Cảnh báo đỉnh dịch sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue đang bước vào giai đoạn bùng phát mạnh trên toàn quốc, đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực phía Nam.

Tính đến ngày 19/7/2025, cả nước đã ghi nhận 38.222 ca mắc, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Mặc dù số ca mắc giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2024, song riêng trong tuần 29 (12-19/7), số ca mới tăng tới 27,9% so với tuần trước, cho thấy tốc độ lan rộng đang gia tăng đáng báo động.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dịch đã xuất hiện tại 60/63 tỉnh, thành phố, trong đó 75,4% ca bệnh tập trung tại miền Nam, khu vực vốn là “điểm nóng” truyền thống của sốt xuất huyết.

Riêng TP.HCM, dịch đang diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát nếu không được can thiệp quyết liệt.

Đến ngày 15/7, thành phố ghi nhận 15.546 ca bệnh, tăng 157,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 10 ca tử vong. Khu vực TP.HCM cũ chiếm tới 11.914 ca (tăng 167,1%), trong đó có 222 ca chuyển nặng, cao gấp 2,4 lần so với năm 2024.

Bình Dương ghi nhận 2.695 ca, tăng 148%, với số ca nặng gấp 5 lần cùng kỳ và 3 ca tử vong. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không ngoại lệ, với 929 ca mắc và 1 trường hợp tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, trước đây, sốt xuất huyết Dengue thường có chu kỳ 5 năm với thời gian “nghỉ” giữa các đợt dịch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện chu kỳ này đã rút ngắn xuống còn 2 năm, và dịch không còn giới hạn theo mùa. Từ tháng 6-7, số ca mắc đã tăng nhanh và thường đạt đỉnh vào tháng 10-11, trùng với giai đoạn mưa nhiều, độ ẩm cao, nhiệt độ trung bình tăng, điều kiện lý tưởng cho muỗi Aedes sinh sôi.

PGS-TS.Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cảnh báo, sốt xuất huyết giờ đây không chỉ bùng phát ở đô thị đông dân mà còn lan đến cả vùng núi trước kia vốn yên ả.

Đáng lo ngại hơn, ngay cả trong các tòa nhà cao tầng, muỗi vẫn có thể sinh sống và truyền bệnh nếu điều kiện vệ sinh môi trường bị lơ là. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về một chiến lược kiểm soát vector toàn diện, không giới hạn không gian và thời gian.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là sự chủ quan của người dân. Nhiều trường hợp nhầm lẫn sốt xuất huyết với cảm cúm, tự điều trị tại nhà, thậm chí truyền dịch sai cách.

Khi đến viện, bệnh đã diễn tiến nặng, gây sốc, suy đa tạng, xuất huyết nội, giảm tiểu cầu nghiêm trọng... Có bệnh nhân khỏe mạnh, không bệnh nền nhưng chỉ sau 4-5 ngày sốt đã rơi vào tình trạng nguy kịch.

PGS-TS.Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), chia sẻ trường hợp một sinh viên ở trọ tự điều trị vì nghĩ chỉ bị cúm thông thường, khi nhập viện ngày thứ 5 đã có dấu hiệu cô đặc máu, suy tuần hoàn nặng.

Những ca nặng như vậy không chỉ đe dọa tính mạng mà còn tiêu tốn nguồn lực y tế khổng lồ, có trường hợp phải điều trị vài tháng với chi phí lên đến gần 1 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, nhiều bệnh nhân còn phải đối mặt với các di chứng sau hồi phục như rụng tóc, mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, thậm chí rối loạn tâm lý.

Điều này cho thấy sốt xuất huyết không chỉ là bệnh “qua rồi là hết” mà có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng sống. Hiện nay, trên thế giới có 2 loại vắc-xin sống giảm độc lực phòng sốt xuất huyết được phê duyệt, trong đó vắc-xin của hãng Takeda đã được cấp phép tại 40 quốc gia, với hơn 12 triệu liều sử dụng.

Tại Việt Nam, mới chỉ có một loại vắc-xin được cấp phép, sử dụng cho người từ 4 tuổi trở lên. Đây là vắc-xin tái tổ hợp, được phát triển dựa trên khung xương virus DENV-2, nhằm tạo miễn dịch cân bằng cho cả 4 týp virus.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị những quốc gia có tỷ lệ mắc cao như Việt Nam nên đưa vắc-xin sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng vắc-xin không thể thay thế các biện pháp kiểm soát vector và phòng ngừa chủ động như vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất đúng thời điểm và đúng kỹ thuật.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/canh-bao-dinh-dich-sot-xuat-huyet-dengue-d341110.html
Zalo