Cảnh báo tác hại khi lạm dụng keratin phục hồi, làm đẹp tóc
Mặc dù keratin được biết đến với khả năng phục hồi, làm đẹp tóc nhưng việc sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng có thể gây ra một số tác hại cho tóc và sức khỏe.
Hóa chất có trong keratin gây hại
Nội dung
Hóa chất có trong keratin gây hại
Tác hại có thể gặp khi lạm dụng keratin phục hồi, làm đẹp tóc
Lưu ý quan trọng để giảm thiểu tác hại
Bản thân keratin là một loại protein tự nhiên có lợi cho tóc, giúp làm đẹp tóc. Tuy nhiên, việc lạm dụng keratin phục hồi và làm đẹp tóc có thể gây ra nhiều tác hại cho cả tóc và sức khỏe tổng thể. Các tác hại chủ yếu đến từ các hóa chất đi kèm trong sản phẩm. Đặc biệt là formaldehyde và việc sử dụng nhiệt độ cao trong quá trình thực hiện.
Chất formaldehyde: Nhiều sản phẩm keratin, đặc biệt là loại làm thẳng tóc, có chứa formaldehyde hoặc chất giải phóng formaldehyde khi làm nóng. Formaldehyde là một chất được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm chất gây ung thư.
Các hóa chất khác: Ngoài formaldehyde, mặc dù ít xuất hiện nhưng một số sản phẩm keratin chuyên biệt có thể chứa các hóa chất mạnh khác. Nếu không được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, cũng có thể gây hại cho tóc và da đầu. Trong đó có thể kể đến:

Keratin có thể giúp làm đẹp tóc nhanh chóng nhưng cũng tồn tại các vấn đề bất lợi cho sức khỏe...
- Sulfate: Thường có trong dầu gội, mặc dù không trực tiếp gây hại như formaldehyde, sulfate là chất tẩy rửa mạnh, có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên tóc và da đầu, khiến tóc khô xơ, mất đi độ ẩm và có thể làm trôi nhanh lớp keratin được phủ.
- Paraben: Là chất bảo quản có trong rất nhiều sản phẩm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ của paraben với sự rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là estrogen.
- Silicones: Là chất tạo cảm giác mượt mà tức thì cho tóc bằng cách tạo một lớp màng bao phủ bên ngoài. Tuy nhiên, silicones khó rửa trôi, có thể tích tụ trên tóc và da đầu, gây bít tắc nang tóc, khiến tóc nặng, xẹp. Về lâu dài có thể cản trở sự hấp thụ dưỡng chất, làm tóc khô xơ và dễ gãy.
- Hương liệu tổng hợp: Có thể gây kích ứng hoặc phản ứng dị ứng cho những người nhạy cảm.
Tác hại có thể gặp khi lạm dụng keratin phục hồi, làm đẹp tóc
Hư tổn tóc do nhiệt độ cao: Keratin giúp tóc suôn mượt và chắc khỏe tạm thời. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc thực hiện sai cách có thể khiến tóc trở nên khô, xơ, mỏng và dễ gãy rụng hơn về lâu dài. Nhất là trong quy trình thực hiện liệu pháp keratin thường bao gồm việc sử dụng nhiệt độ cao như máy là tóc để khóa keratin vào sợi tóc thì tóc càng dễ bị hư tổn hơn.
Ngoài ra, việc lạm dụng keratin, sử dụng quá thường xuyên có thể khiến chất này tích tụ trên tóc, làm tóc trở nên cứng và mất đi độ tự nhiên.
Đối với người nhuộm tóc, quá trình làm keratin với nhiệt độ cao có thể làm phai màu tóc nhuộm, đặc biệt nếu thực hiện ngay sau khi nhuộm tóc.
Kích ứng da đầu: Một số hóa chất trong sản phẩm keratin, đặc biệt là formaldehyde, có thể gây ngứa, rát, mẩn đỏ, thậm chí bỏng hoặc phồng rộp da đầu.
Ngay cả các sản phẩm keratin "formaldehyde-free" cũng có thể gây phản ứng dị ứng hoặc kích ứng cho một số người do các thành phần khác có trong sản phẩm. Sẽ gây ngứa, đỏ, phát ban, nổi mụn da đầu...
Trong một số trường hợp rất hiếm và do sử dụng sản phẩm kém chất lượng hoặc lạm dụng quá mức các sản phẩm bổ sung keratin dạng uống/thực phẩm chức năng, có thể dẫn đến tình trạng khó thở, suy hô hấp dai dẳng.
Ảnh hưởng sức khỏe tổng thể:Đây là mối lo ngại lớn nhất, chủ yếu liên quan đến formaldehyde. Khi hít phải hơi formaldehyde thoát ra trong quá trình thực hiện có thể gây:
Ho, khò khè, khó thở.
Ngứa, rát mũi và cổ họng.
Đối với người thường xuyên tiếp xúc (thợ làm tóc) về lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp mạn tính như hen suyễn và các bệnh về phổi.
Kích ứng mắt do hơi hóa chất có thể gây ngứa, cay mắt, chảy nước mắt.
Một số người có thể bị thay đổi tâm trạng khi tiếp xúc với formaldehyde.
Tiếp xúc formaldehyde kéo dài và thường xuyên được chứng minh là có nguy cơ gây ung thư.
Lạm dụng các sản phẩm bổ sung keratin dạng uống có thể khiến cơ thể tích tụ quá nhiều protein, dẫn đến tăng cân, tăng nguy cơ giảm chức năng thận và đau khớp.

Không nên lạm dụng keratin làm đẹp tóc vì sẽ có những tác hại đến sức khỏe.
Lưu ý quan trọng để giảm thiểu tác hại
Để giảm thiểu những tác hại này, cần lưu ý:
- Chọn salon và sản phẩm uy tín: Nếu làm liệu pháp keratin tại salon, hãy chọn những nơi có kinh nghiệm. Đồng thời lựa chọn và sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc, có chứng nhận an toàn và không chứa formaldehyde.
- Thông báo tình trạng sức khỏe: Nếu bạn đang mang thai, cho con bú, hoặc có các vấn đề về hô hấp, da đầu nhạy cảm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi sử dụng liệu pháp keratin.
- Không nên làm liệu pháp keratin quá thường xuyên. Tùy thuộc vào tình trạng tóc, không nên thực hiện quá 2-3 lần/năm.
- Sử dụng dầu gội, dầu xả không chứa sulfate để duy trì lớp keratin trên tóc.
- Chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung đủ protein, vitamin và khoáng chất để tóc khỏe từ bên trong.
- Để keratin trong tóc không bị phá vỡ, cần hạn chế các tác động tiêu cực:
+ Giảm thiểu việc sử dụng máy sấy, máy là, máy uốn tóc. Nếu cần dùng, hãy luôn sử dụng sản phẩm bảo vệ nhiệt trước đó.
+ Giảm tần suất uốn, duỗi, nhuộm tóc. Nếu có thực hiện cần chọn sản phẩm chất lượng và chăm sóc tóc kỹ lưỡng sau đó.
+ Bảo vệ tóc khỏi môi trường: Đội mũ, che chắn tóc khi ra nắng hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, bụi bẩn.
+ Dùng lược răng thưa, chải nhẹ nhàng khi tóc khô hoặc hơi ẩm để tránh làm đứt gãy tóc.