Cần làm rõ vai trò của Nhà nước khi đầu tư vào doanh nghiệp

Đại biểu Hoàng Văn Cương cho rằng, cần trao quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp trong việc đầu tư và quản lý vốn. Đồng thời, ông đề xuất bổ sung quy định, khi Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp, thì trở thành cổ đông và sở hữu cổ phần theo tỷ lệ vốn đã đầu tư.

Làm rõ vai trò của cổ đông Nhà nước

Chiều ngày 29/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiều ý kiến đề xuất làm rõ vai trò của Nhà nước khi đầu tư vào doanh nghiệp, đặc biệt là việc phân định quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), đánh giá cao nguyên tắc tại Điều 5 của dự thảo Luật, theo đó vốn nhà nước, sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp, sẽ trở thành vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Ông Cường cho rằng, việc quản lý, sử dụng vốn của doanh nghiệp, kể cả khi doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, cần được thực hiện theo điều lệ của doanh nghiệp, không thể áp đặt cơ chế quản lý vốn ngân sách nhà nước.

Do đó, ông Cường đề nghị bỏ các quy định áp dụng Luật Đầu tư công về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn của doanh nghiệp, cụ thể từ Điều 25 đến Điều 32. Ông khẳng định, cần trao quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp trong việc đầu tư và quản lý vốn. Đồng thời, ông đề xuất bổ sung quy định rằng, khi Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp, thì trở thành cổ đông và sở hữu cổ phần theo tỷ lệ vốn đã đầu tư.

Với tư cách cổ đông, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử người hoặc thuê người để đại diện thực hiện quyền lợi của cổ đông trong doanh nghiệp. Người đại diện này sẽ chịu trách nhiệm quản lý tiền vốn đầu tư của Nhà nước, đảm bảo theo đúng mục tiêu đầu tư đã xác định. Cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ giao nhiệm vụ cho người đại diện thông qua các chỉ tiêu kế hoạch như bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, cũng như trích nộp lợi nhuận theo tỷ lệ vốn đầu tư.

Ông Cường nhấn mạnh, để việc quản lý được hiệu quả, người đại diện chủ sở hữu cần có quyền tự chủ trong việc tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự phù hợp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng cần thành lập bộ phận giám sát độc lập để theo dõi các hoạt động của doanh nghiệp và người đại diện.

Cần điều chỉnh cơ chế phân phối lợi nhuận

Liên quan đến cơ chế phân phối lợi nhuận, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng có những ý kiến quan trọng. Ông cho rằng, cơ chế phân phối lợi nhuận trong dự thảo luật không khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và có lợi nhuận cao. Cụ thể, theo dự thảo, doanh nghiệp sẽ phải trích tối đa ba tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng, nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng vẫn trả lương cao, thì vẫn có thể thu nhập cao, trong khi các doanh nghiệp làm ăn tốt lại không thể phân phối lợi nhuận cao cho người lao động.

Do vậy, ông Cường đề xuất, phần lợi nhuận của doanh nghiệp cần được dành trước hết để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao, như tăng vốn, trích nộp ngân sách và lập các quỹ dự phòng. Phần còn lại có thể phân phối để tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động theo kết quả kinh doanh thực tế.

Làm rõ các khái niệm và phân định quyền hạn

Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho ý kiến về khái niệm "quản lý vốn nhà nước" và các quyền của doanh nghiệp trong dự thảo luật. Theo ông Hiếu, nhiều khái niệm trong dự thảo chưa rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn, như "quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp", hay "vốn nhà nước tại doanh nghiệp". Ông Hiếu bày tỏ lo ngại rằng, nếu các khái niệm này không được làm rõ, việc quy định phương thức quản lý sẽ không hiệu quả.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình)

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình)

Theo ông Hiếu, quản lý vốn nhà nước bao gồm hai chức năng chính: thực hiện quyền chủ sở hữu đối với cổ phần, phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp và giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng Điều 8 của dự thảo luật lại thiên về công cụ quản lý thay vì làm rõ nội dung thực tế của việc quản lý vốn nhà nước.

Do vậy, ông Hiếu đề nghị bổ sung quy định rõ ràng về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu, theo nguyên tắc của một nhà đầu tư chuyên nghiệp, đủ năng lực. Đồng thời, ông cũng đề nghị điều chỉnh Điều 12 về quyền kinh doanh của doanh nghiệp, khẳng định quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực đã xác định trong Điều lệ và pháp luật không cấm.

Ngoài ra, ông Hiếu còn đề xuất điều chỉnh các quy định về giám sát, thanh tra, cũng như việc đánh giá doanh nghiệp nhà nước 100% vốn và doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước sao cho rõ ràng và hợp lý hơn.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/can-lam-ro-vai-tro-cua-nha-nuoc-khi-dau-tu-vao-doanh-nghiep-721330.html
Zalo