cáo khuyến mại xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo

Mới đây, dư luận xôn xao khi một website thông báo hãng đồng hồ Omega nổi tiếng từ Thụy Sĩ đang “sale hủy diệt”, giảm giá đến 70% kèm theo hình ảnh khách hàng phải vật vã xếp hàng dài trước siêu thị chờ mua sản phẩm cùng lời khuyến nghị khách hàng đặt hàng qua website thì lúc nào cũng có. Để kích thích khách hàng, trên website còn hiển thị đồng hồ đếm ngược thúc giục mọi người mua hàng khi chương trình khuyến mại sắp hết hạn.

Với chiêu trò này, kẻ lừa đảo đã đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng tự nguyện chui đầu vào bẫy vì những chiếc đồng hồ Omega “sale sập sàn" kể trên chỉ là hàng nhái, hàng giả mang danh nghĩa “hàng chính hãng giảm giá”. Trong khi trên thực tế, đại diện của hãng Omega tại Việt Nam khẳng định không có bất cứ chương trình khuyến mại nào và địa chỉ website trên mạng xã hội không phải website chính thức của đại lý phân phối.

Cũng với chiêu trò "sale sập sàn”, “sale hủy diệt”,… hàng ngàn nạn nhân đã dính bẫy “Khai trương cửa hàng, giảm giá 50% điện thoại iPhone 13 cho 10 khách hàng đầu tiên” khi họ “may mắn” trở thành “10 khách hàng đầu tiên” được nhận ưu đãi mua iPhone 13 Pro max với giá chỉ 12,9 triệu đồng (giá thị trường khoảng 26 triệu đồng). Tất nhiên, để mua được chiếc iPhone giảm giá 50% này, khách hàng phải “đặt cọc 300.000 đồng để giữ chỗ vì quá nhiều người đăng ký”. Với số tiền bỏ ra quá nhỏ so với việc mua được iPhone 13 giảm giá 50% nên hàng ngàn người đã lập tức chuyển khoản và “sập bẫy” lừa đảo.

Ngoài chuyện treo biển giảm giá để bán hàng giả, hàng nhái hoặc lừa đảo chiếm tiền đặt cọc như đã kể trên thì sự thật các chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay trên mạng xã hội có đúng là giảm giá hay không? Theo một số chuyên gia, mặc dù được quảng cáo là giảm giá "sập sàn", giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Bởi thực chất, không ít doanh nghiệp sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 60-70% rồi giảm giá 30-50% thì người tiêu dùng vẫn chịu thiệt. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác trong việc lựa chọn các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng khi mua bán sản phẩm, hàng hóa.

Theo quy định mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Thế nhưng, trên thực tế, quy định này chưa được thực hiện đúng hay thực hiện mang tính hình thức. Bởi mức giá bán hay giảm giá là do các cửa hàng tự đưa ra mà không có bất kỳ sự giám sát nào của ngành chức năng. Một nạn nhân kể lại giá sale hơn 500.000 đồng nhưng khi bóc lớp giá này ra thì lại là một con số khác chỉ hơn 400.000 đồng do cửa hàng dán chồng lên. Vậy đâu mới là giá trị thật của sản phẩm, có lẽ chỉ có người bán mới biết.

Do quy định về việc khuyến mãi chưa rõ ràng, chưa được kiểm soát chặt chẽ chính là kẽ hở để các đơn vị kinh doanh, nhất là các cửa hàng nhỏ, lẻ, tự phát, thậm chí không có giấy phép kinh doanh "tung quả mù", mượn chiêu giảm giá để trục lợi. Do đó, để tránh “sập bẫy” các chiêu trò khuyến mại, giảm giá, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua sắm. Người dân cần thận trọng khi thấy sản phẩm có giá quá rẻ so với thị trường để tránh mắc bẫy./.

Trung Dũng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/canh-giac-voi-sale-sap-san-tren-mang-xa-hoi-a177179.html
Zalo