Cần làm sáng tỏ vụ 'tự nguyện hiến quyền sử dụng đất' tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh

Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều vấn đề xoay quanh vụ việc Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh dùng tiền Trường mua đất để cá nhân đứng tên, sau hơn 10 năm, cá nhân 'tự nguyện hiến quyền sử dụng đất' lại cho Trường cần được các cơ quan chức năng làm rõ để tránh thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

 Cổng vào Dự án trại thực hiện tại Bình Thuận của Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh. Bên trong hiện là đất trống. Ảnh: Quang Phương

Cổng vào Dự án trại thực hiện tại Bình Thuận của Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh. Bên trong hiện là đất trống. Ảnh: Quang Phương

Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh việc Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh dùng tiền Trường để mua đất làm Dự án trại thực nghiệm ở Bình Thuận và để ông Đỗ Sa Kỳ đứng tên. Ông Kỳ lúc bấy giờ là Trưởng phòng Đầu tư xây dựng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (NCƯD-CGCN). Ông Kỳ hiện là Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh.

Vụ việc trên đã được Thanh tra Chính phủ kết luận (TTCP) tại Kết luận thanh tra số 950/KL-TTCP ngày 29.4.2014 và Thông báo KLTT số 408/TB-TTCP ngày 4.3.2015. TTCP kết luận “Việc Hiệu trưởng Trường ủy quyền cho cá nhân sử dụng tiền của Trường để mua đất cho dự án nhưng đứng tên cá nhân là không đúng quy định”.

 Khu đất 50.000m2 ở Thôn 2, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận do ông Đỗ Sa Kỳ đứng tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất từ năm 2008. Ảnh: Quang Phương

Khu đất 50.000m2 ở Thôn 2, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận do ông Đỗ Sa Kỳ đứng tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất từ năm 2008. Ảnh: Quang Phương

Đáng chú ý, sau 8 năm từ khi ban hành KLTT, ngày 22.7.2022, vợ chồng ông Đỗ Sa Kỳ đã có “Đơn hiến quyền sử dụng đất” gửi UBND huyện Hàm Thuận Nam và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Nam. Theo đó, vợ chồng Kỳ “xin thống nhất hiến quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cụ thể là Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh để xây dựng dự án trại thực nghiệm của Trường”.

Trước việc “tự nguyện hiến quyền sử dụng đất”, dư luận "băn khoăn" việc ông Kỳ đứng tên trên giấy tờ đất từ 2008, năm 2014, TTCP vào cuộc và chỉ ra sai phạm nhưng mãi đến năm 2022 ông Kỳ lại có đơn “hiến quyền sử dụng đất”, phải chăng đất đó là thuộc sở hữu của ông Kỳ? Việc "hiến đất" có phải để “hợp thức hóa sai phạm”?

 "Đơn hiến quyền sử dụng đất" của ông Đỗ Sa Kỳ. Ảnh: Quang Phương

"Đơn hiến quyền sử dụng đất" của ông Đỗ Sa Kỳ. Ảnh: Quang Phương

Nhìn nhận về vụ việc trên, Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận định, việc dùng tiền của Trường (một đơn vị công lập) để mua đất thì đất mua phải được đăng ký sở hữu đứng tên Trường, không thể đứng tên cá nhân. Nếu để cá nhân đứng tên là vi phạm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Cụ thể theo Điều 6 và Điều 10: tài sản công phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Việc dùng tiền Trường để mua đất đứng tên cá nhân có thể dẫn đến thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích, vi phạm quy định nghiêm cấm sử dụng tài sản công để tư lợi cá nhân.

Trong khi đó, Điều 167, 168 Luật Đất đai 2013 quy định Người sử dụng đất chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai. Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi: được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; được đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 Bên trong dự án hiện có một căn nhà cấp 4. Toàn bộ diện tích đất hiện là đất nông nghiệp trồng ngô, các loại hoa màu, ao nước. Ảnh: Quang Phương

Bên trong dự án hiện có một căn nhà cấp 4. Toàn bộ diện tích đất hiện là đất nông nghiệp trồng ngô, các loại hoa màu, ao nước. Ảnh: Quang Phương

“Hành động hiến quyền sử dụng đất lại cho Trường sau thanh tra chỉ là biện pháp khắc phục hậu quả, không xóa bỏ được trách nhiệm pháp lý phát sinh từ hành vi vi phạm ban đầu. Việc này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự nếu xác định có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình sử dụng tài sản công. Các cơ quan thanh tra cần làm rõ động cơ và tính hợp pháp của việc mua đất, cũng như trách nhiệm của cá nhân và tổ chức liên quan”, luật sư Thường phân tích.

Cũng theo Luật sư Lê Bá Thường, để việc tặng cho quyền sử dụng đất hợp lệ, cần đáp ứng đầy đủ điều kiện theo Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, và các quy định liên quan đến quản lý tài sản công. Cụ thể như: Điều 167, 168 Luật Đất đai 2013; Điều 45 Luật đất đai 2024; Khoản 3 Điều 79 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP (người sử dụng đất cần lập văn bản tặng cho quyền sử dụng đất có chứng thực và nộp tại UBND cấp xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai) và Điều 457 và Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015: (Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực và hoàn tất thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

“Việc tặng cho chỉ hợp lệ nếu đất được mua bằng tiền cá nhân và đứng tên hợp pháp. Trường hợp đất được mua bằng tài sản công nhưng đăng ký tên cá nhân, dù sau đó "hiến" lại, cũng cần được cơ quan chức năng xác minh để đảm bảo không có hành vi lạm dụng tài sản công”, Luật sư Thường cho hay.

 Dự án trại thực nghiệm tại thôn 2, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) của Trường ĐH Mở dùng tiền Trường mua đất giao cho ông Đỗ Sa Kỳ đứng tên từ năm 2008, đến nay vẫn chỉ là đất trống. Ảnh: Quang Phương

Dự án trại thực nghiệm tại thôn 2, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) của Trường ĐH Mở dùng tiền Trường mua đất giao cho ông Đỗ Sa Kỳ đứng tên từ năm 2008, đến nay vẫn chỉ là đất trống. Ảnh: Quang Phương

Đồng quan điểm trên, Luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú cho rằng: "Việc Trường ĐH Mở dùng tiền Trường để mua đất và ủy quyền cho một cá nhân khác đứng tên, là có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý tài sản công. Việc “hiến đất” sau nhiều năm có KLTT là cách khắc phục hậu quả, nhưng nếu không thực hiện được các thủ tục pháp lý cần thiết, không đưa vào sử dụng đúng mục đích của trường, thì là rất lãng phí".

"Cần làm rõ vì sao TTCP đã chỉ ra sai phạm nhưng 10 năm qua vẫn chưa khắc phục được, dẫn đến sai phạm vẫn tồn tại và lãng phí tài sản công. Trách nhiệm trong việc gây thất thoát nếu có và việc lãng phí ngân quỹ của trường, cũng phải được làm rõ, thậm chí có thể xử lý hình sự về tội tham ô nếu có dấu hiệu chiếm đoạt bớt số tiền được chi từ ngân quỹ. Trường hợp, Hội đồng trường hiện nay từ chối nhận tặng cho quyền sử dụng đất nói trên, do không thể khai thác cho mục đích giáo dục của Trường thì việc trả lại ngân quỹ cho trường kèm lãi suất trả chậm do gây thiệt hại khi để lãng phí số tiền đã chi ra trong nhiều năm qua, cần phải được đặt ra và giải quyết sớm, dứt điểm”, luật sư Điền nêu quan điểm.

Những cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm?

TTCP đã chỉ ra nhiều tập thể và cá nhân phải chịu trách nhiệm liên quan đến các sai phạm, sai sót đã được Thanh tra kết luận. Theo đó, chịu trách nhiệm trong các sai phạm thuộc về ông Lê Bảo Lâm (thời điểm đó là Bí thư Đảng ủy, nguyên hiệu trưởng); đối với vấn đề tài chính còn có các ông Nguyễn Văn Phúc (thời điểm đó: hiệu trưởng, nguyên phó hiệu trưởng)… Đối với vấn đề về đầu tư xây dựng, ngoài ông Lê Bảo Lâm còn có nhiều cá nhân khác, trong đó có ông Đỗ Sa Kỳ (thời điểm đó: Trưởng phòng Đầu tư xây dựng) hiện nay là Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng trường…

Đối với Dự án khu sinh thái Cần Giờ chịu trách nhiệm có: Ban Giám hiệu giai đoạn 2006 –2007; Đảng ủy Trường giai đoạn 2006 – 2007… nhiều cá nhân khác…

* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Quang Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-lam-sang-to-vu-tu-nguyen-hien-quyen-su-dung-dat-tai-truong-dai-hoc-mo-tp-ho-chi-minh-post398957.html
Zalo