Cần rạch ròi chuẩn đầu ra, bằng trung học nghề và THPT, tránh gây hiểu nhầm
Cần bám vào khung trình độ quốc gia Việt Nam để làm rõ chuẩn đầu ra của trung học nghề, tránh gây hiểu nhầm.
.t1 { text-align: justify; }
Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến góp ý của chuyên gia giáo dục nghề nghiệp và lãnh đạo cơ sở giáo dục.
Điều 3 của Dự thảo Luật có nêu: “Chương trình đào tạo trình độ trung học nghề để cấp bằng trung học nghề dành cho người học đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở. Bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”.
Một số ý kiến cho rằng, khi bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy trong tuyển sinh đại học.
Trung học nghề phải bảo đảm chuẩn đầu ra tham chiếu với khung trình độ quốc gia
Bàn về Điều 3 của Dự thảo luật, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự hoan nghênh khi chương trình trung học nghề được đưa vào Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Tuy nhiên, thầy Quản cho rằng quá trình sửa luật đang đi sâu vào yếu tố kỹ thuật. Do vậy, cần đặt việc sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp trong một tổng thể hài hòa với Luật Giáo dục (được xem là luật “mẹ") để bảo đảm sự nhất quán về chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

Thầy Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: giaoduc.net
Về chi tiết: “Bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”, theo thầy Quản, cách gọi “ngang bằng” cũng có nghĩa hiểu là quá trình học của đối tượng học trung học nghề và đối tượng học trung học phổ thông cũng phải ngang bằng. Muốn bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì kiến thức văn hóa trong trung học nghề phải tương đương với trung học phổ thông. Tuy nhiên, chương trình trung học nghề mà có khối lượng kiến thức bằng với trung học phổ thông thì không phù hợp.
“Cần bám vào khung trình độ quốc gia Việt Nam để làm rõ chuẩn đầu ra của trung học nghề, tránh gây hiểu nhầm”, thầy Quản chia sẻ.
Theo thầy Quản, dù gọi là “ngang bằng”, “tương đương” hay một cách diễn đạt nào khác thì cũng phải hiểu rõ bản chất, hàm ý rằng: chương trình đào tạo trung học nghề, hay trung học phổ thông đều phải bảo đảm chuẩn đầu ra tương ứng với khung trình độ quốc gia.
Trường đại học có lo ngại về chất lượng tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp trung học nghề?
Ở góc độ cơ sở giáo dục đại học, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết, chúng ta cần thống nhất quan điểm rằng bằng cấp là một văn bản pháp lý xác nhận một trình độ giáo dục nhất định.
Việc dự thảo quy định “bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông” cần được hiểu đúng theo nghĩa pháp lý, tức là điều kiện để tiếp cận các cơ hội học tập và việc làm, chứ không có nghĩa là năng lực học thuật giữa hai đối tượng là tương đương. Do đó, từ góc độ tuyển sinh đại học, việc sử dụng bằng trung học nghề để xét tuyển cần gắn với điều kiện bổ sung, hoặc theo định hướng ngành nghề phù hợp. Nếu không, sự dàn ngang trong đánh giá có thể gây khó khăn cho cả người học lẫn cơ sở đào tạo.

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.
“Việc mở rộng cơ hội học tập cho người học là một chủ trương nhân văn và phù hợp với xu thế học tập suốt đời. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo ở bậc đại học, điều quan trọng là cần xác lập những tiêu chí và điều kiện đầu vào phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng. Học sinh tốt nghiệp chương trình trung học nghề có thể chưa được trang bị đầy đủ nền tảng kiến thức học thuật như chương trình trung học phổ thông. Do đó, nếu xét tuyển vào đại học với điều kiện như nhau mà không có cơ chế đánh giá riêng sẽ đặt ra thách thức trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo và khả năng thích nghi của người học”, thầy Lý chia sẻ.
Trước một số ý kiến cho rằng, việc công nhận giá trị ngang bằng giữa hai loại bằng cấp này có thể tạo ra ảo tưởng cho người học trung học nghề về khả năng học đại học. Bàn về vấn đề này, thầy Lý bày tỏ, khi chúng ta diễn đạt không rõ ràng giữa "giá trị pháp lý" và "giá trị học thuật" thì sẽ dễ dẫn đến hiểu nhầm rằng ai có bằng cũng đều học đại học được như nhau. Điều này có thể tạo ra kỳ vọng không thực tế nơi người học, đặc biệt là các em vốn đã định hướng theo hướng nghề nghiệp sớm. Đương nhiên, chúng ta đều biết sẽ có nhiều em tốt nghiệp trung học nghề với chuyên môn rất giỏi, kỹ năng tốt,... nhưng do điều kiện hoàn cảnh trước đó không theo học chương trình trung học phổ thông được ngay.
Hệ lụy trước hết là rơi vào trạng thái “không đúng sở trường”, nghĩa là người học không theo kịp chương trình đại học, mất động lực, hoặc rẽ hướng giữa chừng. Về phía nhà trường, việc tiếp nhận người học thiếu nền tảng học thuật phù hợp sẽ ảnh hưởng đến thiết kế chương trình, chất lượng giảng dạy và đầu ra. Đây là những yếu tố làm nên uy tín học thuật của một cơ sở đào tạo.
“Tôi cho rằng, việc công nhận bằng trung học nghề có giá trị ngang bằng với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cần được hiểu và truyền thông đúng mức. Nếu không, có thể dẫn đến hiểu lầm rằng học sinh nào tốt nghiệp trung học nghề cũng có đủ năng lực để học đại học như học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này vô tình có thể tạo áp lực cho người học khi bước vào môi trường đại học vốn thiên về học thuật, dẫn đến nguy cơ bỏ học giữa chừng, học lệch, hoặc không phát huy hết năng lực nghề đã được đào tạo.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, trên thực tế, người học theo hướng nghề nghiệp được đào tạo sớm có thể làm việc nhanh, còn người học định hướng học thuật được trang bị để tiếp tục học tập và nghiên cứu ở bậc cao hơn. Không thể đồng nhất cả hai về chuẩn đầu vào lẫn mục tiêu đào tạo.
Tuy nhiên, thầy Lý nhấn mạnh điều quan trọng là các trường đại học được trao quyền tự chủ tuyển sinh theo luật hiện hành. Do đó, dù bằng trung học nghề có giá trị pháp lý để xét tuyển đại học, thì nhà trường vẫn có toàn quyền quy định điều kiện tuyển sinh cụ thể, ví dụ như yêu cầu thêm bài kiểm tra năng lực, hoặc chỉ tuyển sinh vào những ngành phù hợp với định hướng nghề nghiệp đã học.
“Trong bối cảnh bằng cấp được công nhận ngang nhau, việc thiết kế cơ chế đánh giá năng lực đầu vào trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo tôi, cần có quy định cụ thể về chuẩn đầu vào cho từng loại hình tuyển sinh, như vậy sẽ vừa đảm bảo công bằng trong cơ hội học tập, vừa duy trì được chất lượng và danh tiếng học thuật của các trường đại học”, Tiến sĩ Trần Đình Lý nêu quan điểm.
Trong khi đó, một cán bộ tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh của một trường đại học ở Hà Nội cho rằng, các phương án, phương thức tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học thường nêu rất đầy đủ, chi tiết về chỉ tiêu, tiêu chuẩn, tiêu chí xét tuyển, tuyển sinh.
Nhưng trung học nghề chủ yếu đào tạo kỹ năng thực hành, trong khi trung học phổ thông tập trung vào kiến thức học thuật. Do vậy, cần có cơ chế sàng lọc đầu vào tuyển sinh đại học phù hợp với từng đối tượng, để đảm bảo thí sinh trúng tuyển có thể theo được chương trình đào tạo đại học.
Vị này chia sẻ thêm, thực tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để đánh giá năng lực và lựa chọn thí sinh phù hợp với từng ngành đào tạo.
Dù theo phương thức nào, thí sinh cũng phải đạt điểm từ mức sàn trở lên. Sau đó, căn cứ vào tổng chỉ tiêu tuyển sinh và phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức, các trường tiến hành xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Ngoài ra, các trường còn có thể sử dụng nhiều cách đánh giá khác như tiêu chí phụ, bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, thành tích học tập nổi bật, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, hoặc thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, Olympic... để xác định năng lực thực sự của thí sinh có đáp ứng yêu cầu vào đại học hay không.