Căng thẳng giữa Ai Cập và Ethiopia lại gia tăng liên quan đến đập Đại Phục hưng

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 3/7, Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên Nước Ai Cập Hani Sewilam đã phản đối việc Ethiopia liên tục áp đặt các biện pháp đơn phương liên quan đến đập thủy điện Đại Phục hưng (GERD), được xây dựng trên sông Nile Xanh.

Đập Đại phục hưng ở Guba, Ethiopia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đập Đại phục hưng ở Guba, Ethiopia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cùng ngày thông báo đập thủy điện trị giá hàng tỷ USD này đã hoàn thành và sẽ chính thức được khánh thành vào tháng 9 năm nay.

Theo ông Sewilam, các biện pháp này của Ethiopia vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là các quy tắc liên quan đến việc sử dụng công bằng và bình đẳng các tuyến đường thủy quốc tế, cũng như quy định cấm gây hại cho các quốc gia láng giềng. Ông Sewilam đưa ra các phát biểu trên trong cuộc gặp ngày 3/7 với một số đại sứ được giao nhiệm vụ đứng đầu các phái đoàn ngoại giao của Ai Cập ở nước ngoài, với sự hiện diện của Ngoại trưởng nước này Badr Abdelatty. Theo người đứng đầu Bộ Thủy lợi và Tài nguyên Nước Ai Cập, Ethiopia đã thực hiện các biện pháp đơn phương mà không có thỏa thuận ràng buộc với các quốc gia hạ lưu, bất chấp những lo ngại sâu sắc của Ai Cập và Sudan về an ninh nguồn nước.

Ông Sewilam nhấn mạnh việc không đạt được thỏa thuận pháp lý mang tính ràng buộc trong hơn 13 năm qua cho thấy Ethiopia thiếu ý chí chính trị, đồng thời cho rằng các biện pháp đơn phương của Ethiopia đi ngược lại các nguyên tắc hợp tác và đối tác. Ông cũng nhấn mạnh cam kết chính trị của Ai Cập trong việc đạt được một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý nhằm đảm bảo các lợi ích chung và ngăn chặn tác động của GERD đối với các quốc gia ở hạ lưu sông Nile.

Hiện Ethiopia chưa đưa ra bình luận về động thái trên của Ai Cập.

Với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, GERD đã được xây dựng trên sông Nie Xanh - một trong hai nhánh chính của sông Nile. Đây là đập thủy điện lớn nhất châu Phi với chiều dài 1,8 km, chiều cao 145 m và công suất phát điện tối đa hơn 5.000 MW. Hồ chứa của đập thủy điện khổng lồ này có thể tích lên tới 74 tỷ m3 nước.

GERD đã trở thành tâm điểm tranh chấp khu vực kể từ khi Ethiopia khởi công dự án này hồi năm 2011, khiến Ai Cập lo ngại nguồn nước sông Nile của nước này sẽ sụt giảm mạnh. Ai Cập lâu nay luôn coi GERD là mối đe dọa hiện hữu do quốc gia Bắc Phi này phụ thuộc vào sông Nile để đáp ứng 97% nhu cầu nước, tuy nhiên đập thủy điện trên vẫn là trọng tâm trong các kế hoạch phát triển của Ethiopia và chính quyền nước này thông báo đã bắt đầu sản xuất điện lần đầu tiên từ GERD hồi tháng 2/2022.

Nguyễn Trường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cang-thang-giua-ai-cap-va-ethiopia-lai-gia-tang-lien-quan-den-dap-dai-phuc-hung-20250704104757520.htm
Zalo