Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân (Bài cuối)
Cấm xe máy chạy xăng không phải là một bước đi dễ dàng. Sẽ có sự xáo trộn, thậm chí là khó khăn nhất thời. Nhưng về lâu dài, để bảo vệ tương lai, bảo vệ sức khỏe người dân, chúng ta sẽ phải thay đổi thói quen hiện tại. Khi hạn chế dần xe xăng thì sẽ có nhiều lựa chọn cho người dân như là phương tiện công cộng, xe ôm/taxi công nghệ và mua xe máy điện để sử dụng...
Kinh nghiệm chuyển đổi giao thông xanh từ các nước
GS.TS Lê Hùng Lân, Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Chi Hội trưởng Chi hội Tự động hóa Giao thông vận tải và Logistics cho biết, hiện nay, trên thế giới giao thông xanh đã được đề cao phát triển. Thỏa thuận xanh của các nước EU đặt mục tiêu giảm 90% lượng khí thải nhà kính từ giao thông, tiến tới nền kinh tế không phát thải khí carbon vào năm 2050. Hiện nay, mức phát thải khí CO2/người ở EU nhỏ hơn 40% so với Trung Quốc và nhỏ hơn 59% so với Mỹ.
Trung Quốc nổi bật với vai trò là nước đi đầu cả về quy mô triển khai lẫn tốc độ phát triển xe năng lượng mới (New Energy Vehicles - NEV). Chỉ trong vòng chưa đầy hai thập niên, Trung Quốc đã xây dựng được một hệ sinh thái công nghiệp xe điện có tính cạnh tranh toàn cầu và áp dụng một loạt chính sách nhằm hạn chế xe chạy xăng tại các thành phố lớn. Từ một nước phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu dầu mỏ và ô nhiễm nghiêm trọng, Trung Quốc đã trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với hàng triệu xe điện mới được bán ra mỗi năm và hạ tầng trạm sạc phát triển nhanh chóng.

Không chỉ có người già, ngày càng có nhiều người trẻ ở Hà Nội chọn cách di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Chuyển dịch khỏi xe xăng tại Trung Quốc không đơn thuần là chính sách giao thông hay môi trường, mà là một phần trong chiến lược lớn hơn về tái cấu trúc công nghiệp và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngay từ năm 2009, Trung Quốc đã khởi động chương trình “Xe năng lượng mới” (NEV), với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ trung ương trong việc thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ xe điện, xe hybrid và xe pin nhiên liệu hydro.
Trung Quốc chọn mô hình “thí điểm trước - nhân rộng sau”, trong đó một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu… được trao quyền thử nghiệm các biện pháp hạn chế xe xăng trước khi áp dụng rộng rãi toàn quốc. Tại Bắc Kinh và Thượng Hải, việc cấp biển số xe xăng từ lâu đã bị hạn chế nghiêm ngặt.
Ngoài ra, một số thành phố đã triển khai các vùng cấm xe xăng theo giờ, đặc biệt là ở khu vực trung tâm hoặc trong các khu du lịch sinh thái. Đặc biệt, tỉnh Hải Nam - một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi xanh - đã công bố kế hoạch cấm bán xe xăng mới toàn tỉnh kể từ năm 2030. Đây là kế hoạch cấm toàn diện đầu tiên ở Trung Quốc, được coi là tín hiệu thử nghiệm cho các tỉnh, thành khác.
Còn tại Indonesia, trong năm 2025, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe máy điện, sau khi đạt kết quả tích cực trong 2 năm qua. Năm 2024, nước này đã chuyển đổi thành công 1.111 chiếc, tăng mạnh so với con số 145 xe vào năm 2023. Chương trình nhận được tài trợ từ ngân sách nhà nước và khu vực tư nhân, trong đó có gói hỗ trợ 10 triệu rupiah (tương đương hơn 600 USD) cho mỗi xe được chuyển đổi. Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện và sắp ban hành loạt chính sách ưu đãi mới để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xe máy điện trong nước. Năm 2024, sản lượng xe máy điện đạt 6,91 triệu chiếc, với doanh số tiêu thụ đạt 6,33 triệu.
Dù còn nhiều thách thức, đặc biệt là giá thành phương tiện còn cao, Chính phủ vẫn quyết tâm khuyến khích người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới sử dụng phương tiện sạch. Bộ Giao thông vận tải Indonesia nhấn mạnh, đây là bước đi cần thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, đồng thời giúp nước này tiến gần hơn đến mục tiêu có 13 triệu xe 2 bánh chạy điện vào năm 2030.
Xe điện được xem là giải pháp phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Thái Lan, giúp giảm tới 40% khí thải nhà kính vào năm 2030, khi quốc gia này kỳ vọng EV chiếm 30% tổng sản lượng xe. Còn Singapore từ lâu đã có chính sách hạn chế số lượng xe lưu thông. Từ năm 2020, Chính phủ tuyên bố sẽ loại bỏ toàn bộ xe xăng vào năm 2040. Hệ thống chứng nhận quyền sở hữu xe COE (Certificate of Entitlement) giảm giá cho xe điện. Singapore cũng đầu tư mạnh cho xe buýt điện và taxi điện, tích hợp cùng kế hoạch xây dựng thành phố thông minh và giảm thiểu phát thải carbon.
Nhìn chung, chuyển đổi sang phương tiện sạch là xu thế cần thiết trong giảm phát thải tại chỗ, nhưng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách, thị trường và hành vi tiêu dùng. Giảm phát thải từ giao thông không đơn thuần là thay đổi phương tiện, mà là một cuộc cách mạng trong tư duy đô thị và phát triển hạ tầng.
Kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong cho thấy, sự thành công đến từ việc xây dựng lộ trình khả thi, linh hoạt và lấy người dân làm trung tâm. Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng có cơ hội để học hỏi và tránh lặp lại sai lầm của các nước đi trước để kiến tạo một hệ thống giao thông xanh – sạch – thông minh, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Vượt qua thách thức
Nhiều chuyên gia giao thông, y tế, môi trường đều có chung một nhìn nhận: Nếu Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân, hệ thống giao thông phức tạp, nhưng nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc đã chuyển đổi được sang giao thông xanh, thì Việt Nam với quy mô nhỏ hơn, áp lực ít hơn, càng có thể làm tốt hơn, nếu có quyết tâm và hành động thực tế.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam bày tỏ: Dù có băn khoăn, lo lắng nhưng nhìn chung người dân đã và sẽ ủng hộ vì điều này sẽ mang lại sức khỏe cho mỗi gia đình. Tuy nhiên người dân cũng rất mong các chính sách hỗ trợ, an toàn, mạng lưới sạc, giao thông công cộng được triển khai, công bố nhanh, công bố sớm. Đấy cũng là kinh nghiệm của các nước, các chính sách hỗ trợ làm rất công khai, minh bạch, kịp thời. Thậm chí nhiều nước họ còn đưa lên các trang web, app để người dân thấy việc chuyển đổi đó như thế nào.
“Tôi cũng rất hy vọng Hà Nội với tinh thần quyết liệt như vừa qua sẽ triển khai sớm những biện pháp để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nhanh chóng, thuận lợi, giảm những tác động đến cuộc sống”, ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Quay trở lại với thông tin từ cơ quan chức năng. Sở Xây dựng cho biết, dù ngày 12/7, Chỉ thị 20 của Thủ tướng mới ban hành, song từ ngày 28/6/2025, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 8086/SXD-TCĐT, gửi các đơn vị (Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Sở Văn hóa Thể thao; Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương; Tập đoàn Vingroup – CTCP) đề nghị phối hợp rà soát, tổng hợp quỹ đất phục vụ việc lắp đặt trạm sạc phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Tuy nhiên, đến nay, Sở Xây dựng chưa nhận được phản hồi hoặc danh sách tổng hợp từ các đơn vị liên quan. Song không vì thế mà các giải pháp đưa ra bị chậm trễ. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật và ban hành Đề án chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh, phù hợp với thực tiễn của từng loại hình vận tải (xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe chuyên dùng…). Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các cơ chế hỗ trợ cụ thể như ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế, trợ giá trực tiếp cho phương tiện điện, đặc biệt đối với doanh nghiệp vận tải công cộng.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, hiện nay Vành đai 1 mới chỉ được 11/45 tuyến xe buýt điện. Bản thân xe buýt cũng phải chuyển đổi. “Chúng tôi sẽ tăng cường mạng lưới xe buýt quy mô trung bình 8-12-16 chỗ. Hiện nay, loại hình này tỏ ra rất hiệu quả khi triển khai hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trong khu vực Vành đai 1 để tạo thành mạng lưới phủ rộng hơn. Cùng đó là loại hình taxi xe điện kiểm soát bổ trợ, thiết lập các loại hình trung chuyển xe điện ở mức độ nhỏ hơn quy mô 4 chỗ, tạo mạng lưới khép kín trong khu vực Vành đai 1, phát triển lan tỏa vành đai 2 trong tương lai với lộ trình đến năm 2028 tiến tới năm 2030 cho các vành đai. Đối với hệ thống xe buýt này, chúng tôi sẽ cố gắng kết hợp với hệ thống đường sắt đô thị”.
Hiện nay có tuyến Cát Linh – Hà Đông đi vào trung tâm Vành đai 1, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, ngay trong năm 2025 và đến năm 2030 TP Hà Nội sẽ phải hình thành hoàn chỉnh 3 tuyến đường sắt đô thị (tuyến đường sắt đô thị số 2, số 3, số 5) và tuyến đường sắt đô thị nhánh số 2A. Đây là các phương tiện vận tải khối lượng lớn tốc độ cao. Ngay cả khu vực sông Hồng cũng được quan tâm trong thời gian tới để kiện toàn hạ tầng kỹ thuật. Nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng lên, hiện nay tỉ lệ này toàn thành phố còn hạn chế, mới chỉ khoảng 20%. Thời gian tới, đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ phải cố gắng nâng tới 35%, thậm chí 40%.
Nói về sự hỗ trợ người dân, Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan cho dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh (xe điện) và phát triển hệ thống trạm sạc trên địa bàn…
Hà Nội dự kiến vào tháng 9/2025 sẽ trình theo đúng lộ trình mà Chỉ thị 20 yêu cầu. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội thể hiện quyết tâm: “Hà Nội sẽ chuẩn hóa lại quy hoạch và triển khai mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, thậm chí còn làm nhiệm vụ đầu tư công của thành phố để kiện toàn hệ thống trạm sạc phù hợp, song song với việc bảo đảm an toàn”.
“Chúng ta thấy pin xe là vấn đề liên quan tới cả phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chúng tôi sẽ kiểm soát và thiết lập đồng bộ với hệ thống giao thông tĩnh, kiểm soát chặt các khu vực trong cấu trúc công năng một tòa nhà, chủ yếu triển khai các khu vực bên ngoài gắn với hạ tầng kỹ thuật giao thông, kể cả giao thông động và giao thông tĩnh, các khu vực công cộng, làm sao thể hiện được mạng lưới thuận tiện nhất và tốt nhất”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nói.
Trong một diễn biến khác, Sở Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý bến xe, các bãi đỗ xe, trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp kinh doanh vận tải triển khai lắp đặt trạm sạc cho xe điện và xe năng lượng xanh. Đối với các đơn vị quản lý bến xe, bao gồm: Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, Trung tâm Khai thác bến xe, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển ngành nước - môi trường, cùng các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, Sở Xây dựng yêu cầu tổ chức rà soát toàn diện, xác định các khu vực có thể lắp đặt trạm sạc trong phạm vi quản lý và báo cáo kết quả triển khai trong thời gian sớm nhất.
Sở Xây dựng khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch trong lĩnh vực giao thông, do đó yêu cầu giám đốc các đơn vị liên quan phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai khẩn trương, nghiêm túc các nội dung nêu trên. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội - đơn vị đang quản lý các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm - hiện đơn vị đã phối hợp với các đối tác triển khai lắp đặt trạm sạc điện tại các bến xe. Dự kiến đến quý III/2025, toàn bộ 3 bến xe sẽ được lắp đặt đầy đủ trạm sạc, phù hợp với diện tích hiện hữu và nhu cầu thực tế. Bến xe Nước Ngầm đã hoàn tất công tác khảo sát và đang chuẩn bị các bước cần thiết để triển khai đầu tư, lắp đặt trạm sạc điện phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
TS Phan Lê Bình, chuyên gia từng nhiều năm làm việc cho Tổ chức JICA (Nhật Bản) cho rằng, việc tổ chức giao thông công cộng kết nối, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để người dân chấp nhận thay đổi. Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để lộ trình cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ 1/7/2026 trở thành hiện thực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Khi được chuẩn bị bài bản, đồng bộ và nhân văn, đây sẽ là bước ngoặt xanh hóa giao thông đô thị, mang lại môi trường sống tốt hơn cho hàng triệu người dân Thủ đô…