Cần mở rộng phạm vi quản lý với doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước

Chiều 29/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đa số các đại biểu nhất trí với các nội dung được trình bày tại tờ trình và báo cáo thẩm tra.

Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ một số nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; áp dụng Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, điều ước quốc tế; nguyên tắc, quản lý và đầu tư vốn Nhà nước, nội dung quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh; quyết định công tác nhân sự; quyền và nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ...

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) - Ảnh: Quochoi.vn

Tham gia thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, Dự thảo Luật áp dụng cho các đối tượng có vốn Nhà nước nắm giữ trên 50%, không quy định với các doanh nghiệp sở hữu vốn Nhà nước dưới 50%.

Tuy vậy, với 1 công ty cổ phần có phần vốn Nhà nước chiếm 49%, số còn lại chia cho 5 cổ đông lớn khác, mỗi người sở hữu chưa đến 10% cổ phần, đại biểu băn khoăn, nếu không quy định sẽ không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý, thi hành, theo dõi; đồng thời, việc quản lý phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, phần lợi nhuận, chế tài xử lý vi phạm sẽ ra sao?.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần phải mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước, quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của Nhà nước đi tới đâu thì Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó; việc quản lý chỉ dựa theo tỉ lệ sở hữu vốn cổ phần. Có như vậy mới bảo đảm được nguyên tắc quản trị tài chính.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, Dự thảo Luật có nhiều khái niệm không rõ, dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy cần làm rõ các khái niệm: quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, vốn này là gì và nằm ở đâu?.

Theo đại biểu, nếu không rõ các khái niệm này thì không thể có quy định về phương thức quản lý tương ứng, phù hợp để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, tác bạch với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Góp ý vào nội dung điều 12 Dự thảo Luật về quyền kinh doanh của doanh nghiệp, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, có nhiều quy định “đương nhiên” mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Ví dụ như tuân thủ quy định của pháp luật về doanh nghiệp hay chấp hành sự kiểm tra, thanh tra…

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị viết lại điều 12 theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực đã xác định trong Điều lệ và những gì pháp luật không cấm, không hạn chế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đánh giá cao nguyên tắc quy định tại điều 5 Dự thảo Luật là vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp là vốn của pháp nhân doanh nghiệp.

Theo đại biểu, với nguyên tắc này, thì việc quản lý, sử dụng tiền vốn của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, là quyền của doanh nghiệp, quản lý theo điều lệ của doanh nghiệp, không thể áp đặt cơ chế quản lý vốn ngân sách Nhà nước.

Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị phải bỏ các quy định áp dụng Luật Đầu tư công về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn của doanh nghiệp tại các điều 25, đến điều 32. Phải trao quyền này cho doanh nghiệp tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần bổ sung quy định “Nhà nước sau khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp thì trở thành cổ đông của doanh nghiệp, sở hữu cổ phần theo phần vốn đã đầu tư”.

Với tư cách là cổ đông, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử người, hoặc là thuê người để đại diện để thực hiện quyền cổ đông trong doanh nghiệp. Khi đó, người đại diện chịu trách nhiệm quản lý tiền vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp theo mục tiêu đầu tư của Nhà nước.

Các đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 29/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 29/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ giao nhiệm vụ cho người đại diện thông qua các chỉ tiêu kế hoạch mà doanh nghiệp phải thực hiện như: bảo toàn và phát triển vốn đầu tư hoặc trích nộp lợi nhuận tương ứng với phần vốn Nhà nước đầu tư. Đối với doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền chi phối có thể giao thêm các nhiệm vụ chính trị thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước...

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu, để bảo đảm tiền vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phòng ngừa rủi ro, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử bộ phận giám sát, độc lập để giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và người đại diện chủ sở hữu.

Về công tác nhân sự ở điều 13 Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị chỉ quy định các yêu cầu, nguyên tắc cử người đại diện và bộ phận giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Còn việc bổ nhiệm các vị trí quản lý khác trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp phải do người được cử đại diện chủ sở hữu toàn quyền lựa chọn và quyết định theo các tiêu chuẩn cán bộ quản lý doanh nghiệp do Chính phủ quy định.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-mo-rong-pham-vi-quan-ly-voi-doanh-nghiep-co-duoi-50-von-nha-nuoc.html
Zalo