Cảnh giác với lợn bệnh, ngừa biến chứng cực nghiêm trọng do nhiễm liên cầu lợn
Bệnh liên cầu lợn không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi mà còn có thể lây sang người, gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Tình trạng nhiễm liên cầu lợn ở người chủ yếu do tiếp xúc với lợn bệnh hoặc tiêu thụ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ.
1. Thịt lợn nhiễm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng
NỘI DUNg
1. Thịt lợn nhiễm bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng
2. Biểu hiện và biến chứng nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người
3. Cách phòng tránh nhiễm liên cầu lợn
Theo Bộ Y tế, liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis là tác nhân gây bệnh ở lợn và một số gia súc khác (trâu, bò, dê, ngựa, ...) mang mầm bệnh, đôi khi gây bệnh trên người.
Streptococcus suis là cầu khuẩn Gram dương, dựa vào các polysaccharid vỏ vi khuẩn đã được xác định có 35 type huyết thanh, gây bệnh cho người và lợn chủ yếu là type 2.
Bệnh ở lợn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Bệnh ở lợn thường xuất hiện tản phát nhưng cũng có khi bùng phát thành dịch. Thông thường người bị nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc ăn tiết canh, thịt lợn ốm, thịt lợn chết chưa nấu chín.
Ở người, vi khuẩn gây hai bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong.

Tiết canh, lòng lợn chưa được nấu chín kỹ có thể chứa một lượng lớn vi khuẩn Streptococcus suis.
Các con đường lây nhiễm chính sang người:
Ăn tiết canh, lòng lợn sống hoặc tái: Đây là con đường lây nhiễm phổ biến nhất và nguy hiểm nhất. Tiết canh, lòng lợn chưa được nấu chín kỹ có thể chứa một lượng lớn vi khuẩn Streptococcus suis.
Tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc sản phẩm từ lợn bệnh: Những người làm nghề chăn nuôi, giết mổ lợn, hoặc chế biến thịt lợn có nguy cơ cao bị lây nhiễm qua các vết xước, vết thương hở trên da.
Sử dụng thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín kỹ: Mặc dù ít phổ biến hơn ăn tiết canh nhưng việc ăn thịt lợn nhiễm khuẩn không được nấu chín kỹ cũng có thể là nguồn lây bệnh.
Do đó, việc cảnh giác với thịt lợn nhiễm liên cầu khuẩn không chỉ là trách nhiệm của người tiêu dùng mà còn đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ từ phía các cơ quan chức năng và ý thức phòng bệnh của người chăn nuôi. Nâng cao nhận thức và thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm là chìa khóa để bảo vệ cộng đồng khỏi mối nguy hiểm tiềm ẩn này.
2. Biểu hiện và biến chứng nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người
Khi bị nhiễm Streptococcus suis, người bệnh có thể có các biểu hiện đa dạng, từ nhẹ đến rất nặng. Thời gian ủ bệnh từ 1-3 ngày, có thể kéo dài tới 10 ngày.
Tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn ở người khá cao, đặc biệt nếu bệnh nhân nhập viện muộn hoặc không được điều trị kịp thời và đúng cách.
2.1. Các triệu chứng khởi phát cấp tính
Sốt cao có thể kèm theo rét run.
Mệt, đau mỏi người.
Đau đầu, buồn nôn và nôn.
Đau bụng, tiêu chảy.
Có thể mê sảng, ngủ gà, hôn mê.
Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết có thể xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử lan rộng ở mặt, ngực, chân, tay, hoại tử đầu chi.
2.2. Giai đoạn toàn phát
Bệnh biểu hiện dưới 2 thể lâm sàng chính:
- Viêm màng não mủ:
+ Hội chứng màng não: Đau đầu, nôn, cứng gáy, dấu hiệu Kernig dương tính.
+ Chậm chạp, lú lẫn, hôn mê hoặc kích động, co giật.
+ Dịch não tủy đục.
- Nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn:
+ Huyết áp tụt (huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc giảm 40 mmHg so với bình thường) hoặc kẹt (hiệu số giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu ≤ 20 mmHg).
+ Nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút, mạch nhỏ, khó bắt.
+ Vã mồ hôi, lạnh đầu chi, nổi vân tím trên da.
+ Thiểu niệu hoặc vô niệu.
+ Các biểu hiện khác có thể gặp: như xuất huyết dưới da, niêm mạc, nội tạng; Suy thận cấp; Suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); Vàng da, gan to; Viêm mô tế bào, tắc mạch đầu chi.
3. Cách phòng tránh nhiễm liên cầu lợn

Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình khỏi nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sau theo khuyến cáo của Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế:
- Không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết. Thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch;
- Sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết;
- Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc;
- Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng;
- Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh; không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác;
- Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.