Cần làm rõ quyền sở hữu và cơ chế bảo vệ tài sản số

Theo thống kê của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, năm 2023, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có giao dịch tiền số lớn nhất trên thế giới, với khoảng 20 triệu người dùng và giá trị hơn 100 tỷ USD. Do hiện chưa được quy định trong luật nên những giao dịch tiền số như thế này không được pháp luật bảo vệ và gây thất thoát một lượng thuế không nhỏ. Do đó, các đại biểu Quốc hội đánh giá lần đầu tiên tài sản số hay tài sản mã hóa được quy định trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là một bước tiến đột phá và cấp thiết trong giai đoạn phát triển số mạnh như hiện nay. Đây là ý kiến đáng chú ý trong phiên thảo luận tổ sáng 23/11.

Đồng tình với việc phải quản lý tài sản số, tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn vì tài sản số được định nghĩa trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nhưng lại chưa có trong Bộ Luật dân sự. Do đó, khi xảy ra tranh chấp, sẽ không có cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề, nhất là quyền sở hữu, chuyển giao hay cơ chế bảo vệ người dùng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chưa quy định đầy đủ quyền và trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về tài sản ảo theo từng lĩnh vực.

Phần lớn các đại biểu cho rằng, tài sản số là một lĩnh vực rất mới, lần đầu tiên được luật hóa. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ hơn các khái niệm và các quyền cơ bản khi công nhận tài sản số trong dự thảo Luật, tránh việc không có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các tranh chấp phát sinh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Tuấn Anh - Đức Minh - Sỹ Cường - Ngọc Thiện

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-lam-ro-quyen-so-huu-va-co-che-bao-ve-tai-san-so-243981.htm
Zalo