Cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc về Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng

Những năm qua, dù đã thực hiện nhiều thủ đoạn, vừa công khai, trắng trợn, vừa ngấm ngầm hòng phá hoại, bôi nhọ, công kích chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, nền văn hóa mới của dân tộc nhưng không mang lại kết quả, các thế lực thù địch đang có sự điều chỉnh thủ đoạn chống phá hòng chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.

Hội nghị đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội trẻ vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV diễn ra ngày 22-6-2025. Ảnh: quochoi.vn

Hội nghị đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội trẻ vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV diễn ra ngày 22-6-2025. Ảnh: quochoi.vn

Đặc biệt, năm 2025 là năm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, các thế lực thù địch lại càng ra sức chống phá cách mạng nước ta quyết liệt hơn và bằng những thủ đoạn tinh vi, thâm độc hơn, trong đó có xuyên tạc về dự thảo các văn kiện của Đại hội XIV.

“Bổn cũ soạn lại” để chống phá mỗi khi đến kỳ tổ chức đại hội Đảng

Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, việc Trung ương Đảng công bố dự thảo văn kiện để lấy ý kiến từ cơ sở là một bước quan trọng, thể hiện tính dân chủ, cầu thị. Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm này, các thế lực thù địch đã tăng cường phát tán những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Nhiều luận điệu sai lệch của những kẻ có dã tâm chống phá đã xuất hiện trên không gian mạng, như: “văn kiện chỉ ca ngợi thành tích, không nhìn nhận hạn chế”; “các mục tiêu phát triển không thực tế, thiếu cơ sở khoa học”; “Đảng không minh bạch trong công khai nội dung văn kiện”; hay “chính sách chỉ phục vụ lợi ích nhóm, không đại diện ý chí nhân dân”. Thậm chí có kẻ cố tình bịt tai, che mắt mà nói rằng, “Dự thảo các văn kiện của Đại hội XIV chỉ mang tính hình thức, thiếu tính thực tiễn, không phản ánh đúng nguyện vọng của người dân”.

Lại có kẻ vì thiển cận nên đã cho rằng: “Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng không có gì mới”. Những luận điệu này nhằm gây hoang mang dư luận, chia rẽ nội bộ và làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Với giọng điệu này, mục đích của chúng không chỉ nhằm phá hoại sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, mà còn tạo tâm lý nghi ngờ trong xã hội về tính minh bạch và dân chủ của quá trình xây dựng văn kiện. Nguy hiểm và thâm độc hơn, các thế lực này không chỉ dừng lại ở việc bóp méo nội dung văn kiện, mà còn ra sức phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng xuyên tạc rằng văn kiện né tránh hạn chế, chỉ tập trung vào thành tích, trong khi công tác nhân sự bị áp đặt, thiếu dân chủ. Những luận điệu này nhằm kích động tư tưởng “đa nguyên, đa đảng”, làm suy yếu niềm tin vào sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, qua đó gieo rắc tư tưởng chống đối trong một bộ phận quần chúng.

Thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là tung “hỏa mù”, hạ thấp, phủ nhận những điểm mới trong nội dung các văn kiện, qua đó tác động đến quá trình chuẩn bị các văn kiện đại hội, nhằm thực hiện âm mưu làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ngay từ trong quan điểm, đường lối của Đảng. Tuy nhiên, không chỉ cộng đồng mạng, mà đông đảo người dân đã vạch trần âm mưu của chúng là nhằm làm suy yếu lòng tin của nhân dân vào các định hướng lớn của Đảng.

Chưa hết, với những thủ đoạn hết sức lố bịch, chúng còn bịa đặt rằng quy trình nhân sự không minh bạch, bị chi phối bởi lợi ích nhóm, đồng thời phê phán rằng các mục tiêu phát triển được đề ra là không khả thi, thiếu cơ sở khoa học. Rõ ràng, những luận điệu trên không phải là mới, vẫn chỉ là những “bổn cũ soạn lại” để chống phá mỗi khi đến kỳ tổ chức đại hội của Đảng.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và thế giới

Rõ ràng, những luận điệu xuyên tạc về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV rất thiển cận. Bởi dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV đã kế thừa có chọn lọc những nội dung quan trọng trong văn kiện các đại hội của Đảng; đồng thời, có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và thế giới trong giai đoạn hiện nay. Bằng chứng là trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu rõ chủ đề của Đại hội XIV là “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Chủ đề này hàm chứa tính khái quát rất cao và đặc biệt trong đó đã bổ sung mệnh đề hoàn toàn mới: “Vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Điểm mới nổi bật thứ 2 về bối cảnh thế giới hiện tại và dự báo những năm tới, trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã bổ sung đánh giá và nhận định: Cục diện thế giới đang có sự chuyển biến nhanh, phức tạp chưa từng có theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng và phân tuyến mạnh. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều thách thức mới, có tính chất phức tạp hơn... Toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn tiến triển, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn; khu vực hóa và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đi đôi với xu hướng điều chỉnh chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu… Trong khi đó, cũng thể hiện nội dung này nhưng Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra nhận định: Bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, với những chuyển biến sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo, với cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tiềm ẩn nhiều bất ổn... Cuộc cách mạng công nghệ số, tạo ra cả thời cơ và thách thức…

Đặc biệt, trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã lần đầu tiên nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm mang tầm lý luận về đường lối đổi mới. Cụ thể là nội dung của bài học thứ 5 đã nêu rõ: …Giải quyết tốt quan hệ giữa kế thừa, bổ sung và phát triển; kết hợp nhuần nhuyễn giữa tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, với hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, Dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định hệ quan điểm chỉ đạo mới, đó là: Gắn kết chặt chẽ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Về chiến lược tổng thể phát triển đất nước, dự thảo báo cáo đã bổ sung nhận thức mới: Bảo vệ môi trường là trung tâm; phát triển văn hóa, con người là nền tảng; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình nhắm mắt nói liều bằng việc sử dụng mạng xã hội, blog, diễn đàn để lan truyền các nội dung cắt ghép, bóp méo, gây nhiễu loạn thông tin. Các bài viết, video sai sự thật được phát tán rộng rãi nhằm làm giảm uy tín của Đảng và ảnh hưởng đến quá trình lấy ý kiến góp ý từ nhân dân.

Trước những âm mưu xuyên tạc và chống phá về các văn kiện trình Đại hội XIV Đảng, biện pháp ngăn ngừa và phòng chống hiệu quả nhất là các cơ quan chức năng cần huy động đông đảo đội ngũ trí thức, chuyên gia, học giả và các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến một cách tích cực, minh bạch vào Dự thảo Văn kiện đại hội Đảng. Vì việc làm này không chỉ giúp củng cố tính dân chủ, mà còn là cách hiệu quả nhất để vạch trần các hành vi lợi dụng việc góp ý để chống phá. Và thực tế đã chứng minh rằng, chính sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân cùng những giải pháp chủ động, quyết liệt, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn hiệu quả các âm mưu này, để bảo vệ vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển bền vững của đất nước.

Diệp Viên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202507/canh-giac-truoc-thu-doan-xuyen-tac-ve-du-thao-van-kien-dai-hoi-xiv-cua-dang-465124f/
Zalo