Cần phương án bảo vệ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Sáng 27.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Kịp thời ứng phó, thích ứng, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững

Đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi Luật Việc làm nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung; phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

 Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, việc sửa đổi Luật Việc làm về cơ bản sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế về quy định hỗ trợ việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động để đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực việc làm. Đồng thời, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0; giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động kế thừa, phát triển quy định hiện hành đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với hội nhập quốc tế.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, vẫn còn có một số nội dung quy định về thủ tục hành chính như: Trình tự đăng ký lao động (Điều 23); điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động (Điều 25); trình tự, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (Điều 63); trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 66); trình tự, thủ tục hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo nâng cao tay nghề (Điều 74, Điều 77)… Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính ra khỏi dự thảo Luật và giao cho Chính phủ quy định nội dung này.

Còn tình trạng người lao động khi mất việc không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp

Về đóng bảo hiểm xã hội (Điều 58), khoản 5 quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 56 Luật này để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…

 Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa hợp lý, vì để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đôn đốc, thu, xử lý hành vi vi phạm việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Trong khi đó, thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy, còn một bộ phận người lao động khi nghỉ việc, mất việc không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình không đóng, chậm đóng, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, dẫn đến người lao động mất thu nhập. Vì vậy, người lao động mong muốn có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp để người lao động được hưởng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp đúng như quy định, đồng thời phát triển việc làm mới.

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị, cần nghiên cứu quy định nội dung Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho người lao động đóng số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho Cơ quan bảo hiểm xã hội thì làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại cho Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho người lao động.

 Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) đề nghị, nghiên cứu kỹ nội dung “Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng” để có phương án bảo vệ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã không còn khả năng đóng, hoặc trốn đóng thì chưa biết khi nào cơ quan bảo hiểm mới thu hồi được số tiền người lao động bỏ ra.

Đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh, “người lao động làm việc tại các doanh nghiệp mất cân đối tài chính hay trốn đóng bảo hiểm thường là những người lao động có khó khăn trong việc tìm việc làm mới và về điều kiện kinh tế. Nếu như bắt họ phải bỏ thêm tiền nộp thay cho người sử dụng lao động thì quá thiệt thòi cho họ”.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ngay sau Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các ĐBQH.

Đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan, các nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động… để bảo đảm tính minh bạch, khả thi của dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần chú trọng quán triệt đổi mới trong phương pháp xây dựng pháp luật trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề phát sinh; phấn đấu đến Kỳ họp thứ Chín sẽ thông qua dự thảo Luật này với chất lượng cao nhất.

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-phuong-an-bao-ve-nguoi-lao-dong-tham-gia-bao-hiem-that-nghiep-post397585.html
Zalo