Cảnh báo làn sóng dùng AI câu view từ vụ lật tàu ở Quảng Ninh
Ảnh giả do AI tạo ra, câu chuyện hư cấu nhưng đầy thương tâm sau vụ lật tàu ở Hạ Long đang bị lợi dụng để câu view, gây phẫn nộ và cảnh báo xã hội.
Khi nỗi đau từ vụ lật tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long hôm 19/7/2025 còn chưa nguôi ngoai, nhiều người lại thêm phẫn nộ trước những hành vi trục lợi thông tin trên mạng xã hội. Hình ảnh giả mạo, câu chuyện hư cấu do AI tạo ra đang bị một số cá nhân lợi dụng để "câu like", "câu view", bất chấp đạo đức và pháp luật.
Vụ tai nạn thương tâm khiến nhiều người thương vong đã để lại cú sốc lớn trong dư luận. Trong khi lực lượng chức năng Quảng Ninh khẩn trương cứu nạn, hỗ trợ thân nhân người bị nạn, thì trên mạng xã hội, hàng loạt hình ảnh và nội dung "đẫm nước mắt" được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Những dòng trạng thái như “Gia đình nhỏ giờ tan nát”, “Cha làm lụng vất vả…” đi kèm hình ảnh thương tâm khiến không ít người xúc động. Nhưng sự thật, nhiều hình ảnh đó là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI), hoàn toàn không có thật.

Những hình ảnh do AI tạo được các tài khoản trên mạng xã hội sử dụng mô tả cảnh đau thương trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58
Một số cá nhân sử dụng công cụ tạo ảnh như Midjourney, DALL·E để dựng nên những "gia đình nạn nhân" ảo, gán ghép vào những câu chuyện thương tâm không có thật nhằm đánh vào cảm xúc công chúng, tăng lượt tương tác, từ đó trục lợi.
Không chỉ dừng ở việc đăng hình ảnh giả, việc tung tin sai lệch về số lượng người tử vong cũng đã xảy ra. Khoảng 23h30 ngày 19/7 – ngay sau khi xảy ra tai nạn – chị N.H.A.T. (43 tuổi, trú tại phường Hồng Gai) đã dùng tài khoản Facebook cá nhân để lan truyền thông tin không đúng sự thật. Nội dung bình luận nhanh chóng bị chia sẻ rộng rãi, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người dân và công tác cứu nạn đang khẩn trương diễn ra.
Ngày 20/7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã phối hợp với Công an phường Hồng Gai làm việc với chị T. Qua xác minh, cơ quan chức năng khẳng định nội dung chị T. đăng tải là sai sự thật, không có căn cứ và vi phạm các quy định về thông tin trên không gian mạng. Chị T. đã bị lập hồ sơ xử phạt hành chính theo quy định.
Không thể biện minh cho sự vô cảm
Theo luật sư Đỗ Hải Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), hành vi sử dụng hình ảnh giả mạo, đặc biệt trong bối cảnh nhạy cảm như tai nạn thương tâm, không chỉ sai trái về mặt đạo đức mà còn có thể bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.
“Nếu việc lan truyền hình ảnh, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP), hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội ‘Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông’,” luật sư Nam phân tích.

Hình ảnh do AI tạo không có thật. Ảnh Internet
Mạng xã hội – không gian không vô danh
Từ mỗi cú nhấp chuột, chia sẻ hay bình luận, người dùng mạng cần ý thức được trách nhiệm công dân và đạo đức sử dụng thông tin. Chia sẻ sai sự thật không chỉ là hành động vô cảm, mà còn có thể trở thành hành vi tiếp tay cho tội phạm thông tin, làm tổn thương thêm những người đã và đang gánh chịu mất mát thực sự.
Không gian mạng chỉ thực sự lành mạnh khi mỗi người dùng trở thành một “người gác cổng thông tin” có trách nhiệm. Hãy chọn lọc nguồn tin chính thống – như Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, báo chí chính thống – và nói không với các nội dung giật gân, chưa kiểm chứng.
Việc xử lý nghiêm minh các hành vi trục lợi từ nỗi đau không chỉ là cần thiết, mà còn là hành động thể hiện sự tôn trọng đối với những người đã mất và thân nhân của họ. Nhưng hơn hết, chính là lời nhắc nhở về một môi trường mạng nhân văn, tỉnh táo và không thỏa hiệp với thông tin sai sự thật.