Cần 'quả đấm thép' để mở rộng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội

Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội khóa XVI bước sang ngày thứ 2 với nhiều vấn đề quan trọng, trong đó vấn đề phát triển hệ thống đường sắt đô thị trở thành vấn đề nóng.

Sáng ngày 2/7, thảo luận về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, đa số đại biểu đánh giá cao việc xây dựng và triển khai Đề án nhằm tạo bộ mặt mới cho giao thông công cộng của Thủ đô trong tương lai.

Nhiệm vụ trọng tâm

Các đại biểu đề nghị UBND thành phố tiếp tục rà soát Đề án để bảo đảm triển khai những nội dung liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông công cộng, hạ tầng đường sắt đô thị được nêu trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Quốc hội cho ý kiến.

Theo quy hoạch được duyệt, TP Hà Nội dự kiến xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km (trong khi TP.HCM sẽ xây dựng 11 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 229,1km).

Hà Nội dự kiến triển khai 10-14 dự án đường sắt đô thị.

Hà Nội dự kiến triển khai 10-14 dự án đường sắt đô thị.

Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dài 13km, đồng thời đang thi công xây dựng 2 tuyến (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Nhổn - Ga Hà Nội, tổng chiều dài 24km)... Các tuyến còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhìn nhận, đây là khối lượng công việc rất lớn, cần gói giải pháp tổng thể, đột phá, đồng bộ về công nghệ xây dựng, quản lý, vận hành cho hệ thống đường sắt đô thị, đặt nền móng cho ngành công nghiệp đường sắt đô thị.

Trong kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội đang diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, hiện tại dự thảo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô đang đề xuất theo hướng ưu tiên giải quyết việc lựa chọn áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ chung, đồng bộ cho toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị của các địa phương.

UBND thành phố cũng đang chỉ đạo thành viên Tổ công tác, Ban Quản lý đường sắt đô thị rà soát, hoàn thiện nội dung Đề án cũng như thúc đẩy thủ tục chuẩn bị đầu tư tuyến 2A kéo dài (Cát Linh - Hà Đông kéo dài) và các tuyến đã có nghiên cứu.

Giải bài toán nguồn lực đầu tư

Đồng tình với sự cần thiết ban hành đề án đường sắt đô thị, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân cho rằng, nguồn lực cho Đề án vẫn là vấn đề cần bàn. Cần có định hướng chung cho tất cả các tuyến đường, tránh tình trạng mỗi tuyến vay tiền một nơi và đưa công nghệ khác nhau gây khó kết nối.

Thảo luận tại tổ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đánh giá mục tiêu đề án đặt ra là xây dựng tuyến đường sắt đô thị với chiều dài lớn và tổng đầu tư 50 tỷ đô la có tính khả thi không cao.

Nếu không thay đổi phương pháp làm thì rất khó để thực hiện, đây là bài học thực tiễn đã được rút ra từ dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có thời gian triển khai kéo dài, nguồn vốn cũng bị đội lên rất lớn. Vì thế, ông Bảo cho rằng TP cần cân nhắc tổng mức đầu tư và cách triển khai thực hiện.

Thực tế vấn đề nguồn lực đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội đã được đưa không ít lần. Còn nhớ, hồi đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Hà Nội cần cơ chế đột phá hạ tầng, sẵn sàng vay 30-40 tỷ USD làm đề án đường sắt đô thị riêng trong 10-15 năm.

Cần có cách làm mới với đột phá về nguồn lực đầu tư để Hà Nội hoàn thành mục tiêu phát triển đường sắt đô thị.

Cần có cách làm mới với đột phá về nguồn lực đầu tư để Hà Nội hoàn thành mục tiêu phát triển đường sắt đô thị.

Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định nếu không có cách làm hiệu quả, hàng trăm năm nữa cũng không làm xong mạng lưới đường sắt đô thị, không giải quyết được vấn đề phát triển. Còn làm được điều này sẽ tạo động lực mới, kích thích kinh tế thành phố phát triển rất mạnh.

Hà Nội có nguồn lực về đất đai nên có thể vay và trả, nhưng theo vị “tư lệnh” Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành phố cần một chương trình riêng, đề án riêng cho phát triển hạ tầng để tạo đột phá phát triển đô thị như những “quả đấm thép”.

"1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư"

TS. Lã Ngọc Khuê, chuyên gia về giao thông, cho hay hiện giao thông công cộng Hà Nội mới đáp ứng được 28% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi nghiên cứu mô hình giao thông công cộng ở Singapore cho thấy khi giao thông công cộng đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân, giao thông đô thị mới trở lại trật tự.

Vì thế Hà Nội nên đặt mục tiêu 15 năm nữa làm được các tuyến đường sắt đô thị cụ thể vì cần tới 10 năm thành phố mới làm xong được hơn 10km Cát Linh - Hà Đông.

Trước mắt, ông khuyến nghị Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị số 3 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đầu tư kéo dài tuyến này về hướng Lĩnh Nam.

Đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị cần nhiều thời gian, vì thế cần phát triển song song hệ thống đường sắt monorail như Trung Quốc đã làm, thúc nhanh việc xây dựng tuyến vành đai 4 để tách được giao thông quá cảnh, liên vùng ra khỏi nội đô.

Đồng thời thiết kế với các loại hình giao thông chính gồm đường sắt đô thị, xe buýt, làm sao để người dân đi bộ 400m là tới được bến xe buýt và taxi.

Về phát triển hệ thống đường sắt đô thị, trong ngày đầu của kỳ họp 17, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường trình bày tờ trình Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Theo đó, mục tiêu của Đề án là phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2023 đạt 50-55%; sau năm 2035 đạt 65-70%.

Trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc đã được xác định, thành phố đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” đầu tư như sau:

Phân kỳ 2024-2030: Hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 22, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỷ USD.

Phân kỳ 2031-2035: Hoàn thành đầu tư xây dựng 301km. Sơ bộ nhu cầu vốn: khoảng 22,572 tỷ USD. Về năng lực vận tải, đến sau 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD.

Phân kỳ 2036-2045: Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km đường sắt đô thị các tuyến đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Sơ bộ nhu cầu vốn là khoảng 18,252 tỷ USD.

Hà Bắc

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/can-qua-dam-thep-de-mo-rong-he-thong-duong-sat-do-thi-ha-noi-1100759.html
Zalo